Thời gian qua, Nghệ An là một trong những tỉnh chịu rất nhiều tác động của làn sóng dịch lần thứ 4. Theo thống kê, đầu tháng 11/2021 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 900 ca nhiễm Covid-19 mới.
Phòng chống dịch Covid-19, tỉnh Nghệ An đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp, thích ứng với tình hình, để sớm kiểm soát và khống chế dịch. Riêng về công tác tiêm phòng vắc xin phòng Covid-19, đến nay, toàn tỉnh đã tiêm được 2 triệu liệu vắc xin cho công dân từ 18 tuổi trở lên... Tuy nhiên, ở thời điểm này, tình hình dịch ở Nghệ An vẫn đang diễn biến rất phức tạp, với nhiều nguy cơ dịch bùng phát, lan rộng.
Tại hội nghị trực tuyến, các đại biểu tham dự đã làm rõ và nhận diện những khó khăn, vướng mắc; nêu lên những đề xuất, kiến nghị trong phòng chống dịch, đặc biệt việc thích nghi với tình hình mới... Phát biểu kết luận hội nghị, PGS.TS Dương Đình Chỉnh đã yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch.
Cụ thể: Các địa phương, đơn vị cần tiếp tục chủ động xây dựng kịch bản, kế hoạch chống dịch trong tình hình mới theo đúng sự chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Nghệ An. Đảm bảo việc cách ly, phong tỏa hẹp nhưng phải khoanh vùng rộng để nhận diện tình hình dịch, xem xét lấy mẫu xét nghiệm; thường xuyên triển khai lấy mẫu thăm dò ngẫu nhiên ở những vùng có nguy cơ cao. Việc tổ chức cách ly cần thực hiện linh hoạt, trong đó xem xét triển khai cách ly F1 tại nhà nếu đủ điều kiện bảo đảm an toàn. Với những người trở về từ các địa phương, tùy vào cấp độ dịch để nhận diện, tổ chức cách ly theo quy định.
Thực hiện phòng chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”, các địa phương cần chủ động bố trí nguồn lực và chuẩn bị dự phòng các vật tư y tế để chống dịch; tiếp tục quản lý hiệu quả di biến động dân cư; phát huy hiệu quả Tổ COVID cộng đồng, tổ tự quản và vai trò của người dân trong tham gia chống dịch; thường xuyên cập nhật cấp độ dịch tại các xã để quyết định các hoạt động phù hợp... Mỗi địa phương cần xây dựng từ 3- 4 trạm xã lưu động. Trong đó mỗi trạm y tế đủ thu dung, điều trị 100 bệnh nhân khi có yêu cầu.
Các địa phương, đơn vị liên quan phải rà soát kỹ, xây dựng kế hoạch tiêm chủng sát thực, phù hợp với các nhóm đối tượng. Trong đó, việc tổ chức tiêm chủng phải đảm bảo an toàn, kịp thời, đúng thời gian, tiến độ và nhập liệu kịp thời. Ngoài ra, các địa phương phải tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch trên địa bàn và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm; tiếp tục tổ chức tốt, có hiệu quả công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của người dân./.