Đến 30/9, chị Nguyễn Thị Bích (xóm Yên Xuân, xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương, Nghệ An) vẫn chưa thể về nhà. 3 mẹ con chị phải sơ tán khẩn cấp đến nhà ông bà nội để tránh lũ.
Vợ chồng anh Nguyễn Hữu Thìn, chị Nguyễn Thị Bích nuôi một trang trại lợn, gà và kinh doanh thêm thức ăn gia súc, gia cầm. Từ 27/9, nghe tin ảnh hưởng của cơn bão Noru sẽ gây mưa lớn, nguy cơ ngập lụt ở Nghệ An, anh chị đã lên phương án để bảo vệ vật nuôi và tài sản của mình.
Tối 27/9, trời bắt đầu mưa. Gần 23h, anh Thìn trèo lên chằng néo lại tấm bạt che mái khu chuồng gà thì không may trượt ngã, gãy chân, phải nhập viện. Người bố chồng 72 tuổi đến phụ chị Bích chăm sóc, trông nom chuồng trại và hai đứa cháu nội 10 tuổi và 8 tuổi.
"Từ 16h ngày 28/9, trời bắt đầu mưa lớn, kéo dài đến tận đêm. Đến khoảng 23h thì mưa to khủng khiếp, gió rít liên hồi. Nước tràn vào nhà, dâng ngang bắp chân, ngang đùi, rồi ngang bụng. Tôi hoảng quá, chỉ kịp giục bố chồng rồi ôm hai con chạy ra khỏi nhà, lúc đó khoảng 2h sáng", chị Bích nhớ lại.
Năm 2020, khu vực này cũng bị nhấn chìm trong lũ nhưng nước lũ lên chậm hơn, lại có chồng ở nhà, đến gần sáng hôm sau, toàn bộ vật nuôi, tài sản của gia đình chị Bích đều được sơ tán đến nơi an toàn. "Lần này nước dâng nhanh quá, mình tôi không kịp trở tay, chỉ kịp cứu lấy người", chị Bích vẫn còn thảng thốt.
Khi đảm bảo bố chồng và hai con an toàn, người phụ nữ này mới nghĩ cách cứu tài sản. Chị Bích gọi lên xã, hô hoán người dân xung quanh để tìm sự hỗ trợ. Lực lượng xung kích của xã, bà con láng giềng xuyên đêm sơ tán đàn lợn, 4 tấn lúa và 80 bao thức ăn gia súc ra ngoài.
"Đàn gà 500 con, trong đó 40 con gà đẻ, còn lại gà thịt nuôi gần 4 tháng, trọng lượng mỗi con gần 2kg không kịp sơ tán. Sáng hôm sau chỉ thấy một ít gà trong chuồng, ướt nhẹp run lẩy bẩy, khoảng 100 con gà nằm la liệt trên đất, số còn lại trôi đi đâu mất, tôi bàng hoàng không nói nên lời", chị Bích kể.
Số gà này sau đó được hàng xóm mua giải cứu, giá 50.000 đồng/con, chị cũng được ấm lòng phần nào. Tuy nhiên, nỗi lo không vì thế mà vơi đi khi 3 chiếc xe máy cùng thiết bị điện trong nhà đã hư hỏng hoàn toàn do ngâm nước.
Mấy tấn thức ăn gia súc hỏng, coi như vứt bỏ, chị Bích chỉ mong mưa ngớt, nắng lên để phơi lại 4 tấn lúa ngâm nước tối qua để làm thức ăn cho gà. Thế nhưng 4 tấn lúa ấy cũng khó có thể gỡ gạc được khi trời vẫn mưa như trút, nước lũ đang có dấu hiệu dâng lên khi các thủy điện ở thượng nguồn thông báo xả cắt lũ...
Chị Hồ Thị Mai (trú xóm 3A, xã Quỳnh Tam, Quỳnh Lưu, Nghệ An) mới đầu tư gần 50 triệu đồng, mua 2.500 con gà giống về nuôi, phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới. Thế nhưng, chỉ sau một đêm, đàn gà bị nước lũ nhấn chìm, chết sạch.
Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên người dân Quỳnh Tam phải chạy lũ, nhưng có lẽ, chưa bao giờ họ chứng kiến cơn lũ lên nhanh như thế, sau hơn nửa ngày mưa như trút nước.
"Năm ngoái, năm kia cũng lụt, nhưng nước chỉ ngập vườn thôi, không lên đến chuồng gà. Tối 28/9, chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, từ 23-24h, mưa xối xả, nước đã ngập chuồng, nhấn chìm toàn bộ đàn gà 20 ngày tuổi. Tôi chạy ra, nhìn la liệt gà chết, nổi lềnh bềnh mà khóc không thành tiếng", chị Mai kể, giọng vẫn nguyên sự xót xa, bất lực.
Cả đàn gà 2.500 con, tiền thức ăn, thuốc, tiêm phòng, công chăm sóc... bỗng chốc mất hết, chị Mai bần thần suốt đêm, tiếc của, tiếc công không ngủ được. "Nếu trời vẫn tiếp tục mưa, sợ rằng ao cá và ao ba ba của vợ chồng tôi cũng khó mà giữ được", chị Mai lo lắng.
Mưa lớn những ngày qua đã gây ngập lụt trên diện rộng tại Nghệ An, gây thiệt hại lớn về người, hơn 8.000 ngôi nhà bị ngập, 88 hộ dân phải di dời, hơn 34.000 con gia cầm và hơn 200 con gia súc bị lũ cuốn trôi. Dự báo trong những ngày tới, Nghệ An tiếp tục có mưa to đến rất to, ngành chức năng đã phát cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt vùng thấp trũng, ven sông./.