Lãnh đạo ngành Công Thương Nghệ An cho rằng, chống dịch ở các doanh nghiệp (DN) khu công nghiệp (KCN), nhà máy là trọng điểm lần này bởi đây là những nơi buộc phải duy trì để không đứt gãy nền kinh tế, nếu để xảy ra dịch bệnh có thể lây lan rất nhanh và gây ra hậu quả khó lường.
 
Kiểm soát chuyên gia, người lao động đến - về từ vùng dịch
 
Sau những diễn biến khó lường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Nghệ An đã thực hiện giãn cách xã hội vào ngày 8/6, theo đó tỉnh này đang quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch từ xa, hạn chế đến mức thấp nhất việc lây lan dịch bệnh trong các DN, KCN, đảm bảo “mục tiêu kép”: vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế. Ông Phạm Văn Hoá - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An - cho biết, việc chống dịch ở KCN, nhà máy, cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại, chợ truyền thống... cần phải đặt ở mức cao nhất.
 
 
Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã tiến hành lập 5 chốt tại cầu Bến Thủy 1, 2, cầu Yên Xuân, cầu Cửa Hội và tại xã Nam Kim (giáp với huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) để kiểm soát, phòng chống dịch bệnh. Ảnh: CA tỉnh Nghệ An
 
Cũng theo CDC Nghệ An, vừa qua, có 2 trường hợp là bệnh nhân Covid-19 ở Hà Tĩnh nhưng đi lại, tiếp xúc với nhiều người trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Lực lượng chức năng của Nghệ An phải cật lực truy vết, điều tra, thực hiện cách ly tập trung, cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe đối với những trường hợp liên quan. Hiện, Nghệ An hiện có 215 F1 đang cách ly, tất cả đều có ít nhất một lần xét nghiệm âm tính. Trong số này, có 83 người là đi chung chuyến bay ngày 29/5 với cặp vợ chồng từ Bình Dương về Hà Tĩnh, 6 người trong gia đình ở phường Hưng Bình ăn chung nhà hàng với F0...
 
Để phòng, chống dịch bệnh, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, đảm bảo sức khỏe cho người dân Nghệ An và đảm bảo an toàn cho các DN, KCN trong tỉnh, UBND tỉnh này đã ban hành nhiều công văn nhằm kiểm soát chuyên gia, người lao động (NLĐ) đang sinh sống tại các vùng có dịch đến làm việc tại Nghệ An. Về việc rà soát, bố trí làm việc đối với người lao động tỉnh Hà Tĩnh đang làm việc tại DN, KCN đề phòng lây nhiễm Covid-19, ông Lê Tiến Trị - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam - cho biết, hiện Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã có công văn yêu cầu các DN trong khu kinh tế, KCN tỉnh Nghệ An tiến hành rà soát toàn bộ số công nhân người Hà Tĩnh, nếu DN có lao động là người Hà Tĩnh, bố trí ngay cho NLĐ lưu trú tại DN…. qua rà roát số lượng lao động ở Khu kinh tế Đông Nam và các KCN trên địa bàn có trên 1.000 lao động là người Hà Tĩnh, trong đó tại KCN Vsip có 635 lao động, KCN Bắc Vinh có trên 300 lao động, KCN Nam Cấm 83 lao động...
 
Cùng với đó, ngày 9/6, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP. Vinh (Nghệ An), xã Hưng Đông và xã Nghi Kim có buổi làm việc với các DN trong KCN Bắc Vinh về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tại buổi làm việc, đại diện DN tại KCN Bắc Vinh chia sẻ, các DN trong KCN đã nêu những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch như: Nếu có F1, F0 thì các công ty không thể bố trí cách ly cho một lượng lớn công nhân; vấn đề test nhanh 20% khi có nguy cơ cao các DN sẽ không thể làm được vì còn có những bất cập như không có nhân lực, không có chuyên môn và DN không biết mua bộ test ở đâu...?
 
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Nghệ An cũng đã yêu cầu Ban quản lý Khu kinh tế, KCN và các DN, tăng cường kiểm soát việc đi lại của công nhân; bố trí nước sát khuẩn, hướng dẫn công nhân phải thực hiện tốt 5K tại công ty và cả khi đến rút tiền tại cột ATM. Phải chủ động bố trí khu cách ly tập trung chứ không thể bàn giao công nhân phải cách ly cho chính quyền địa phương được vì lượng công nhân rất lớn. Cần thực hiện việc khai báo y tế bằng quét mã QRcode. Đối với các công ty có người nước ngoài làm việc cần phải giám sát chặt chẽ, phải báo cáo với chính quyền địa phương để có phương án phòng dịch. Tuyệt đối không được phép chủ quan lơ là, DN không được giấu giếm các thông tin liên quan đến dịch bệnh.
 
Chia sẻ về điều này, ông Trần Anh Tấn – Chủ tịch xã Hưng Đông (TP. Vinh) - cho biết: Trong thời gian qua, để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh chúng tôi đã yêu cầu các xóm rà soát từng đối tượng lao động đang trọ trên địa bàn và yêu cầu các đơn vị tại KCN Bắc Vinh tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Tại KCN Bắc Vinh hiện có 6.430 lao động đang làm việc trong 24 doanh nghiệp. Với hơn 300 lao động là người Hà Tĩnh và 11 lao động là người nước ngoài, trong đó có gần 200 lao động là người Hà Tĩnh hàng ngày vẫn đi về. Tuy nhiên nếu như lao động vẫn đi về hàng ngày thì sẽ rất khó quản lý vì dịch bệnh đang rất phức tạp và khó có thể nắm bắt, truy vết được từng đối tượng tiếp xúc.
 
"Trái ngược với những DN có quy mô lớn, có bộ phận chuyên trách thực hiện công tác phòng, chống dịch tương đối tốt thì những DN có quy mô nhỏ, người lao động ít chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng, chống dịch. Trong tình huống xấu, nếu xảy ra dịch bệnh thì trong KCN Bắc Vinh khó có thể bố trí khu cách ly tập trung…", ông Tấn cho biết thêm.
 
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Vịnh - Phó Giám đốc Công ty May Minh Anh Kim Liên - cho biết: “Với một DN có hơn 3.020 công nhân lao động, chúng tôi hiểu được tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nếu để xảy ra ca bệnh trong công ty, hậu quả sẽ rất nặng nề. Bởi thế, DN ưu tiên đặt nhiệm vụ bảo đảm an toàn phòng, chống dịch song song với sản xuất, kinh doanh, thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo, quy định của các ngành chức năng. Ngay sau khi có yêu cầu của lãnh đạo thành phố, DN đã cho 80 công nhân người Hà Tĩnh không đủ điều kiện ăn ở làm việc tại chỗ nghỉ việc tạm thời, còn 60 lao động có thể ở lại cố định tại công ty, DN đã chủ động lên phương án cho số lao động ở lại sản xuất riêng, ăn riêng nếu xảy ra tình huống xấu lây dịch bệnh sẽ phong tỏa và truy xét nhanh. Bếp ăn tập thể được chia từ 2 ca thành 4 ca....
 
Khai báo thông tin người lao động trên phần mềm NCOVI
 
Đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã đánh giá nguy cơ dịch từ tỉnh Hà Tĩnh và cho rằng nguồn lây từ Hà Tĩnh đến thời điểm này đều khoanh vùng, truy vết tốt.
 
Trước diễn biến dịch phức tạp tại các DN, KCN, Ban quản lý đã chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng phòng, chống dịch bệnh, sử dụng mã QR CODE tại địa chỉ https://tokhaiyte.vn. Thực hiện kiểm soát vào, ra doanh nghiệp hàng ngày đối với khách đến và đi thông qua mã QR CODE, sử dụng một trong các phần mềm: Tờ khai y tế; NCOVI; Bluezone; cập nhật mức độ an toàn COVID-19 lên trang antoancovid.vn.
 
Ban quản lý cũng đã yêu cầu các DN xây dựng kịch bản khi dịch bệnh ở DN sẽ xử lý ra sao; ban hành văn bản yêu cầu chủ các doanh nghiệp ký cam kết thực hiện đầy đủ quy định phòng, chống dịch; thành lập tổ 'an toàn Covid-19' để rà soát, kiểm tra, đánh giá việc chấp hành quy định phòng, chống dịch, nếu không chấp hành đúng sẽ dừng hoạt động.
 
Về thực hiện “4 tại chỗ”, lãnh đạo ngành y tế Nghệ An cho rằng, các địa phương đã rất chủ động, nhanh chóng vận chuyển các F1 đến các khu cách ly tập trung, tuy nhiên trong quá trình vận chuyển phải bảo đảm khoảng cách, khử khuẩn, thực hiện 5K… Hiện nay, biển thể của virus lây lan rất nhanh, nếu không cẩn thận sẽ xảy ra lây nhiễm trong quá trình vận chuyển.
 
Đối với các công nhân đi từ vùng có dịch về yêu cầu phải lấy mẫu xét nghiệm và cách ly đúng thời gian quy định. Các phương tiện chở hàng từ ngoài tỉnh vào các xí nghiệp, nhà máy phải phun khử khuẩn theo mỗi chuyến ra vào. Đối với các công ty có công nhân là người Hà Tĩnh làm việc đi về kể cả có xe đưa đón phải tạm thời cho nghỉ việc để chờ chỉ đạo của UBND tỉnh hoặc phải bố trí nơi ở hợp lý đảm bảo an toàn phòng dịch; phải quản lý tốt việc di chuyển của các công nhân là người Hà Tĩnh ở trọ xung quanh KCN.
 
Nghệ An hiện có 8 KCN đã có dự án đầu tư, bao gồm: KCN Bắc Vinh, KCN Nam Cấm, KCN VSIP Nghệ An, KCN WHA Nghệ An, KCN Hoàng Mai, KCN Nghĩa Đàn, KCN Đông Hồi, KCN Thọ Lộc. Hiện nay, Ban quản lý Đông Nam và các KCN Nghệ An đã có 128 dự án đi vào hoạt động, tạo việc làm cho 28.230 lao động... Nghệ An nói chung và các khu kinh tế, KCN nói riêng được đánh giá có nhiều nguy cơ lây nhiễm Covid-19.