Cụ thể những tồn tại ở đơn vị này gồm: sử dụng lao động trái phép, nhiều khoản thu chưa minh bạch, tổ chức đấu thầu thu gom phế liệu trái phép...
 
Theo nguồn tin của Pháp luật Plus, một số công nhân của Xí nghiệp Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nghi Yên (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) phản ánh về những tồn tại ở Xí nghiệp Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nghi Yên (Đơn vị thuộc Công ty cổ phần môi trường và công trình đô thị Nghệ An). Cụ thể những tồn tại ở đơn vị này bao gồm: sử dụng lao động trái phép, nhiều khoản thu chưa minh bạch, không đưa vào sổ sách, tổ chức đấu thầu thu gom phế liệu trái phép... 
 
Cụ thể, vào các ngày 22, 23/5/2021, có hàng loạt người dân được tự do vào khu vực bãi rác của xí nghiệp để thu gom phế liệu. Những hình ảnh “công nhân” thu gom rác không đồ bảo hộ, tay trần nhặt rác dễ dàng bắt gặp tại bất cứ ngóc nghách nào của xí nghiệp. Tại một góc xí nhiệp, chiếc xe thu gom rác vừa đổ xuống, nhóm “công nhân” chạy vội tới để tìm, nhặt những phế liệu có thể tái chế để bán như bao tải xác rắn, sắt thép, chai lọ nhựa hay thủy tinh.
 
 
Mất an toàn, không bảo hộ...
 
Tiếp nhận những phản ánh của phóng viên về những thông tin trên, Giám đốc xí nghiệp Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nghi Yên Trương Đức Sơn cho biết: “Trước đây, theo quy trình được tỉnh phê duyệt thì công nhân làm, sau do hiệu quả không cao, cán bộ, công nhân thì ít nên cho nghỉ một thời gian. Sau đó, người dân ở đây (gần khu vực xí nghiệp - PV) họ có đơn gửi xin vào nhặt để phân loại cho công ty. Sau khi có ý kiến, công ty nhất trí cho họ vào làm để tăng thu nhập cho người dân. Số lượng người nộp đơn vào có khoảng 30 người, có đơn xin tự nguyện, cam kết đầy đủ…”.
 
Ông Sơn đồng thời khẳng định: “Việc dân vào làm việc hoàn toàn an toàn, không có vấn đề gì, công ty làm đầy đủ cả, có phương án, quy trình, quy định đầy đủ”.
 

 
Nguồn thu từ việc bán phế liệu là rất lớn
 
Tuy nhiên, khi đưa ra một ví dụ: trường hợp bà Nguyễn Thị Luận bị xe rác đâm gãy chân thì ông Sơn mới thừa nhận sự việc. Ông này lý giải: “Cái đó là do xe ngoài không phải của công ty vào đổ, xe của Khu công nghiệp Vsip nên mới bị. Việc này công ty cũng đã có hỗ trợ cho bà rồi”.
 
Đối với câu hỏi: Tại sao người dân vào làm việc tại xí nghiệp thường xuyên, thời gian dài, như một người lao động của công ty vẫn không hề có ràng buộc gì như hợp đồng lao động?. ông Sơn, lý giải: “Cái này họ tự nguyện anh ạ, họ xin chứ công ty có thuê gì đâu. Nếu công ty thuê là công ty phải có hợp đồng, đơn hiện giờ ở công ty cả”.
 
Câu trả lời của vị Giám đốc là vậy thế nhưng theo phản ánh của các công nhân thì việc cho người dân vào thu gom rác là sai. Hơn nữa xí nghiệp còn tổ chức thu tiền trái phép, sử dụng nguồn thu sai mục đích. Khi dân vào nhặt rác, giá trị thu gom dân được hưởng 60% còn xí nghiệp được hưởng 40%. Chưa kể, người đứng ra thu mua lại của dân sẽ phải nộp lại cho xí nghiệp 250.000 đồng/tấn bì xác rắn…
 

 
Bản cam kết phần nào khẳng định thêm việc tổ chức đấu thầu tại Xí nghiệp có "vấn đề"?
 
Theo thông tin chúng tôi nắm được, số tiền thu được từ việc bán phế liệu thu được tại xí nghiệp Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nghi Yên là khá lớn. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2021 số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Số liệu nắm được: tháng 1 thu 39 triệu đồng, tháng 2 thu 62 triệu đồng, tháng 3 thu 112 triệu đồng và tháng tư là 73 triệu đồng. Với cách chia tỷ lệ trên thì xí nghiệp xe thu được: 286 triệu đồng x 40% = 114,4 triệu đồng. Con số không hề nhỏ đối với một xí nghiệp xử lý rác.
 
Đối với nội dung này, ông Trương Đức Sơn thừa nhận: “Quy trình vận hành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn có giai đoạn phân loại rác. Đã có văn bản của công ty cho triển khai việc này. Tỷ lệ theo giá phế liệu thu gom được là 60/40. Người dân được hưởng 60%, còn 40% là của công ty. Số tiền thu được nhằm nâng cao thu nhập cho anh em công nhân.
 
"Vừa rồi, công ty có mở đấu thầu phân loại, đấu thầu nội bộ của anh em xí nghiệp đây thôi, không mở ra ngoài. Mục đích để tăng thu nhập của người lao động. Sau khi mở thầu có anh Hoàng Văn Hà trúng thầu. Ngoài ra, anh Hà nộp vào 30 triệu đồng/ tháng cho công ty để gây quỹ Công đoàn…” - ông Sơn nói.
 
Để có được thông tin khách quan hơn, chúng tôi đã có cuộc làm việc cùng ông Phú Văn Phượng - Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An. Ông Phượng cho biết: “Cái đó, có thông báo. Sau khi người dân vào tùy tiện, giáo xứ, chính quyền địa phương có ý kiến… Ngày xưa cấm, vì sợ tai nạn sau người dân nguyện vọng vậy nên công ty chỉ đạo để người dân viết đơn cam kết vào làm để đảm bảo an toàn, tính mạng cho người lao động. Đồng thời giao cho bộ phận tại xí nghiệp tổ chức quản lý để quản lý vận hành làm sao để đúng quy trình vận hành.
 
"Về mặt nguyên tắc thì trong quy trình vận hành hướng dẫn vẫn làm phân loại rác vẫn cho. Có người công ty để làm nhưng vì người công ty nhiều việc khác với có cả các hệ thống khác nữa nên… Trong khi nhu cầu người dân rất lớn, cấm thì họ cũng trèo tường vào… tạo điều kiện cho người dân” - ông Phượng nói.
 
Đối với nội dung ông Hoàng Văn Hà đóng cho công ty 30 triệu đồng/tháng. Ông Phượng thừa nhận: “Cái đó giao cho xí nghiệp tự tổ chức đấu thầu, làm để gây quỹ cho công đoàn hoạt động… Có nộp đó, nhưng được có mấy tháng nhưng giờ đã cho nghỉ rồi. Từ nửa tháng 1/2021 đến giờ, tiền đó đưa về đây, một phần để lại xí nghiệp, một phần giao cho công đoàn...”.
 
Xác nhận từ ông Nguyễn Chí Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An: “Công ty có phân loại rác thải, có đấu thầu quản lý và nộp tiền kinh phí thu được cho công ty… Người quản lý đó phải nộp lại một phần kinh phí 30 triệu/tháng đưa vào tài khoản chứ không phải tiêu rồi… Công ty chưa phân cho công đoàn, nhưng sắp tới sẽ cho công đoàn hoạt động”?!
 
Thực trạng bất cập đã và đang tồn tại trong một thời gian dài tại Xí nghiệp Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nghi Yên - Công ty cổ phần môi trường và công trình đô thị Nghệ An. Đề nghị UBND tỉnh Nghệ An, các cơ quan chức năng có liên quan vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời.
 
Công ty CP Môi trường và công trình đô thị Nghệ An là doanh nghiệp nhà nước do UBND tỉnh Nghệ An làm chủ sở hữu. Với nhiệm vụ sản xuất chính là: Vệ sinh công cộng, vệ sinh công nghiệp ; nhà cửa; thu gom vận chuyển xử lý chất thải rác sinh hoạt, công nghiệp và nguy hại, xử lý ô nhiễm và hoạt động quản lý chất thải, xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng… cung ứng các dịch vụ vệ sinh môi trường đô thị và khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các tỉnh phụ cận.
 
Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên thuộc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An, là nơi trực tiếp thu nạp, xử lý rác thải cho TP Vinh và các vùng lân cận. Dự án chính thức đi vào hoạt động từ tháng 12/2012.
 
Thời gian qua, tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên thuộc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường bị người dân kịch liệt phản đối. Các cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra, xử lý. Gần đây nhất, UBND tỉnh Nghệ An xử phạt đơn vị này 594 triệu đồng với lỗi vi phạm các quy định xả thải.