Sau lần tấm ván rơi vào đầu, người đàn ông trụ cột bị thần kinh, khiến 5 đứa con nheo nhóc. Gia cảnh quá khó khăn, các em còn nhỏ, cô gái nghẹn ngào xin nghỉ học kiếm tiền chữa bệnh cho cha.
Vừa thấy khách đến nhà, anh Hồ Hương vội thu mình lại trên giường, đôi mắt như điên, như dại tỏ rõ sự hốt hoảng đến lạ thường. Thấy chồng như vậy chị Nguyễn Thị Xuân vội vàng vứt luôn công việc chạy đến bên chồng.
Chị bảo, suốt mười mấy năm qua, chị không dám đi làm xa vì ở nhà không có ai trông anh ấy cả. Mấy đứa con còn nhỏ, lại đang đi học mà bệnh thần kinh của anh ấy khi lên cơn thì sợ lắm! Anh la hét, rồi bỏ chạy, hành động nào cũng có thể diễn ra.
Từ một người đàn ông khỏe mạnh, sau lần bị tai nạn tấm ván rơi vào đầu anh Hoàng bị thần kinh, trở thành gánh nặng cho vợ con.
Theo tìm hiểu của phóng viên, cuộc sống của vợ chồng anh Hồ Hương (39 tuổi, trú xóm 4, xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), cũng từng có khoảng thời gian bình yên dù vật chất còn thiếu thốn. Hàng ngày, anh Hương đi làm thợ xây, người vợ quán xuyến công việc trong nhà, đồng áng, chăm sóc con cái.
Chị Xuân kể, 15 năm trước, trong một lần đi làm thợ xây, anh Hương bị một tấm ván rơi xuống từ tầng 2, không may trúng đầu anh Hương, máu chảy rất nhiều. Lúc này, anh em thợ xây đưa anh đến Trạm Y tế xã sơ cứu. Sau đó anh Hương được đưa về nhà.
Vì thấy người đàn ông khỏe mạnh, tỉnh táo nên nhóm thợ xây cùng gia đình chủ quan không đưa anh đến bệnh viện kiểm tra lại. Cũng từ đó anh Hương có những triệu chứng bất thường về thần kinh. Anh thường có những triệu chứng đau đầu bất thường.
Nữ sinh bật khóc nghẹn ngào sau khi kết thúc năm học, có lẽ đây cũng là kì nghỉ hè cuối cùng của cô gái tội nghiệp. Cho dù Hoa luôn khao khát được đến trường.
Chưa đầy 1 năm sau, người đàn ông này bị co giật. Cũng vì hoàn cảnh khó khăn nên gia đình không có điều kiện đưa anh Hương đi bệnh viện điều trị mà chỉ mua thuốc về nhà uống.
Tuy nhiên, đến năm 2015, chứng co giật, la hét của anh Hương xuất hiện với tần suất dày, nặng hơn. Người vợ vay mượn tiền bạc đưa chồng đi khám thì mới biết anh Hương bị tâm thần do tổn thương từ não.
"Từ đó đến nay, bệnh tình anh ngày một nặng hơn, bất cứ thời gian nào anh cũng có thể lên cơn co giật, la hét rồi bỏ chạy không kiểm soát được. Có khi chạy thẳng xuống ruộng nên người thân phải theo sau, canh chừng trường hợp bất trắc có thể xảy ra", chị Xuân buồn rầu chia sẻ.
Đưa tay quệt ngang giọt nước mắt, cô gái chia sẻ, em muốn đi làm thêm, kiếm tiền mua thuốc cho bố.
Vợ chồng anh Hương, chị Xuân có với nhau 5 người con, đứa đầu sinh năm 2005 và con út sinh năm 2014. Dù còn nhỏ và đang tuổi ăn, tuổi học nhưng các em luôn biết phụ giúp mẹ kiếm tiền để lo thuốc thang cho bố.
Hàng tuần, tranh thủ những hôm được nghỉ học, cậu con trai đang học lớp 4 ra đồng bắt con cua, bắt ốc. Hôm nào may mắn em kiếm được vài chục nghìn, nhưng có hôm cả người lấm lem bùn đất cũng chỉ kiếm được 5.000-7.000 đồng. Số tiền trên đều được em đưa về cho mẹ chi tiêu trong gia đình và mua thuốc cho bố.
Còn mấy người chị lớn, ngoài những giờ đến trường thì tranh thủ thời gian làm thêm. Cả mấy mẹ con làm cật lực nhưng mỗi tháng chỉ kiếm được chừng hơn 1 triệu đồng.
Gia đình hộ nghèo, mấy mẹ con chị Hoa nhận thêm về nhà lắp đặt đá lửa, bánh xe bật lửa gas, đắp đổi cuộc sống qua ngày.
Vừa làm, chị Xuân bộc bạch: "Chồng đau ốm, phát bệnh lúc nào không hay nên tôi không dám đến công ty làm việc. Hàng tháng, tôi nhận hàng về nhà, gia công lắp đặt đá lửa, bánh xe bật lửa gas, mấy mẹ con tranh thủ làm cả đêm, kiếm tiền mua thuốc cho chồng. Cực lắm, nhưng ở quê ngoài ruộng đồng không có việc gì làm nên chịu khó kiếm ít đồng, mua thuốc cho chồng, nộp tiền học cho con".
Cũng vì không có tiền, không có người trông chừng nên chị Xuân chỉ lấy thuốc chống co giật về cho chồng uống tạm qua ngày. Thời gian gần đây, bệnh tình anh Hương chuyển nặng hơn, người suy kiệt nên chị Xuân chỉ biết đưa đi tiêm.
"Mẹ con tôi chịu khó ăn cơm mắm, cơm muối, ăn rau để tiết kiệm thêm đồng tiền mua thuốc cho chồng, nhưng nhiều hôm cũng không có lấy một xu dính túi. Như mấy hôm nay thì chịu vì trong nhà không còn đồng tiền nào cả", chị Xuân nghẹn giọng.
Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, các con của chị Xuân luôn cố gắng vươn lên trong học tập. Cô con gái đầu Hồ Thị Hoa (SN 2005) và em gái Hồ Thị Duyên (SN 2006), cùng học một lớp. Hai chị em hiện đang học lớp 9. Nhưng thấy hoàn cảnh nhà mình quá nghèo, bố đau ốm, mẹ một mình không kham nổi nên Hoa dự định sẽ tốt nghiệp cấp 2 rồi nghỉ học.
Tranh thủ những lúc nhàn rỗi, chị Xuân ra một nhà máy sản xuất bật lửa nhận hàng về để các con cùng làm kiếm thêm thu nhập.
Khi nhắc đến dự định của mình, Hoa nói: "Em muốn đi học, nhưng giờ tiền thuốc cho bố cũng không đủ, làm sao mẹ lo nổi cho chúng em. Em quyết định nhường suất học cho em gái để đi làm thêm kiếm tiền mua thuốc cho bố". Nói đoạn, Hoa bật khóc, nhưng dường như, ước mơ đến trường của Hoa chưa bao giờ nguôi ngoai.
Nghe chị gái nói vậy, cô em gái ngồi cạnh bên cũng đôi mắt ầng ậng nước như muốn bật ra. Duyên kể: "Hai chị em cùng đi học chung suốt 9 năm qua, chúng em đều muốn được đến trường. Việc chị gái dự định nghỉ để em được đến trường khiến em buồn và thương chị lắm. Nhưng hoàn cảnh như vậy, chúng em chẳng biết làm sao nữa".
"Giờ đây tiền cho chồng uống thuốc cũng không có, nên việc cho con học lên chắc chắn là không thể. Là cha mẹ, chúng tôi thương con nhưng đành bất lực...", chị Xuân nói trong nước mắt.
Chị bảo, mấy mẹ con dù cố gắng lắm cũng không đủ tiền mua thuốc cho anh, chỉ ước sao một lần được đưa anh ra Hà Nội để khám lại một lần cho thật yên tâm.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
Chị Nguyễn Thị Xuân.
Địa chỉ: Xóm 4, xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Điện thoại: 0382969772