Có sự chỉ đạo sâu sát của Trung ương, sự nhập cuộc quyết liệt của các cơ quan liên quan, chương trình OCOP đã tạo nên bước chuyển tích cực tại Nghệ An.


 
Đại biểu rất quan tâm đến sản phẩm nông nghiệp của Nghệ An. 
 
Nghệ An có hàng trăm sản phẩm nông nghiệp lợi thế, hàng loạt sản phẩm đã được đăng ký, công bố chất lượng, chưa kể nhiều mặt hàng được đăng ký bảo hộ trí tuệ.
 
Sở hữu nhiều tiềm năng, lắm lợi thế nhưng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của địa phương mãi loay hoay không thể “cất cánh” như mong đợi, làm cách nào để gỡ nút thắt thực sự là vấn đề khó nhằn. Dù vậy mọi thứ đang đảo chiều, điểm nhấn tích cực xuất hiện khi áp dụng chương trình “Mỗi xã một sản phẩm – OCOP”.
 
OCOP ở Việt Nam bắt nguồn từ tỉnh Quảng Ninh dựa trên quá trình khảo sát thực tiễn của chương trình OVOP (Mỗi làng một sản phẩm). Sau khi đánh giá chi tiết thành quả bước đầu, ngày 7/5/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 để triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước.
 

 
Các mặt hàng sản phẩm ngày càng được biết đến rộng rãi hơn.
 
Trong số đó, Nghệ An được đánh giá là địa phương giàu tiềm năng về sản xuất nông nghiệp, có nền tảng vững chắc để cụ thể hóa mục tiêu phát triển bền vững. Vì thế việc triển khai chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới phù hợp với quá trình tái cơ cấu ngành, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, tăng nhanh thu nhập, đặc biệt là bảo vệ môi trường.
 
Ý thức rõ vai trò đặc biệt quan trọng của OCOP, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 740/KH-UBND về tổ chức đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm. Riêng Hội đồng cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành, đánh giá, phân hạng sản phẩm theo quy định của Bộ tiêu chí tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời xem xét giải quyết các thắc mắc, khiếu nại, đảm bảo công bằng, minh bạch.
 
“Miệng nói tay làm”, ngay khi hoàn tất về mặt thủ tục, trình tự, nhiều chương trình, kế hoạch đã được thực hiện. Điểm nhấn là việc tổ chức “Hội chợ Nông nghiệp, sản phẩm OCOP các  tỉnh miền Trung và sản phẩm xanh khu vực Hợp tác xã, làng nghề tỉnh Nghệ An năm 2019”, đây được xem là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng không chỉ riêng ngành nông nghiệp Nghệ An mà cả khu vực Bắc Trung Bộ.
 
Hội chợ đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn đặc trưng, sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Hội chợ thực sự là cơ hội hợp tác đầu tư giữa Nghệ An và các tỉnh, thành trên nhiều lĩnh vực (khai thác, bảo quản, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm thủy hải sản, chăn nuôi, lâm sản…), qua đây tạo ra chuyển biến tại nhiều cơ sở.
 
Năm 2020 Nghệ An chủ động triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết với các địa phương trong cả nước nhằm tái khởi động nền kinh tế do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh khốn khó bủa vây, nhờ “chiếc phao OCOP” các chủ thể có cơ hội tái đầu tư, tiếp tục củng cố, nâng cao kiến thức trong sản xuất, kinh doanh. Thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại, các sản phẩm OCOP và các đặc sản địa phương ngày càng tạo dựng được niềm tin nơi người tiêu dùng.
 
Lúc này huyện Quỳnh Lưu có 3 sản phẩm xếp hạng “4 sao” là tảo xoắn Spirulina michio, đậu tương lên men, rượu đông trùng hạ thảo của Công ty CP Khoa học xanh Hidumi Pharma; 1 sản phẩm xếp hạng 3 sao là giò bê Từ Tâm của HTX Sản xuất và Kinh doanh thực phẩm Từ Tâm.
 

 
Chương trình OCOP - Mỗi xã một sản phẩm được kỳ vọng sẽ sớm giúp bộ mặt miền Tây xứ Nghệ thay da đổi thịt. 
 
Để đảm bảo kế hoạch chương trình OCOP năm 2020, UBND huyện Quỳnh Lưu đã tổ chức chấm điểm một số sản phẩm tiêu biểu khác, bao gồm 6 sản phẩm đạt 3 sao cấp huyện (Trứng gà thảo mộc ở Quỳnh Bảng; 2 sản phẩm cơm cháy ở Quỳnh Bá; ổi và thanh long của một trang trại ở Quỳnh Tam; nước mắm của HTX Tân An, xã An Hòa). Riêng 3 sản phẩm đã xếp hạng 4 sao cấp tỉnh trong năm 2019, tới đây sẽ tham gia xếp hạng sao OCOP cấp Quốc gia. 
 
Về phía huyện Yên Thành, Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Dương khẳng định: “Xây dựng sản phẩm OCOP thực sự cần thiết, vừa khẳng định thương hiệu sản phẩm lại khai thác được tiềm năng sẵn có, đây cũng là giải pháp giải quyết nhu cầu việc làm cho lao động nông thôn”.
 
Trên tinh thần đó, huyện sẽ phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm lúa hàng hóa mang thương hiệu Yên Thành, trong đó ưu tiên khôi phục giống lúa nếp rồng. Ngoài ra sẽ mở rộng hình thức nuôi lươn không bùn, dự kiến xây dựng làng nghề lươn để nâng tầm thương hiệu nức tiêng ở Long Thành…/.