Lớn lên chị đã mang cái chân tật nguyền do bị ngã vào bếp lửa, may mắn chị có được cô con gái làm chỗ dựa nhưng số phận thật trớ trêu đã gắn liền chị với giường bệnh, vì suy thận cấp độ nặng.
Căn nhà nhỏ lụp xụp của người phụ nữ khốn khổ Nguyễn Thị Phương (SN 1973, ở thôn Quang Long, xã Quang Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), nằm cuối thôn chìm khuất trong cơn mưa cuối thu.
Chân của chị Phương bị tật nguyền vì ngã vào bếp lửa lúc 3 tháng tuổi.
Chị lê từng bước chân đầy khó nhọc khi thấy chúng tôi đến nhà. Căn nhà tình nghĩa che nắng, che mưa bao năm nay giờ nền nhà đọng từng vũng nước vì mái ngói đã hư hỏng. Chị loay hoay tìm chỗ khô ráo mời khách.
Người phụ nữ, khuôn mặt khắc khổ hằn lên trên từng nếp nhăn bảo, từ lâu rồi tôi nằm viện, nhà phải khoá trái cửa không có người ở nên mới như thế này, vừa lật đật rót nước mời khách một cách khó khăn chị Phương vừa ấp úng giải thích.
Mỗi một bước đi, mỗi hành động, cử chỉ của chị Phương đều rất đỗi chật vật khiến người đối diện không khỏi ái ngại. Chị Phương tâm sự, hồi còn nhỏ, cái thời tôi còn chưa biết cuộc đời tròn méo ra sao. Sinh thời cha mẹ kể lại, lúc tôi mới được 3 tháng tuổi thì không may bị ngã từ trên giường xuống bếp lửa mà mẹ tôi nhóm một bên để sưởi ấm. Ông Trời vẫn cho tôi sống sót, nhưng toàn thân bị biến dạng vì bỏng”.
Chị Phương cười gượng gạo: “Trách số trời, cái phận tôi là thế. Chỉ phiền một nỗi, dị tật này đeo bám tôi cả đời, lúc nhỏ thì bạn bè trêu chọc, lớn lên thì tự ti, ngại ngùng, làm việc gì cũng sợ người ta nói vào nói ra… Nhưng mà, khó mấy tôi cũng vượt qua được hết chú à, tôi không sợ điều đó”, vừa nói chị vừa lau nước mắt.
Hơn 6 năm qua, chị Phương phải chạy thận tại bệnh viện.
Điều may mắn gần như duy nhất mà cuộc đời cho chị đó là có một cô con gái (SN 1996) tên là Nguyễn Thị Nam. Học xong lớp 12, người con gái đi lấy chồng, cả hai vợ chồng đều làm công nhân. Dù không giúp được gì nhiều, nhưng có mẹ có con.
“Nhiều khi tôi nghĩ, nếu không có cái Nam thì tôi đã không sống được đến tận giờ. Nuôi con vất vả, nhưng người như tôi, có con cái bên cạnh cũng là an ủi lắm rồi...".
Có điều, trời như thử lòng người, khốn khó này chưa qua, tai hoạ khác đã lại ập đến. Đầu năm 2012, chị Phương bắt đầu thấy có những biểu hiện lạ về sức khoẻ trong người.
Sau những lần chuyền thuốc tay của chị Phương bị vỡ ven trông rất tội nghiệp.
“Ban đầu tôi đều nghĩ chắc do cơ thể mình không lành lặn, ăn uống lại không được đầy đủ dẫn đến mất sức, rồi sinh ra ốm như thế. Nhiều lần thuốc thang tự mua, rồi nghỉ dưỡng nhưng sức khoẻ không tiến triển mà ngày một yếu đi, không thể đi lại như trước nữa. Lúc đó, con gái mới đưa tôi vào TP. Vinh khám bệnh”, chị Phương chia sẻ.
Sau khi khám bệnh tại bệnh viện Giao thông vận tải Nghệ An có kết quả, chị Phương như rụng rời chân tay. Chị bị suy thận ở cấp độ nặng nhất, ngay lập tức các bác sĩ yêu cầu chị phải nhập viện để chữa trị. Trong năm đó, chị bắt đầu phải chạy thận nhân tạo một tuần 3 lần.
Chị phương đã và đang trải qua những ngày cơ cực.
Trao đổi với PV về hoàn cảnh của chị Phương, bác sĩ Nguyễn Văn Mạnh – Trưởng khoa Tiết niệu lọc máu bệnh viện Giao thông vận tải Nghệ An cho biết: “Hoàn cảnh của chị Phương quá éo le, chị đã điều trị tại đây nhiều năm rồi nhưng vì bản thân chị bị tật nguyền nên ảnh hưởng đến căn bệnh thận rất nặng. Phía bệnh viện cũng đã cố gắng kêu gọi giúp đỡ chị để bớt phần khó khăn nhưng để điều trị lâu dài thì quả thực rất khó khăn”.
“Tôi phải thuê phòng trọ gần bệnh viện để điều trị cả năm chú ạ! Giờ “thân cô, thế cô” tôi không biết dựa vào ai”, chị Phương buồn bã cho biết thêm.
Ngay trong năm đầu tiên, số tiền chi trả cho bệnh viện lên đến cả trăm triệu đồng nhưng bệnh tình không khỏi. Nhà nghèo, tài sản duy nhất chỉ duy nhất một con bò chị cũng đã phải bán để chữa trị nhưng không thấm vào đâu.
Năm thứ 2, khi mua bảo hiểm y tế, tiền viện phí thuốc men đỡ được phần nào, nhưng những chi phí đi lại, ăn ở trong lúc nằm viện cũng tiêu tốn của chị trên 10 triệu một tháng.
Đối với chị cả cuộc đời chưa từng biết đến một ngày bình yên, chưa được hưởng một ngày gọi là “sướng”
Đến năm thứ 3, chị được hưởng bảo hiểm y tế hộ nghèo. Thế nhưng, đến lúc này thì trong nhà cũng đã khánh kiệt, nợ nần chồng chất, đứa con gái duy nhất cũng đã làm tất cả để lo cho mẹ. “Bế tắc quá, nhiều lúc tôi muốn cắn lưỡi chết đi cho đỡ khổ, để không liên luỵ con cái chú à”, chị Phương nấc nghẹn, từng giọt nước mắt lã chã rơi trên gương mặt người phụ nữ khốn khổ rất mong được các nhà hảo tâm và bạn đọc Dân trí giúp đỡ.
Mọi đóng góp xin gửi về:
Chị Nguyễn Thị Phương
Địa chỉ: Thôn Quang Long, Xã Quang Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
ĐT: 0326.550.711
Hiện chị Thanh đang điều trị tại khoa Tiết niệu lọc máu bệnh viện Giao thông vận tải Nghệ An./.