a-1654003759.jpg
Cán bộ Đoàn thanh niên và UBND xã Thanh Dương, Thanh Chương (Nghệ An) cắm biển cảnh báo đuối nước. Ảnh: Quang Đại

Số bể bơi quá ít so với nhu cầu dạy bơi cho trẻ em

Ngày 31.5, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện Thanh Chương - cho biết: Năm 2021, trên địa bàn huyện xảy ra 2 vụ đuối nước, làm 2 trẻ em tử vong. Đầu năm 2022 đến nay chưa xảy ra vụ nào, tuy nhiên yếu tố nguy cơ vẫn tiềm ẩn do địa bàn huyện nhiều sông hồ, tỉ lệ trẻ em biết bơi chưa cao.

b-1654003783.jpg
Biển cảnh báo nguy hiểm, phòng đuối nước tại xã Thanh Khê (Thanh Chương - Nghệ An). Ảnh: QĐ

“Công tác phòng chống đuối nước được các địa phương đặc biệt quan tâm, các hoạt động tuyên truyền trực tiếp, trực tuyến và thông qua các hoạt động lồng ghép được tiến hành thường xuyên. Hiện các địa phương đã lắp đặt 235 biển cảnh báo nguy hiểm tại các vị trí có nguy cơ cao, cung cấp 218 thiết bị cứu hộ cho các nhà trường, địa phương, học sinh” - ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay.

Tuy nhiên, công tác dạy bơi cho học sinh, trẻ em còn gặp nhiều khó khăn. Toàn huyện có khoảng 66.000 trẻ em tại 38 xã, thị trấn, nhưng mới chỉ có 8 bể bơi kiên cố, 4 bể bơi thông minh, quá ít so với nhu cầu. Nguyên nhân do thiếu kinh phí.

Mặc dù các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị, trường học, địa phương thường xuyên tuyên truyền và có nhiều giải pháp phòng chống đuối nước, nhưng năm 2021, toàn tỉnh Nghệ An vẫn có 34 em tử vong vì đuối nước. Đầu năm 2022 đến nay, con số này là 17 em. Các vụ đuối nước chủ yếu xảy ra ở các địa bàn miền núi, nông thôn, nạn nhân chủ yếu là con các gia đình khó khăn.

Tỉ lệ bể bơi trong trường học chỉ đạt hơn 4%

c-1654003854.jpg
Nghỉ hè, do trường học thiếu bể bơi, phụ huynh TP.Vinh cho con đi học bơi tại các bể bơi tư nhân. Ảnh: QĐ

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nghệ An, nhiệm vụ phòng chống đuối nước được ngành đặc biệt quan tâm, coi đây là nhiệm vụ cấp bách thường xuyên, đã chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp để phòng ngừa tai nạn thương tích, đuối nước cho học sinh.

Sở đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục lồng ghép, tích hợp nội dung kiến thức về phòng chống đuối nước vào một số môn học (Thể dục, Sinh học, Giáo dục công dân…); vận động, phối hợp với các lực lượng xã hội xây dựng bể bơi ở một số nhà trường; khuyến khích những trường có điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đưa nội dung dạy bơi vào chương trình dạy học chính khóa; tập huấn phương pháp dạy bơi, kỹ năng phòng tránh đuối nước và sơ cấp cứu đối với người bị nạn cho giáo viên môn Thể dục; phối hợp với các tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cắm biển cảnh báo tại những khu vực nguy hiểm, phát triển mô hình “bể bơi di động”, tổ chức dạy bơi miễn phí cho học sinh, thành lập các đoàn kiểm tra để đôn đốc, nhắc nhở.

Tuy nhiên, đến nay, thực tế số lượng bể bơi trong các trường học còn rất ít, toàn tỉnh mới có 4 trường THPT, 10 trường mầm non (chủ yếu là trường ngoài công lập), 38 trường tiểu học, 8 trường THCS có bể bơi, tổng 60 bể bơi. So với số lượng 1.447 trường mầm non và phổ thông trên địa bàn tỉnh, thì số bể bơi nói trên mới chỉ như “muối bỏ biển” (tỉ lệ 4,14%).

Theo đánh giá của Sở GDĐT Nghệ An, bên cạnh các cơ sở giáo dục đã tích cực vào cuộc, vẫn còn nhiều trường chưa quan tâm đúng mức, đối phó, phối hợp còn lỏng lẻo…

Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn phòng Sở GDĐT Nghệ An - chia sẻ: “Mỗi em học sinh mất vì đuối nước là một nỗi đau chung cho gia đình, nhà trường và xã hội, để lại những tổn thương và mất mát không thể khắc phục. Ngành Giáo dục luôn chỉ đạo và vào cuộc tích cực nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người. Tuy nhiên, các vụ tai nạn thường xảy ra trong thời điểm học sinh không đến trường hoặc nghỉ hè, do đó rất cần sự quan tâm đặc biệt của các gia đình, địa phương, các cấp các ngành và toàn xã hội”./.