Tại tỉnh Nghệ An, tình trạng học sinh bỏ học, đặc biệt là vào thời điểm sau Tết Nguyên đán diễn ra nhiều năm nay ở các trường học thuộc các huyện miền núi cao.
 
Đối tượng chủ yếu là học sinh người dân tộc thiểu số. Nguyên nhân chính là các em nghỉ học để lập gia đình, đi làm, một số đối tượng nghỉ học do hoàn cảnh gia đình, học yếu và không thích đi học. Trước tình hình đó, các trường học trên địa bàn miền núi của tỉnh Nghệ An đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, vừa động viên học sinh, vừa tạo không khí vui tươi để các em thêm gắn bó và yêu trường, lớp.
 
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn) trong ngày đầu tiên nhập học sau kỳ nghỉ Tết có khoảng 40 học sinh chưa đến lớp. Tuy vậy, đến hết tuần, số học sinh chưa đến trường chỉ còn khoảng 6 em và dự kiến sẽ đi học đầy đủ trong tuần tới.
 
Thầy giáo Trần Văn Quý, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Mỹ Lý cho biết: Tình trạng học sinh nghỉ học giảm hẳn kể từ khi nhà trường thực hiện mô hình trường bán trú vì khi đến trường các em không những chỉ được học mà còn được ăn, ở miễn phí. Về phía giáo viên, chúng tôi cũng đã phân công cứ 3 giáo viên phụ trách một bản.
 
Trên cơ sở đó, trước Tết Nguyên đán, giáo viên phải nắm rõ hoàn cảnh và tư tưởng từng học sinh, nếu học sinh nào có ý định lấy chồng, lấy vợ, sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền, vận động, học sinh nào có hoàn cảnh khó khăn thì tìm giải pháp giúp đỡ. Trước Tết, nhà trường cũng đã tổ chức chương trình Xuân yêu thương và phối hợp cùng với phụ huynh tổ chức nấu bánh chưng, đón Tết cùng học sinh. Những hoạt động này sẽ gắn kết thêm mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường, để các gia đình cùng tham gia vào việc giáo dục, động viên con em đi học chuyên cần.
 
 
Trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn tổ chức hoạt động bữa cơm đoàn viên sau Tết cho học sinh cùng tham gia nhằm vận động học sinh tích cực đến trường.
 
Tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Lưu Kiền (huyện Tương Dương), bên cạnh tổ chức chương trình “Ngày Tết quê em” đầy ý nghĩa với sự góp mặt của học sinh, phụ huynh và chính quyền địa phương, nhà trường cũng kêu gọi quyên góp, ủng hộ quỹ tặng quà Tết cho học sinh khó khăn và đến từng nhà để động viên các em không nghỉ học.
 
Cô giáo Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Lưu Kiền cho rằng, việc đến tận bản tặng quà nhằm động viên, chúc Tết gia đình các em, thể hiện tình cảm quan tâm, chăm lo của nhà trường đối với từng hoàn cảnh mỗi em. Đây còn là một cách làm của nhà trường nhằm giữ học sinh. “Trường chúng tôi có nhiều học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, éo le như mẹ mất sớm, bố sa vào tệ nạn xã hội. Tình cảnh này nếu không có sự động viên, theo dõi sát sao của thầy, cô giáo thì rất dễ dẫn đến bỏ học. Thực tế những năm trước, một số em sau khi nghỉ Tết đã nghe theo lời rủ của các anh, chị, bỏ học đi làm ở các thành phố, khu công nghiệp”, cô giáo Nguyễn Thị Nhung cho biết thêm.
 
Một cách làm khác đang được các nhà trường triển khai, đó là tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và chính quyền địa phương. Tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tri Lễ (huyện Quế Phong), năm học này có hơn 700 học sinh với gần 50% ở bán trú. Học sinh đông, nhiều thành phần dân tộc với đặc trưng văn hóa, ngôn ngữ riêng, địa bàn sinh sống cách xa nhau là một khó khăn lớn đối với ngôi trường vùng biên giới này.
 
Thầy giáo Hoàng Ngọc Thanh, Hiệu trưởng Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tri Lễ cho biết: Với đặc thù học sinh ở nhiều bản xa xôi, biên giới, không có sóng điện thoại liên lạc, nên khoảng thời gian nghỉ Tết, việc liên lạc giữa nhà trường và học sinh rất hạn chế. Trong khi đó, tập tục văn hóa của đồng bào Thái, Mông... dịp Tết là thời điểm để đi thăm thân cách bản, cách huyện. Đây cũng là mùa lễ hội, thời điểm thanh niên trai gái, nhất là lứa tuổi 13, 15 đi chơi, không ít trường hợp thích nhau, bắt vợ, làm đám cưới. Vì vậy, trước, trong và sau Tết, nhà trường tăng cường phổ biến pháp luật, thông qua thôn bản tuyên truyền đến học sinh không vi phạm pháp luật, đốt pháo, tránh nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
 
So với các tỉnh, thành phố khác, đến thời điểm này, việc học của học sinh Nghệ An sau Tết vẫn duy trì ổn định. Trong bối cảnh đó, với các trường miền núi cao, song song với việc tổ chức dạy học, phòng dịch thì việc đảm bảo duy trì sỹ số cho học sinh vẫn là một điều hết sức khó khăn. Để duy trì sĩ số học sinh sau Tết, ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã chỉ đạo các trường học, các thầy, cô giáo trong việc nắm bắt tâm lý của các bậc phụ huynh, tư tưởng của các em học sinh, tìm hiểu phong tục, tập quán của người dân, cũng như hoàn cảnh của học sinh để có biện pháp vận động, tuyên truyền các em đến lớp sau dịp nghỉ Tết.

 
Trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa để học sinh cùng tham gia nhằm vận động học sinh tích cực đến trường.
 
“Các nhà trường phân công giáo viên cắm bản phối hợp với cha mẹ học sinh, các trưởng bản nắm bắt những trường hợp có khả năng bỏ học để kịp thời động viên, vận động các em đến trường. Đối với học sinh ăn Tết dài ngày hơn so với quy định, nhà trường cũng tổ chức cho giáo viên đến từng hộ gia đình vận động các em đến lớp. Với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cần sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội để động viên, hỗ trợ phần nào, tuyệt đối không để xảy ra trường hợp học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn”, ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết./.