Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Một trong những vi phạm xảy ra trên tuyến giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ) là tình trạng khai thác cát sỏi trái phép, gây bức xúc cho người dân. Gần đây nhất, vào khoảng 22 giờ ngày 2/11, tại khu vực sông Lam thuộc địa phận khối 13, phường Bến Thủy, thành phố Vinh, một phà vỏ sắt có chiều dài 47m, rộng 5,2m, được trang bị 7 hệ thống máy nổ và có 4 người đang khai thác cát trái phép đã bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý. Qua kiểm tra xác định, số lượng cát đã khai thác trái phép chứa trên khoang phà là 112m3.
Quá trình làm việc, cơ quan Công an làm rõ số cát trên phà sau khi khai thác được các đối tượng chở về bãi tập kết tại bến thuộc Công ty cổ phần Xây lắp và Thương mại 668, thuộc khối 13, phường Bến Thủy, thành phố Vinh. Tại bãi tập kết của công ty này có hơn 1.630m3 cát, thời điểm kiểm tra lãnh đạo công ty chưa xuất trình các giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số cát trên nên Phòng Cảnh sát môi trường đã tạm giữ phương tiện để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong năm 2021, trên địa bàn toàn tỉnh, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 704 vụ khai thác khoáng sản trái phép, trong đó chủ yếu là khai thác cát, sỏi. Đội Cảnh sát giao thông đường thủy đã tổ chức 246 ca, 1.170 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia, lập biên bản 102 trường hợp, xử phạt vi phạm chuyển Kho bạc Nhà nước gần 258 triệu đồng; bắt giữ 01 vụ, 01 đối tượng, thu giữ: 80 m³ cát.
Việc xử lý vi phạm về khai thác cát sỏi trái phép trên các tuyến sông là một trong những nội dung trọng tâm trong thực hiện nghiêm Luật Giao thông ĐTNĐ, trong đó lực lượng chủ công là Cảnh sát đường thủy, Cảnh sát giao thông (thuộc Công an tỉnh) và Thanh tra giao thông vận tải (thuộc Sở Giao thông Vận tải).
Đối với công tác này, UBND tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo sâu sát, quyết liệt công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa. Tính đến năm 2021, các lực lượng đã tổ chức 6.750 ca tuần tra kiểm soát với trên 29.000 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia, phát hiện hơn 19.200 trường hợp vi phạm. Theo đó, xử phạt tiền đối với trên 19.000 trường hợp vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 18,5 tỷ đồng; nhắc nhở, cảnh cáo trên 200 trường hợp.
Bên cạnh đó, đình chỉ hoạt động đối với 72 bến thủy nội địa và trên 500 phương tiện thủy không đủ điều kiện hoạt động theo quy định. Tổ chức 5 cuộc thanh tra chuyên ngành giao thông ĐTNĐ, qua kiểm tra đã xử lý 35 tổ chức và trên 300 các nhân vi phạm các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy, xử phạt 320 trường hợp với số tiền 326 triệu đồng.
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức
Bên cạnh việc tuần tra, kiểm soát và xử phạt các vi phạm Luật Giao thông ĐTNĐ, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng được các cơ quan, đơn vị chức năng chú trọng với nhiều phương thức đa dạng, rộng khắp, có chiều sâu, góp phần làm chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân và các đối tượng tham gia hoạt động trên ĐTNĐ.
Một trong những cách làm hiệu quả đó là xây dựng nhiều mô hình đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy như mô hình "Làng chài bình yên" ở xóm Hòa Lam, xã Hưng Hòa, TP Vinh; Mô hình "Bến đò an toàn" tại bến đò Cung xã Cát Văn, huyện Thanh Chương; "Bến đò kiểu mẫu" tại bến đò Phú Sơn (Tân Kỳ), bến đò Hoa Hải (Quỳ Châu), bến đò Phà Lài (Con Cuông); "Bến cảng an toàn cảng Cửa Hội" (TX Cửa Lò)... Nhờ vậy, người dân tham gia giao thông trên các tuyến đường thủy đã yên tâm hơn rất nhiều.
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh khẳng định, mặc dù số lượng các bến đò, thuyền sang sông trên địa bàn tỉnh không nhiều, nhưng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho chủ phương tiện và người dân về đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường thủy vẫn được thực hiện kết hợp kiểm tra thường xuyên, trong đó có bến thuyền trên sông Lam. Theo quy hoạch, toàn tỉnh hiện có 9 cảng, 35 bến khách, 200 bến hàng hóa. Tuy nhiên, hiện mới có 20 bến khách hoạt động. Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành và chính quyền địa phương, các nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền Luật Giao thông ĐTNĐ. Đồng thời, phát động phong trào quần chúng nhân dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ĐTNĐ, đặc biệt là cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” được triển khai hàng năm và duy trì từ năm 2005 đến nay.
Theo đánh giá của lãnh đạo UBND tỉnh về kết quả thực hiện Luật Giao thông ĐTNĐ từ khi có hiệu lực năm 2006 đến nay, hệ thống đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh hiện tại vẫn chưa phát triển. Nhiều bãi cạn, mực nước thông thuyền thấp, việc khai thác vận tải chủ yếu theo luồng lạch tự nhiên. Cho nên chỉ thích hợp cho các phương tiện tàu thuyền loại nhỏ để vận tải khách từng đoạn ngắn và chủ yếu vận chuyển vật liệu xây dựng (cát, sỏi,...).
Hiện nay, khối lượng vận tải thủy (hàng hóa và hành khách) trên địa bàn tỉnh là không đáng kể so với vận tải đường bộ do điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Và tính đến năm 2021, số phương tiện thủy nội địa đã được đăng ký là 1.028 phương tiện, gồm 730 phương tiện vận tải hàng hóa, 27 phương tiện vận tải khách do Sở GTVT cấp; 271 phương tiện do UBND huyện cấp. Song trong số đó hiện nay có khoảng 50% người điều khiển chưa có bằng lái, chứng chỉ chuyên môn phù hợp; hầu hết các phương tiện chưa thực hiện đúng quy định về bố trí các chức danh trên phương tiện, về lập sổ danh bạ thuyền viên, danh sách hành khách…
Chính vì vậy, bên cạnh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thì công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hiện Luật Giao thông ĐTNĐ đóng vai trò hết sức quan trọng trong hình thành ý thức tự giác cho người dân, giảm thiểu các tai nạn, rủi ro và vi phạm trong lĩnh vực giao thông ĐTNĐ./.