Ngang nhiên SX trái chủ trương đầu tư nhiều năm qua
Ngày 27/8/2015 Sở Xây dựng Nghệ An có văn bản số 1738 gửi UBND tỉnh Nghệ An về việc Khảo sát lựa chọn địa điểm lập QHXD nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) tại xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ do công ty TNHH Mậu dịch Quốc doanh Cừa làm chủ đầu tư. Cty này hiện nay có trụ sở tại xóm Thắm, xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ do bà Ngô Thị Hòa làm giám đốc kiêm CT HĐQT.
Tại văn bản này, Sở Xây dựng có kết luận, kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An: “Việc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất VLXD tại xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ nhằm chuyển đổi sản xuất từ thủ công sang công nghệ tiên tiến để sản xuất các sản phẩm ngói có chất lượng cao là phù hợp… Theo quy hoạch phát triển VLXD trên tỉnh Nghệ An đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2743 ngày 24/6/2010 thì trên địa bàn huyện Tân Kỳ phải phát triển sản xuất ngói lợp theo công nghệ tiên tiến tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, tiêu hao nguyên liệu và năng lượng thấp, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững.
Vì vậy, Sở Xây dựng thống nhất và kính đề nghị UBND tỉnh cho phép công ty TNHH Mậu dịch Quốc doanh Cừa được khảo sát địa điểm, lập quy hoạch xây dựng nhà máy sản xuất ngói và gạch lát cao cấp tại vị trí nêu trên (không đồng ý sản xuất gạch xây dựng).
Trong quá trình thực hiện dự án nếu chủ đầu tư không đầu tư xây dựng theo đúng công nghệ và sản xuất không đúng sản phẩm như đã nêu thì Nhà nước sẽ đình chỉ thực hiện dự án, Chủ đầu tư phải chịu mọi thiệt hại về chi phí đã thực hiện đầu tư mà không được bồi thường từ cơ quan Nhà nước”.
Ngày 5/1/2016, Chủ tịch UBND Nguyễn Xuân Đường ký Quyết định số 18 về việc Chấp thuận Chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất VLXD tại xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ.
Theo đó, tổng diện tích sử dụng đất là 22.131,0m2, tổng vốn đầu tư 97,795 tỷ đồng, tiến độ thực hiện 12 tháng kể từ ngày QĐ này có hiệu lực. Sau thời hạn trên nếu không thực hiện đúng, sẽ thu hồi QĐ này, nhà đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Đặc biệt, tại Quyết định chấp thuận chủ trường đầu tư này, UBND tỉnh tiếp tục nhấn mạnh: “Căn cứ quy hoạch phát triển VLXD trên tỉnh Nghệ An đến năm 2020 đã được phê duyệt tại QĐ số 2743 năm 2010, nhà máy phải đáp ứng yêu cầu sản xuất ngói lợp theo công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm chất lượng cao…”.
Tháng 3/2016, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định số 234 cho phép Cty Cừa thuê với diện tích 21.245,4m2 (trong đó có 497,0m2 đất nằm trong hành lang điện 220KV) để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà máy sản xuất VLXD. Thời hạn sử dụng đất 70 năm, hình thức trả tiền thuê đất hàng năm.
Ngày 22/7/2016, Cty Cừa được cấp Giấy phép xây dựng số 87GP/SXD với các hạng mục: nhà bảo vệ diện tích 13,58m2; nhà điều hành 1 tầng diện tích 196,24m2; nhà lò nung 1 tầng diện tích 2.448,0m2; nhà bao che xếp ngói, gạch mộc, sân phơi có mái che 1 tầng diện tích 2.448,0m2; nhà chế biến tạo hình, xưởng cơ khí, nhà tạo hình sản xuất ngói 1 tầng diện tích 1.728,0m2; kho chứa than+nhà chứa đất 1 tầng diện tích 2.736m2; nhà ủ đất 1 tầng diện tích 576m2; nhà vệ sinh 46,15m2.
Chủ trương, tiến độ, giấy phép được cấp rõ ràng là thế nhưng Cty Cừa đã triển khai chậm chạp, đặc biệt, Cty này đã xây dựng sai quy hoạch, nhiều hạng mục không có trong GPXD, sản xuất chủ trương được cấp.
Trách nhiệm của huyện Tân Kỳ và các ban ngành liên quan ở đâu?
Không chỉ lấn chiếm hàng ngàn m2 ngoài ranh giới được cấp (sự việc đã có kết luận của cơ quan chức năng) mà trong nhiều năm qua, Cty Cừa đã ngang nhiên xem thường pháp luật, xây dựng không phép, sản xuất trái chủ trương hàng triệu viên gạch xây dựng bán ra thị trường thu lợi bất chính.
Cụ thể, các sai phạm này được bà Nguyễn Thị Sâm, công dân khối 5, TT Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ phát hiện, tố cáo đến các cơ quan chức năng. Sau khi thu thập thông tin, Môi trường và Đô thị đã đề cập trong các bài viết: “Nghệ An: Hàng loạt sai phạm tại nhà máy sản xuất gạch ngói tuynel Cừa, Tân Kỳ”; “Vụ Cty Cừa chiếm dụng đất trái phép, chủ tịch xã liên tục muốn “thương lượng” giúp”… Mặc dù báo chí vào cuộc phản ánh như thế, nhưng cho đến nay, việc lấn chiếm 3.500m2 đất trái phép của Cty Cừa vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; UBND xã Nghĩa Hoàn, UBND huyện Tân Kỳ có dấu hiệu “giơ cao đánh khẽ” bất chấp sự chỉ đạo quyết liệt từ UBND tỉnh Nghệ An, Sở TNMT.
Trở lại việc nhà máy Cừa xây dựng không phép, sản xuất trái chủ trương thì sau nhiều đơn thư khiếu nại tố cáo của bà Nguyễn Thị Sâm, “cực chẳng đã”, UBND huyện Tân Kỳ đã có văn bản trả lời bà.
Tại văn bản số 96, ngày 14/01/2022, trả lời về việc nhà máy xây dựng nhiều hạng mục không có giấy phép, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ Nguyễn Văn Hoa “phúc đáp” bà Nguyễn Thị Sâm như sau: “Doanh nghiệp tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng (GPXD) mà theo quy định phải có GPXD đối với trường hợp có yêu cầu phải lập dự án đầu tư xây dựng. Cụ thể, doanh nghiệp đã xây dựng một số hạng mục không có trong GPXD được cấp như “mái che bãi thành phẩm”, “nhà ăn ca cho công nhân”. (Hành vi này vi phạm vào Điểm c, Khoản 5, Điều 15, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP)”…
Còn về việc bà Nguyễn Thị Sâm tố cáo công ty TNHH Mậu dịch Quốc doanh Cừa xây dựng dây chuyền trái phép, trái thiết kế, sản xuất tiêu thụ sản phẩm gạch xây dựng là hạng mục không nằm trong giấy phép, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ Nguyễn Văn Hoa cho rằng: “Đây là nội dung phản ánh đúng”.
Ông Hoa cho biết: “Doanh nghiệp không thực hiện hoạt động đầu tư theo đúng nội dung trong Quyết định chủ trương đầu tư. Cụ thể, doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm “gạch tuynel” trong khi Quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh: cho phép sản xuất “ngói công nghệ cao”. (Hành vi này vi phạm vào Điểm a, Khoản 5, Điều 13, Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 1/6/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư).
Mặc dù phúc đáp, nêu ra hàng loạt sai phạm của Cty Cừa như thế, nhưng đến nay, ngoài việc ban hành quyết định xử phạt, UBND xã Nghĩa Hoàn, UBND huyện Tân Kỳ vẫn thờ ơ, “im lặng” cho các sai phạm này tiếp diễn. Hàng ngàn m2 đất mà Cty Cừa lấn chiếm của nhà nước, người dân đến nay vẫn chưa được trả về nguyên trạng; các hạng mục xây dựng không phép không được xử lý; nhà máy vẫn liên tục sản xuất gạch xây dựng (gạch tuynel) trái phép như không có chuyện gì (?!).
Bà Nguyễn Thị Sâm, người luôn đấu tranh với các sai phạm tại nhà máy Cừa bức xúc: “Họ (nhà máy-PV) xem thường kỷ cương phép nước quá. Các sai phạm này diễn ra nhiều năm nay nhưng các cấp chính quyền địa phương huyện Tân Kỳ gần như dung dưỡng, bất lực trong việc xử lý? Vừa rồi Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã giao cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập tổ liên ngành để xử lý các nội dung khiếu nại, kiến nghị của tôi. Tôi cũng đã làm việc trực tiếp với Phó Chánh thanh tra Sở rồi. Rất hi vọng thời gian sắp tới, các sai phạm, tồn tại của nhà máy Cừa được xử lý một cách triệt để, tránh khiếu nại kéo dài cũng như mất niềm tin của người dân”.
Để biết UBND huyện Tân Kỳ đã xử lý các sai phạm tại Cty Cừa như thế nào, chúng tôi yêu cầu được cung cấp các Quyết định xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả nhưng đều bị từ chối (?!). Đặc biệt, đến nay, mặc dù đã có Kết luận Thanh tra (được thành lập theo Quyết định số 1857/QĐ-UBND ngày 11/6/2021 “Về việc thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực Đầu tư, Xây dựng và Đất đai đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch ngói Tuynel trên địa bàn huyện Tân Kỳ”; là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, bà Nguyễn Thị Sâm vẫn không được tiếp cận Kết luận Thanh tra này. Báo chí cũng nhiều lần yêu cầu được cung cấp nhưng đều bị từ chối. Phải chăng UBND huyện Tân Kỳ đang cố gắng “giấu diếm” điều gì đó không minh bạch, trong sáng? Vì sao các sai phạm tại nhà máy Cừa đã rõ ràng “mồn một”, nhưng UBND Tân Kỳ vẫn “bình chân như vại”, không xử lý dứt điểm vụ việc?
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, thông tin vụ việc tới bạn đọc./.