Gia đình chị Nguyễn Thị Thu (xóm Xuân Sơn) làm 1 sào hẹ, cứ 14 ngày thì thu hoạch 1 lứa, khoảng 500 bó. Mọi năm, đến khi thu hoạch, thương lái gọi điện đặt hàng trước chị mới cắt hẹ, bán tại ruộng, nhận tiền tươi từ 2.000.000 đồng – 2.500.000 đồng/lứa. Năm nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, Nam Đàn cũng như các địa phương khác trong tỉnh đều thực hiện giãn cách, đồng loạt đóng cửa chợ dân sinh nên hẹ cắt ra chẳng biết bán cho ai.
Chị Thu cho biết: “Lứa vừa rồi phải đổ bỏ cả mấy trăm bó hẹ. Đến lứa thì phải cắt, nếu để già quá thì hẹ ra hoa, lá khô và ảnh hưởng đến lứa sau. Giờ, 1 sào hẹ cũng đã đến lúc thu hoạch nhưng cũng đành chịu vì không có ai hỏi mua, chắc rồi phải cắt bỏ”.
Hiện toàn xã Nam Xuân có 40 hộ trồng hẹ với diện tích 7ha, thu nhập bình quân 85 triệu đồng/ha. Đây là cây rau màu hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Nam Xuân.
Anh Nguyễn Thanh Hùng, Công chức nông nghiệp xã Nam Xuân cho biết: “Làm 1 sào hẹ chi phí ban đầu không lớn (khoảng 1 triệu đồng tiền giống, phân bón) nhưng vì đòi hỏi phải tưới thường xuyên nên phải lắp đặt hệ thống tưới phun sương, công chăm sóc nhiều. Đặc thù của loại rau này nếu không tiêu thụ được thì phải cắt bỏ để chờ lứa khác nảy mầm, do đó, thời điểm này, gặp khó khăn trong tiêu thụ, hầu như không có ai hỏi mua nên hàng tấn hẹ người dân phải cắt bỏ, đổ trên bờ”.
Ngoài cây hẹ, các loại rau gia vị như tía tô, kinh giới, húng, húng quế, rau răm… trên khoảng 51 ha ở các xóm như Xuân Thành, Xuân Mai của 150 hộ cũng không có đầu ra. Đã quá lứa thu hoạch nhưng không có thương lái thu mua, các hộ đành để mặc ruộng rau gia vị tốt quá đầu người, phủ kín mặt ruộng. Có nhiều gia đình, lo ảnh hưởng đến lứa thu hái sau nên phải huy động nhân lực ra cắt xong, ôm lên bờ đổ bỏ.
Gia đình anh Nguyễn Đình Minh, trồng 10 sào rau gia vị tại trang trại Lùm Băng, xóm Xuân Thành cho biết: "Bình thường, từ cắt hái bán rau gia vị cũng mang lại 800 ngàn -1 triệu đồng/ngày. Chủ yếu là thương lái từ chợ đầu mối Vinh lên thu mua, trả tiền tươi ngay tại vườn. Như năm nay thì chịu, không biết bán cho ai. Hơn 1 tháng nay, ngày nào cũng phải cắt bỏ, đổ bờ, ủ phân, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Có hộ xót của nên còn tận dụng nắng to phơi khô tía tô, kinh giới, để đó sau may ra có hiệu thuốc nam nào cần thì bán. Nhưng cả làng, sản lượng hàng trăm tấn thì có phơi khô cũng không biết bán đâu cho hết”.
Rau màu, rau gia vị Nam Xuân chủ yếu tiêu thụ qua thương lái, cung ứng cho các nhà hàng, khách sạn, chợ đầu mối ở thành phố Vinh và các tỉnh lân cận, đồng thời bán lẻ qua các chợ dân sinh trong tỉnh. Song, hiện nay, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, các nhà hàng, khách sạn, chợ… đều dừng hoạt động nên không ai thu mua loại rau này, phải cắt đổ bỏ, ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Không chỉ Nam Xuân mà những người trồng rau gia vị ở Nam Anh (Nam Đàn), Hưng Thành (Hưng Nguyên)… cũng bí bách đầu ra, không biết bán cho ai, dân cắt bỏ, chất đống trên bờ ruộng. “Vất vả, một nắng hai sương chăm bẵm hàng tháng trời, nay đến lúc thu hoạch lại phải đổ bỏ. Rau gia vị là thu nhập chính của các hộ dân vùng trồng nên bà con mong muốn được các cấp ngành kết nối, hỗ trợ tiêu thụ”, ông Trần Văn Nam, công chức Nông nghiệp xã Nam Anh (Nam Đàn) bày tỏ.