anh-1-2-1032-1651799884.png
Bà Huyên tận dụng chai nhựa để dự trữ nước uống.

Từ ngày chồng phải vào bệnh viện lọc máu để duy trì sự sống thì chị Âu cũng khăn gói quần áo xuống thành phố sống trong phòng trọ chật chội. Mắc bệnh mà “người giàu mắc phải thì thành nghèo; ai vốn nghèo thì khánh kiệt” khiến cuộc sống của họ càng kiệt quệ. Để có tiền chữa bệnh cho chồng, chị làm thêm đủ nghề, thậm chí đi nhặt ve chai. Ngay cả khi phát hiện bản thân cũng bị bệnh thận, chị vẫn cố gắng gượng để cùng chồng duy trì sự sống.

Vợ chồng nghèo cùng mắc bệnh “nhà giàu”

Xế chiều, khi mặt trời đã dần tắt nhưng anh Kha Văn Du (SN 1991) quê xã Yên Hòa, huyện Tương Dương (Nghệ An) vẫn ngồi ngoài thềm để tránh cái nóng đầu hè. Làn da xanh xao, ánh mắt đượm buồn càng khiến anh khắc khổ. 31 tuổi, nhưng anh Du đã có “thâm niêm” gần 7 năm chạy thận. Cũng chừng ấy thời gian, anh xuống thuê trọ chỗ đối diện Bệnh viện Giao thông vận tải Nghệ An (nay là cơ sở 2 của Bệnh viện Đa khoa TP Vinh) để sinh sống.

Không may mắc bệnh “nhà giàu” khi còn trẻ tuổi khiến chàng trai trẻ thường nhụt chí, buồn chán. Thương chồng, chị Vi Thị Âu (SN 1993) đành gửi con cho ông bà để theo chồng xuống thành phố ở. Cứ mỗi tuần 3 ngày, chị lại đưa chồng sang bệnh viện làm thủ tục để chạy thận. Để tiết kiệm chi phí, vợ chồng chị ăn uống tằn tiện sống qua ngày.

Nhưng, ông trời khéo đùa khi sau 2 năm chồng chạy thận thì người vợ cũng phát hiện bị bệnh thận. Chị Âu kể, vào một ngày chị thức dậy thì cảm thấy chân tay phù nề, mệt mỏi.

Qua nhiều bệnh viện thăm khám chị được các bác sỹ kết luận bị viêm cầu thận. “Ngày nhận hung tin đó tôi hoàn toàn suy sụp. Cuộc sống vốn đã khó khăn, chồng đau uốm triền miên, nay tôi lại bị bệnh này thì ai kiếm tiền để đưa chồng đi chạy thận. Lỡ bệnh tình tôi trở nặng thì vợ chồng biết trông cậy vào ai”, chị chia sẻ.

anh-2-1-5320-1651799916.jpg

Nhiều năm nay vợ chồng ông Tinh sống tạm trong căn phòng trọ nhỏ để tiện cho việc sang bệnh viện chạy thận.

Chán nản, người phụ nữ ấy từng có ý định buông xuôi. Nhưng sau khi nhìn đứa con nhỏ, chị lại không đành lòng, tự động viên bản thân cố gắng làm chỗ dựa cho chồng con. Vậy là, chị tiếp tục sống cùng chồng trong căn phòng trọ cũ nát. Thời gian gần đây, chị đi làm công nhân đóng chai nước cho một cơ sở gần chỗ trọ.

“Nếu làm đủ ngày mỗi tháng tôi cũng kiếm được hơn 3 triệu. Nhưng vì chồng hay đau, bản thân tôi cũng bị bệnh nên hay mệt, thường xuyên nghỉ. Thành ra, mỗi tháng tôi kiếm được chẳng đáng là bao. Số tiền góp được, tôi vừa lo cho chồng, vừa tích góp để ra Hà Nội lấy thuốc uống”, chị Âu tâm sự.

Ngồi cạnh vợ, ánh mắt anh Du buồn thẳm khi nhìn ảnh đứa con thơ trong điện thoại. Anh bảo đã lâu rồi, vợ chồng chưa được gặp con. Trước đây vì dịch bệnh, đi lại khó khăn, và không có tiền nên cả gia đình chỉ biết nhìn nhau qua điện thoại. Nay sức khỏe ngày càng yếu khiến anh lo âu. Rồi người đàn ông này chia sẻ: “Ngày tôi xuống thuê trọ tại xóm chạy thận này có khoảng hơn 30 người cùng cảnh ngộ. Nhưng đến nay tôi đã chứng kiến gần 20 người ra đi”. Mỗi lần trong xóm có người được đưa về quê là ai nấy đều buồn dù họ chẳng có mối quan hệ họ hàng nào. Bản thân anh Du cũng vậy, anh buồn vì thương cho bạn đồng cảnh ngộ và càng thêm lo cho sức khỏe mình.

anh-3-5764-1651799957.jpg
Nhớ con, anh Du chỉ biết nhìn qua màn hình điện thoại.

Tình người nơi “xóm chạy thận”

Cùng ở trong xóm chạy thận với vợ chồng chị Âu là vợ chồng ông Lê Vĩnh Tinh (SN 1959, quê Tam Thái, huyện Tương Dương). Ông Tinh chạy thận đến nay đã 6 năm. Đường sá đi lại khó khăn với chiều dài hơn 200 km nên ông Tinh chọn phương án thuê phòng trọ rể tiền ở TP Vinh để thuận tiện cho việc chạy thận. Từ ngày chồng xuống viện thì bà Vang Thị Huyên (SN 1957) cũng đành xa căn nhà sàn trên quê để xuống phố ở cùng chồng trong căn phòng chật chội.

Chỉ vào cánh tay với những cục u lớn, ông Tinh tâm sự, đã mắc bệnh này thì khổ lắm, đau bất chợt và phải nhập viện gấp lúc nào không hay. Không ít đêm tôi lên cơn đau đột ngột, may mà có vợ kịp thời đưa đến bệnh viện. Nói đâu không xa vào năm ngoái tôi tưởng đã chết rồi, cấp cứu tại bệnh viện thì bác sỹ lắc đầu. May sao tôi bật được máu từ trong cổ ra mới giữ được mạng sống. Từ đó đến nay, đêm nào bà ấy tôi cũng canh chừng, không dám ngủ.

Rồi ông nói thêm: “Ngày trước ngại đi vì đau, 4 tiếng nằm nhìn máu của mình chạy… ra ngoài cảm thấy sợ còn giờ chỉ trông đến ngày ấy vì lọc máu xong sẽ đẩy các chất độc, chất cặn khiến cơ thể nhẹ nhàng, thoải mái; nếu bỏ quên chỉ một buổi thôi là cơ thể phù nề, dịch tràn trong người”. Tuy nhiên, dù chi phí chạy thận được bảo hiểm chi trả gần hết nhưng chi phí dành cho các loại thuốc, các sản phẩm hỗ trợ ông vẫn phải tự mua hoàn toàn nên tháng nào cũng chi tới 4 - 5 triệu. Thêm tiền nhà trọ, tiền điện nước, ăn uống là “đi toi” thêm 2 triệu nữa. Đó là gánh nặng kinh tế lớn đối với những bệnh nhân như ông.

Để tiết kiệm chi phí, bà Huyên thường cầm chai nhựa sang bệnh viện lấy nước về dùng dần. Bà kể: “Vì sống ở xóm trọ rẻ tiền nên cái chi cũng thiếu thốn. Nước sạch để uống cũng không có mà chỉ có nước giếng khoang để tắm rửa”. Nén tiếng thở dài, bà tâm sự: “Cái bệnh thận này, người giàu mắc phải thì thành nghèo; ai vốn nghèo thì khánh kiệt”. Vợ chồng tôi quê miền núi nên kinh tế khó khăn, tiết kiệm được đồng nào thì hay đồng đó. Vậy là tranh thủ thời gian rảnh bà lại đi nhặt ve chai kiếm thêm đồng bạc để mua thuốc và tẩm bổ cho chồng.

anh-4-3205-1651799995.jpg
Mảnh rau trước sân là nguồn thực phẩm chung cho xóm chạy thận.

Trong xóm chạy thận này, có nhiều câu chuyện cảm động. Bà Huyên nhớ lại, cách đây không lâu có trường hợp một bệnh nhân trong xóm qua đời. Lúc này bà vội gọi điện thông báo cho người chồng của bệnh nhân đang ở quê.

“Khi tôi gọi ông đó đang say rượu nên có nói lời khó nghe, rồi bảo không có tiền để đưa vợ về. Thương chị ấy nằm lạnh lẽo một mình, nên mỗi bệnh nhân trong xóm đã gom góp được hơn vài triệu để hỗ trợ đưa người mất về quê. Chỉ khi nghe tin đã có tiền thuê xe về, người chồng đó mới xuống để đưa vợ về”, bà Huyên xót xa khi nhớ lại sự ra đi trong cô độc của một bệnh nhân trong xóm.

Cũng có trường hợp người trong xóm qua đời bất ngờ. Hiểu rõ hoàn cảnh khó khăn, bà Huyên đã đến các quán nước ven đường xin tiền để giúp gia đình đưa người mất trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Bà nói: “Nghĩa tử là nghĩa tận, tôi chỉ muốn giúp đỡ một phần nhỏ để những người bạn một thời từng sống cùng chúng tôi có thể thanh thản ra đi”. Vậy là suốt nhiều năm qua, tại xóm trọ nghèo này, có nhiều người đã mãi mãi ra đi, cũng có người đang cố gắng chiến đấu với bệnh tật. Mặc dù khó khăn, thiếu thốn nhưng họ luôn động viên nhau.

Chiều muộn, tận dụng khoảng đất rộng trước khu trọ, những người chạy thận lại ra tưới nước cho rau. Những luống rau khoai, rau muống, mồng tơi... xanh cả một góc vườn. Đó là nguồn rau xanh cho cả xóm dùng trong những ngày hết tiền, túng thiếu. Hơn cả, những luống rau xanh đó còn là tình người, sự sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau của những phận người không may mắc căn bệnh phải sống bám bệnh viện./.