Trong khi tất cả các học sinh trên cả nước đang háo hức chuẩn bị sách vở, hồi hộp đếm từng ngày để được tựu trường, gặp lại thầy cô, bạn bè, thì một số em ở miền núi Nghệ An phải nghỉ học do ở nhà lấy chồng khi lỡ mang bầu.
 
Nốt trầm buồn trước thềm năm học

 
Còn hơn một tuần nữa là đến thời điểm khai giảng năm học mới, thế nhưng em V.T.M.N, trú bản Kẻ Nính, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An lại đang ngồi mệt mỏi trước cửa nhà khi cái thai đang to dần. Dự kiến hơn tháng nữa là đến ngày sinh nên khuôn mặt em phù ra do tăng cân khiến những nét thơ ngây của người con gái đang độ tuổi trăng tròn bị biến mất. Nhìn em như vậy nên chẳng mấy ai biết rằng N. đang học học dở lớp 10, trường THPT Quỳ Châu.
 
Trước những vị khách lạ, cô bé vẫn rất háo hức nói về người con sắp chào đời. Thế nhưng, khi được hỏi về việc đến trường, người mẹ trẻ bỗng chốc ngập ngừng. “Em cũng muốn đến trường nhưng có con rồi nên chắc không thể đi học được nữa”, N. nói trong sự tiếc nuối.
 
Sinh ra trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, vì vậy việc N. học lên đến cấp THPT vốn đã là điều hiếm thấy tại bản Kẻ Nính. Thế nhưng, khi vừa xong học kỳ 1, thời gian nghỉ Tết dài, cùng với việc nghỉ thêm do dịch Covid-19, khiến em phát hiện có thai với người yêu. Đôi bạn trẻ không kết hôn do N. chưa đủ tuổi, nhưng đám cưới vẫn diễn ra theo phong tục người Thái. Ở đây, chuyện lập gia đình sớm vốn đã là điều bình thường vì vậy N. nhanh chóng trở thành người phụ nữ có chồng. Điều tất nhiên, N. đã bỏ học và không thể nào đến lớp dù năm học mới sắp bắt đầu.
 

 
N. mệt mỏi khi thai nhi bước sang tháng thứ 8.
 
Cô Lê Thị Bình - Phó Hiệu trưởng trường THPT Quỳ Châu lắc đầu khi được hỏi về vấn đề này. Vốn là địa bàn miền núi với nhiều học sinh dân tộc thiểu số, vì vậy năm học nào cũng xuất hiện một số em bỏ học để lấy chồng, cũng như đi làm ăn xa do điều kiện, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Theo thống kê, năm học 2019 – 2020 vừa qua, trường THPT Quỳ Châu có hơn 36 học sinh nghỉ học, đặc biệt là sau thời điểm nghỉ dịch Covid-19. Trong đó, phần lớn nghỉ học để làm đám cưới.
 
“Không chỉ các em nữ sinh, mà các em nam sinh bỏ học lấy vợ cũng không phải chuyện hiếm thấy. Trong năm học vừa qua, cũng có một em học lớp 11 bỏ học lấy vợ. Vợ em cũng chỉ mới học lớp 10 thôi. Đi học xa nhà, cả hai thuê trọ ở thị trấn Tân Lạc. Sau thời gian yêu nhau, ở chung với nhau, nữ sinh lỡ dính bầu nên gia đình 2 bên tổ chức đám cưới”, cô Bình nói.
 
Giáo viên tá hoả nhận tin nhắn xin nghỉ học lấy chồng


 
Bà Nguyễn Thị Châu - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quỳ Châu lý giải, tình trạng trên xuất hiện chủ yếu tại học sinh thuộc cấp THPT. Đây là những học sinh của trường thuê trọ đi học vì nhà xa, thiếu sự quản lý của gia đình, trong khi phim, ảnh đồi trụy đã xâm nhập nhanh vào lứa tuổi vị thành niên nên dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
 
“Năm nào, phòng giáo dục cùng nhà trường đều tổ chức vận động, tuyên truyền, mở các lớp ngoại khóa cho các em thế nhưng vẫn là không đủ. Riêng năm nay, các em nghỉ dài ngày, ở địa phương không có sự quan tâm đúng mức, bố mẹ lo làm ăn kinh tế, vì vậy dẫn đến tình trạng yêu đương, rồi quan hệ với nhau, có bầu ngoài ý muốn. Kết quả là các em phải bỏ dở học hành. Đây là điều không ai mong muốn khi năm học mới bắt đầu”, bà Châu thở dài.
 
Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quỳ Châu, các giáo viên chỉ biết khi nhận được tin nhắn xin nghỉ học của học sinh. Nội dung tin nhắn nhiều khi rất đơn giản: “Em xin nghỉ học để lấy chồng/vợ”. Đến khi các giáo viên tìm hiểu thì sự việc đã quá muộn, đành phải làm thủ tục nghỉ cho các em về nhà tổ chức đám cưới.

 
Các chương trình vận động, tuyên truyền được các nhà trường triển khai hàng năm.
 
Trăn trở về việc này, ông Thái Văn Thành – Giám đốc sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, điều đáng buồn là ở các huyện miền núi Nghệ An đều có tình trạng tảo hôn, học sinh bỏ học lấy vợ, lấy chồng. Đây là vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục. Đặc biệt, là thời điểm sau kỳ nghỉ Tết và vào đầu năm học mới.
 
Điển hình, trường THPT Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn năm học vừa qua ghi nhận kỷ lục đáng buồn với 122 em bỏ học, tăng gấp 3 lần năm học trước và chiếm gần 10% sĩ số toàn trường. Các em nghỉ học chủ yếu là học sinh người Mông, Khơ Mú. Trong đó, khoảng 30 em nghỉ để lấy vợ hoặc lấy chồng. Riêng lớp 12C2 có 6 học sinh (cả nam và nữ) đã lập gia đình sau Tết Canh Tý;
 
Tại huyện Tương Dương, chỉ sau đợt nghỉ dịch đã có gần 100 em học sinh THCS và THPT bỏ học. Cá biệt có trường hợp nữ sinh lấy chồng khi mới 12 tuổi, thời điểm này em chỉ mới học lớp 6. Còn tại huyện Quỳ Hợp, từ năm 2016 -2019, có hơn 50 trường hợp tảo hôn. Phần lớn đối tượng chủ yếu là các em học sinh chưa nhận thức đúng về hôn nhân, một số các cháu sống buông thả hoặc là sự quan tâm giáo dục của gia đình chưa đúng mức…
 

 
Mặc dù vậy, vấn để các em bỏ học lấy chồng vẫn là bài toán nan giải của ngành giáo dục.
 
“Tình trạng học sinh bỏ học là khó khăn lớn của ngành giáo dục Nghệ An, đặc biệt là ở các huyện vùng cao. Để giải quyết tình trạng này, về trước mắt ngành giáo dục đã yêu cầu các phòng, các trường cử thầy cô về tận nhà để vận động học sinh đi học lại. Quá trình dạy học, yêu cầu các trường nội trú, bán trú phải quản lý, quan tâm nắm bắt hoàn cảnh, tâm lý học sinh, phải đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp, định hướng thiết thực cho từng đối tượng học sinh”, ông Thành nói.


 
Còn về lâu dài, quan trọng nhất là trang bị kiến thức, kỹ năng và khơi dậy mục tiêu, ý thức để các em theo đuổi việc học đến cùng. Phía sở GD&ĐT Nghệ An cũng đang thí điểm một chương trình vừa học vừa làm, dạy nghề cho các em. Đến khi các em vừa tốt nghiệp THPT cũng đồng thời được cấp chứng chỉ để có thể tự kiếm sống.
 
Ông Kha Văn Lập, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương cho biết: “Về việc này chỉ có thể vận động, tuyên truyền, giải thích cho các em. Bởi đây là thời điểm các em phát triển, tâm sinh lý nhạy cảm, nếu làm căng hoặc kiên quyết ngăn cản thì các em sẽ rủ nhau vào rừng ăn lá ngón tự tử”.