7 năm chưa bàn giao

Công trình Quảng trường trung tâm huyện Nghĩa Đàn tại thị trấn Nghĩa Đàn, huyện Nghĩa Đàn (nằm ngay đối diện trụ sở UBND huyện Nghĩa Đàn) được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt đầu tư tại Quyết định 435/QĐ.UBND.CN ngày 25/9/2015 do UBND huyện Nghĩa Đàn làm chủ đầu tư.

1-1660617950.jpg
Quảng trường 7 năm chưa bàn giao.

Đơn vị thi công là Công ty TNHH Hoàng Linh (có trụ sở tại xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn) với tổng dự toán gần 18 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 14,395 tỷ đồng. Nguồn vốn được UBND tỉnh Nghệ An cấp từ nguồn ngân sách tỉnh 60%, tương ứng với 12 tỷ đồng, còn lại là ngân sách huyện và nguồn xã hội hoá hợp pháp khác, thời gian thi công là 36 tháng.

Công trình được thiết kế theo loại công trình hạ tầng kỹ thuật cấp III. Quy mô tổng diện tích quảng trường 20.200m2, bao gồm các hạng mục sân khấu, khán đài, đài phun nước, cổng, sân vườn, cây xanh, đường diễu hành, hệ thống thoát nước mưa, cấp nước, cấp điện...

2-1660617980.jpg
Nhiều hạng mục xuống cấp, nhếch nhác.

Thế nhưng, sau 7 năm thi công, công trình này vẫn chưa được nghiệm thu, bàn giao do một số hạng mục chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó, nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng, nhếch nhác, cỏ mọc um tùm. Cảnh tượng không khác gì quảng trường bị bỏ hoang.

Nhiều hạng mục đã bong tróc

Tại hạng mục sân khấu và khu vực khán đài quảng trường hiện đá ốp lan can và nhiều vị trí tại các bậc lên sân khấu bị bong tróc, rơi vỡ rất nhiều mảnh. Các thanh dầm chịu lực của lan can cũng bị nứt vỡ trơ thép ra ngoài. Nền sân khấu lát đá granit đã bị sụt lún, nứt nẻ nghiêm trọng, cỏ dại mọc um tùm trên sân khấu.

Đối diện khán đài là hạng mục đài phun nước trang trí đã bị hoen rỉ, là nơi thả dê của người dân, bên trong hồ nước trơ đáy là nơi nghỉ ngơi của đàn dê. Theo ghi nhận của PV Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, tình trạng rác thải từ những hộp, ống tiện dụng đựng thức ăn, nước uống được vứt bừa bãi khắp nới.

3-1660618007.jpg
Rác thải bủa vây khắp nơi trong khuôn viên quảng trường.

Trao đổi với PV, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Nghĩa Đàn cho biết: "Công trình Quảng trường trung tâm của huyện chưa nghiệm thu do một số hạng mục vẫn chưa làm xong. Chúng tôi mới thực hiện nghiệm thu thành phần đối với những hạng mục đã hoàn thành và bàn giao sơ bộ cho Trung tâm văn hóa huyện quản lý cắt cỏ, vệ sinh. Hiện chúng tôi đã mời Sở Xây dựng lên mấy lần và cũng yêu cầu sửa chữa, khắc phục các hạng mục nhỏ vì thời gian làm lâu quá rồi. Dự án này khi làm nguồn vốn rất ít nên nhà thầu cứ làm dần, có một giai đoạn nhà thầu phải bỏ kinh phí ra để làm".

Ông Tuấn nói thêm, tới đây chủ đầu tư sẽ yêu cầu nhà thầu hoàn chỉnh hồ sơ để tiếp tục mời Sở Xây dựng lên, nếu được sở xây dựng chấp thuận cho nghiệm thu bàn giao thì mới chính thức bàn giao đưa vào sử dụng.

4-1660618038.jpg
Đài phun nước trở thành điểm xả rác thải và chăn dê.

Đến nay, người dân huyện Nghĩa Đàn đang băn khoăn việc một công trình quảng trường có ý nghĩa phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tổ chức các buổi lễ kỷ niệm long trọng của chính quyền và nhân dân mà lại để xuống cấp hư hỏng, nhếch nhác kéo dài không biết bao giờ mới hoàn thành.

Phát biểu tại nọi dung bàn tròn trực tuyến, Tái cơ cấu đầu tư công – Bài học từ những công trình tiền tỷ bỏ hoang, TS/ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN cho rằng, trên thực tế có vô số dự án được cấp vốn theo kiểu phân chia đồng đều để khỏi mất lòng ai. Và dĩ nhiên sẽ không dự án nào hoàn thành đúng kỳ hạn với cách làm như vậy.Đầu tư công tràn lan, lãng phí đến tận cùng là do ngay khâu đầu tiên đã hỏng mất rồi. Trong khi đáng lẽ nguồn vốn ấy cần tập trung đầu tư để xử lý những nút thắt tăng trưởng, hay tạo ra bùng nổ tăng trưởng ở điểm nào đó để tạo ra lan tỏa. Rốt cục, hiệu quả tổng thể lẫn hiệu quả dự án cụ thể đều thấp./.