v-1732605882.jpg
Tỉnh Nghệ An mạnh tay xử lý hàng loạt tàu cá "3 không". Ảnh: Việt Khánh.

7 năm sau khi Ủy ban Châu Âu (EC) đưa ra cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương đã có nhiều nỗ lực trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Tại Nghệ An kết quả chống khai thác IUU có nhiều chuyển biến, rõ nhất là việc xử lý tàu cá “3 không” (tàu cá chưa đăng ký, chưa đăng kiểm, chưa cấp Giấy phép khai thác thủy sản).

Từ định hướng chỉ đạo của Trung ương và của Bộ NN-PTNT, địa phương này đã vào cuộc quyết liệt, quyết tâm xử lý dứt điểm vấn nạn tàu cá “3 không” trong thời gian Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT về “đăng kiểm viên tàu cá; công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; đảm bảo an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư; đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản; xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá” còn hiệu lực (đến hết ngày 31/12/2024 – PV).

Khảo sát trên địa bàn Nghệ An cho thấy, các tàu cá 3 không chủ yếu là nhóm tàu nhỏ, có chiều dài lớn nhất từ 6 đến dưới 12 mét, hoạt động ở vùng ven bờ theo mùa vụ. Các tàu này được đóng mới, mua bán từ nhiều năm trước nhưng đa phần chủ tàu không nắm rõ các quy định, cũng như không đủ thành phần hồ sơ để thực hiện đăng ký, cấp Giấy phép khai thác thủy sản... Điều này làm gia tăng áp lực trong công tác quản lý, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện cũng như nỗ lực chống khai thác IUU của toàn tỉnh.

Sau khi Bộ NN-PTNT ban hành Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT, Sở NN-PTNT Nghệ An đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã ven biển tổ chức rà soát, thống kê, tham mưu UBND tỉnh công bố danh sách 618 tàu cá đã được đóng mới, cải hoán, mua bán, tặng, cho trước ngày 6/5/2024 đang hoạt động nhưng không đủ thành phần hồ sơ để được đăng ký theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 6 Điều 21 Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT.

v1-1732605914.jpg
Muốn tháo gỡ thẻ phạt của EC cần kiên quyết xử lý các hành khai thác thủy sản bất hợp pháp. Ảnh: Việt Khánh.

Để xứ lý dứt điểm số lượng tàu cả khổng lồ nói trên trong vài tháng ngắn ngủi không phải chuyện dễ, nhận thấy áp lực bộn bề Sở NN-PTNT đã khẩn trương ban hành Kế hoạch, chỉ đạo Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư phối hợp với UBND các huyện, thị xã ven biển tổ chức 13 buổi làm việc với các thành phần liên quan, đặc biệt là các chủ tàu cá có tên trong các Quyết định công bố.

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cơ quan chức năng đã phát 618 bộ tài liệu hướng dẫn chi tiết quy trình, thành phần hồ sơ đăng ký cho các chủ tàu. Ngoài ra, lực lượng Kiểm ngư còn chủ động phối hợp với lực lượng Biên phòng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra kiểm soát, kiên quyết xử lý các tàu cá thuộc diện “3 không” đang hoạt động.

Ở diễn biến mới nhất, ngày 15/11/2024 UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Văn bản số 10154/UBND-NN chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm trong chống khai thác IUU, qua đó có sự chuẩn bị tốt nhất cho cuộc làm việc lần thứ 5 của Đoàn Thanh tra EC tới đây.

Trong Công văn yêu cầu Sở NN-PTNT (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo IUU cấp tỉnh) khẩn trương hoàn thành công tác quản lý đội tàu; đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, đánh dấu tàu cá, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Đôn đốc, hướng dẫn các địa phương xử lý tàu cá “3 không” trước ngày 20/11.

Sự nhập cuộc quyết liệt đã mang lại kết quả tương xứng, tính đến mốc thời gian trên tỉnh Nghệ An đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá cho 613/618 tàu cá “03 không” (đạt 99,19%). Trong số 5 tàu còn lại thì 4 tàu của huyện Quỳnh Lưu đã giải bản, 1 tàu của thị xã Hoàng Mai sai thông số kỹ thuật.

Từ diễn biến thực tiễn có thể khẳng định Nghệ An đủ sức xử lý dứt điểm vấn nạn tàu cá “3 không” ngay trong khoảng thời gian Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT còn hiệu lực. Điều này cho thấy quá trình phối hợp giữa cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ngày càng chặt chẽ, ý thức chấp hành pháp luật của người dân ngày càng được nâng cao.