Từ tháng 9/2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra 06 vụ đình công của công nhân với quy mô từ 200 - 5.000 công nhân tham gia tại các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Yên Thành và thành phố Vinh. Riêng trong tháng 02/2022, đã xảy ra 04 cuộc đình công liên tiếp.
Nhận diện nguyên nhân dẫn đến đình công
Nguyên nhân dẫn đến các vụ đình công được xác định: Do dịch COVID-19 kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, các điều kiện làm việc, ổn định thu nhập của người lao động. Các doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định của Bộ luật Lao động (về bảng lương, quy chế trả lương, thưởng, chế độ làm thêm giờ...). Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, đối thoại nơi làm việc chưa được doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Thực tế các tổ chức Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp còn thiếu, yếu và phụ thuộc vào người sử dụng lao động nên chưa phát huy được vai trò đại diện cho quyền lợi của người lao động... nên việc nắm tình hình, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động còn hạn chế.
Tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp dệt may, da giày, điện tử cần nguồn nhân công lớn, không đòi hỏi tay nghề cao lại hoạt động khá gần nhau nên dẫn đến thiếu nguồn lao động tại chỗ, từ đó xuất hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh; đồng thời tạo tâm lý so sánh chế độ lương thưởng cho công nhân giữa các doanh nghiệp dẫn đến các hoạt động đình công, lãn công.
Ngoài ra, do sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội (như: zalo, facebook, twitter…), bên cạnh sử dụng để nắm bắt được thông tin về quyền lợi của mình thì việc tiếp nhận các thông tin mang tính kích động cũng khó tránh khỏi dẫn đến tin, nghe theo và có các hoạt động đình công, lãn công.
Triển khai các giải pháp kịp thời
Xác định công tác giải quyết đình công, lãnh công là hết sức quan trọng để tạo sự ổn định và điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế phát triển, ngày 22/9/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 29/2021/QĐ-UBND kèm theo Quy chế phối hợp giải quyết đình công không đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định trên địa bàn tỉnh. Các ngành chức năng, như: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Liên đoàn Lao động, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, Ban Dân vận Tỉnh ủy cùng các Sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan đã tổ chức triển khai cụ thể hóa nội dung Quy chế phối hợp để giải quyết tốt các vụ đình công xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Các ngành, đơn vị, địa phương theo chức năng nhiệm vụ đã chủ động nắm tình hình, nhất là nắm bắt mâu thuẫn giữa người sử dụng lao động và người lao động, những tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc và những vấn đề bức xúc của người lao động phát hiện các dấu hiệu đình công, lãn công. Nên khi vụ việc đình công mới xảy ra, nắm bắt được thông tin, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh liên quan và các địa phương xảy ra việc đình công tổ chức làm việc, đối thoại, thương lượng, giải quyết đình công dứt điểm, không để tình trạng tranh chấp kéo dài, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Cùng với đó, để tạo ra nhận thức chung về chế độ chính sách cho người lao động, các ngành chức năng đã phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức các lớp tập huấn về chính sách lao động tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn cho người lao động và người sử dụng lao động. Đồng thời, tiến hành tuyên truyền tại các doanh nghiệp về Bộ Luật lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều đơn vị đã vận dụng tốt mạng xã hội để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn đến đoàn viên, người lao động và doanh nghiệp.
Để nâng cao vai trò, củng cố tổ chức là cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tập trung chỉ đạo phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, nhất là thành lập Công đoàn cơ sở ở khu vực doanh nghiệp. Từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022, đã thành lập mới 24 Công đoàn cơ sở ở khu vực sản xuất kinh doanh với 16.397 đoàn viên.
Tiếp tục phối hợp giải quyết các vụ đình công
Mặc dù đạt được kết quả nhất định, song thực tế công tác nắm tình hình có lúc chưa kịp thời, việc phối hợp, xử lý đình công có lúc chưa đồng bộ, thiếu kiên quyết nên còn để thời gian đình công kéo dài, lan rộng ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và kêu gọi đầu tư của tỉnh. Đơn cử như vụ đình công ở Công ty Vietglory (Diễn Châu) với hơn 5.000 người tham gia trong 07 ngày.
Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế, thời gian tới, các ngành, đơn vị tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp giải quyết việc đình công không đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định trên địa bàn tỉnh Nghệ An ban hành theo Quyết định số 29/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Trong đó, tăng cường công tác nắm tình hình, để chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, đấu tranh không để bất ngờ, bị động. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật lao động tại các doanh nghiệp; kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật lao động của doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
Cùng với đó, tập trung xây dựng, nâng cao vị thế, khẳng định vai trò của các tổ chức công đoàn cơ sở, nhất là tại các doanh nghiệp đông công nhân. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp. Chỉ đạo hệ thống công đoàn thường xuyên nắm tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của công nhân, người lao động; chủ động đề xuất với doanh nghiệp kịp thời giải quyết, không để xảy ra đình công như thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, tập trung hoàn thành Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Một số giải pháp phòng ngừa, hạn chế các cuộc đình công không đúng trình tự pháp luật trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 - 2030”. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người lao động và người sử dụng lao động./.