Trước lần hầu tòa này, Nguyễn Thị Hạnh (ngụ TP.Vinh, tỉnh Nghệ An) có đến 8 lần ra tù vào tội về tội “Trộm cắp tài sản”. Lý do để người đàn bà này biện minh cho nghề “hai ngón” của mình là vì hoàn cảnh, bệnh tật.
“Ngựa quen đường cũ”
Vừa bước sang tuổi 59, nhưng Nguyễn Thị Hạnh, trú phường Bến Thủy, TP. Vinh (Nghệ An) đã nhẵn mặt với tòa án nhân dân các cấp khi liên tục 8 lần hầu tòa vì hành vi liên tục tái phạm tội trộm cắp tài sản.
Theo đó, “thành tích” của Hạnh được điểm lại như sau: Năm 2004, Nguyễn Thị Hạnh bị TAND TP. Vinh xử phạt 6 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng về tội “Trộm cắp tài sản”. Khi đang trong thời gian thử thách, Hạnh lại tiếp tục hành nghề nên bị xử phạt 12 tháng tù vào năm 2005, cộng với bản án trước buộc bị cáo phải thi hành mức án 18 tháng tù.
Tháng 12/2007, Nguyễn Thị Hạnh tiếp tục bị TAND TP. Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) xử phạt 4 tháng tù về cùng tội danh trên. Ra tù chưa được bao lâu, người đàn bà này tiếp tục tái phạm. Tháng 12/2008, Hạnh bị TAND thị xã Đông Hà (Quảng Trị) xử phạt 24 tháng tù cũng với tội danh như trước.
Bảng “thành tích bất hảo” của người đàn bà này vẫn chưa dừng lại khi liên tục vào các năm 2012, 2013, 2014, 2015…đều phải nhận các mức án từ 9 đến 24 tháng tù giam cũng vì tội trộm cắp tài sản. Nhân thân của Nguyễn Thị Hạnh còn được bôi thêm chấm đen khác khi bị xử phạt tiền về tội Đánh bạc.
Từng nhiều lần vào tù, ra tội nhưng Hạnh vẫn chứng nào tật nấy. Lần này, Nguyễn Thị Hạnh đã trộm tiền, tài sản của một người phụ nữ bán cá ở chợ vào ngày 25/7/2019. Tại phiên tòa sơ thẩm do TAND huyện Nghi Lộc đưa ra xét xử vào tháng 10/2019, đã tuyên phạt Nguyễn Thị Hạnh 3 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”.
Nước mắt ăn năn giả tạo
Không đồng tình mức án cao nên Hạnh đã làm đơn kháng án. Tại phiên tòa phúc thẩm do TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử vào ngày 14/2, bị cáo liên tục khóc lóc, kể khổ. Bị cáo Hạnh khai vì hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu nên làm liều nhưng không ngờ bị bắt.
“Bị cáo biết mình không còn trẻ nữa, phạm tội này cũng không hay ho gì, nhưng vì gia cảnh khó khăn, chồng thì bị ung thư, bản thân bị cáo lại mắc nhiều bệnh trong người, túng thiếu quá nên bị cáo mới làm như vậy”, Hạnh trình bày lý do xin giảm án trước tòa rồi khóc lóc.
Sau lần ra tù gần đây nhất, bị cáo có quay lại với nghề bán hoa quả ở chợ. Tuy nhiên, công việc thu nhập bấp bênh, trong khi bị cáo lại cần tiền nên lại quay lại với nghề cũ. Nữ bị cáo biện minh cho hành vi phạm tội của mình là “bộc phát, do khó khăn dẫn đến túng quẫn”. Điệp khúc khóc lóc, kể khổ liên tục được nữ bị cáo này áp dụng tại tòa.
Đại diện VKS tham gia tố tụng tại tòa cho rằng, bị cáo đã chưa thật sự hối lỗi về việc làm của mình. Rất nhiều lần bị cáo bị tòa án nhân dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị đưa ra xét xử nhưng bị cáo vẫn đi vào vết xe đổ của chính mình, điều đó thể hiện sự coi thường pháp luật. Việc bị cáo đưa ra lý do hoàn cảnh khó khăn để phạm tội càng không thể chấp nhận được. Rất nhiều người hoàn cảnh khó khăn hơn bị cáo nhưng họ vẫn chọn làm công việc chân chính để mưu sinh. Do vậy, cần phải có mức án nghiêm minh để răn đe bị cáo.
“Bị cáo có sức khỏe, con cái đã khôn lớn nên việc viện lý do hoàn cảnh khó khăn để phạm tội là không thể chấp nhận được. Là người mẹ và đã lên chức bà bị cáo nên nhìn lại những việc làm của mình”, trước những lời tranh luận của đại diện viện kiểm sát lúc này nữ bị cáo mới cúi mặt xuống, im lặng.
Tham dự phiên tòa hôm ấy có đứa con trai của bị cáo. Ngồi nghe những lời khai của mẹ trước tòa chàng trai trẻ chỉ biết cúi mặt xuống. Có đôi lúc, đứa con này buồn bã đi ra ngoài hàng lang tòa. Lúc tòa nghị án, người con này mới dám đến hỏi thăm, động viên mẹ. Việc người mẹ “nổi tiếng” trộm cắp khiến hai đứa con luôn cảm thấy xấu hổ với bạn bè. Do vậy, tham dự tòa, người con này cũng lựa lời khuyên bảo mẹ quay đầu, đừng phạm tội nữa.
HĐXX nhận định, việc bị cáo liên tục tái phạm thể hiện sự coi thường pháp luật. Tại phiên tòa này, bị cáo đưa ra một số lý do nêu trên nhưng không có đủ căn cứ để xem xét giảm nhẹ hình phạt. Do vậy, tòa quyết định y án tuyên phạt Nguyễn Thị Hạnh 3 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”.