anh-1-1663899381.jpg
Hàng chục căn nhà tại xã Bảo Nam được dựng lại sau lũ.

Khó khăn trăm bề

Nửa tháng trôi qua, nhiều bản ở xã Bảo Nam (Kỳ Sơn, Nghệ An) vẫn còn xác xơ sau trận lũ quét, sinh hoạt của bà con vùng cao chưa thể ổn định trở lại. Để hỗ trợ người dân, nhiều đoàn thể, lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực băng rừng, lội suối vận chuyển gạo, nhu yếu phẩm vào tiếp tế cho người dân địa phương.

Ngồi thẫn thờ trước cổng nhà, chị Chích Thị Xon (26 tuổi) trú bản Nam Tiến 1, xã Bảo Nam vẫn còn bị ám ảnh bởi cảnh tượng lúc cơn lũ ập đến. Chị Xon cho biết, khoảng 1h sáng ngày 5/9, chị cùng con nhỏ đang ngủ thì nghe tiếng người gọi thất thanh. Khi ôm con bật dậy, vừa mở cửa phòng thì đã thấy nước tràn vào nhà xối xả. Lúc này, cả gia đình chị chỉ biết tìm cách tháo chạy. “Lũ về nửa đêm, nên chúng tôi không kịp trở tay, chỉ kịp ôm con chạy lũ chứ không mang được đồ đạc gì theo cả”.

Mang 2 chiếc xoong đã cũ kỹ ra lau chùi, chuẩn bị nấu cơm trưa, chị Ven Thị Hồng (30 tuổi) trú bản Nam Tiến 2, xã Bảo Nam nói đây là tài sản duy nhất gia đình còn lại sau trận lũ dữ ập về nửa tháng trước. “2 cái xoong này là người thân cho để dùng chứ lũ cuốn sạch rồi, chẳng còn gì nữa. Mấy hôm nay nhà tôi nhận được hỗ trợ gạo và thức ăn nên cũng thấy ấm lòng hơn”- chị Hồng nói.

anh-23-2-1663899411.jpg

Chị Hồng kể, khuya 4/9, trời mưa như trút nước, nước lũ bắt đầu dâng cao, vợ chồng chị cùng 3 người con phải dời sang nhà người thân để tránh lũ. Hơn 1h sáng 5/9, trận lũ quét kinh hoàng bắt đầu ập về. Chỉ trong chốc lát, nhiều căn nhà bị xóa sổ hoàn toàn, trong đó có nhà của vợ chồng chị. “Cũng may tối đó chúng tôi đã kịp di dời nếu không sẽ chẳng biết thế nào nữa. Khi quay lại, ngôi nhà và toàn bộ tài sản cũng đã bị cuốn đi hết”- chị Hồng kể.

Để gia đình 5 người này có chỗ tránh mưa, chính quyền địa phương cùng người thân đã tìm một khu vực an toàn, dựng một lán trại để mọi người ở tạm thời. Hoàn cảnh của gia đình chị Hồng cũng giống như nhiều hộ dân khác ở xã Bảo Nam đang phải gánh chịu sau trận lũ lịch sử vừa qua rất khó khăn.

Những ngày này, dọc các tuyến đường xã Bảo Nam không chỉ nhộn nhịp cảnh cứu trợ, mà nhiều tổ chức, đoàn thể cũng chung tay hỗ trợ người dân tháo dỡ, di dời nhà cửa khỏi những khu vực đang có nguy cơ sạt lở đất. Những ngôi nhà sàn được tháo dỡ, đem đi cất giữ cẩn thận trong thời gian chờ được bố trí đất để dựng nhà mới. Thời gian này, nhiều gia đình đành phải dựng lán trại để ở tạm.

Qua trao đổi, ông Cụt Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Nam cho biết, sau đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn xuất hiện một vết nứt kéo dài hơn 40m, rất nguy hiểm. Do lo sợ bị sạt lở, nên 17 gia đình phải tháo dỡ nhà cửa di dời đến vị trí khác.

“Vết nứt này xuất hiện trên tuyến đường từ xã Bảo Nam đi Mường Lống, đoạn qua bản Thảo Đi. Ngoài ra, chúng tôi đang theo dõi thêm nếu vứt nứt lan rộng, hoặc trời mưa không an toàn sẽ tiếp tục di dời các hộ dân ở bên cạnh”- ông Thắng cho biết thêm.

anh-23-1-1663899436.jpg
Người dân xã Bảo Nam và các xã bị ảnh hưởng trong đợt mưa lũ vừa qua nhận sự ủng hộ của chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm.

Nỗ lực khắc phục hậu quả

Qua thống kê, đợt mưa lũ vừa qua gây thiệt hại cho Kỳ Sơn ước khoảng 100 tỷ đồng. Ngay sau khi nhận được tin về những thiệt hại do mưa lũ tại huyện Kỳ Sơn, Ban Cứu trợ tỉnh Nghệ An đã trích quỹ cứu trợ, hỗ trợ ban đầu cho huyện, nhằm khắc phục hậu quả của mưa lũ.

Ông Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Nghệ An cho biết, trước mắt Ban cứu trợ của tỉnh sẽ hỗ trợ ban đầu hơn 3 tỷ đồng để huyện dùng nguồn quỹ này hỗ trợ sinh kế, cứu đói cho người dân.

Cùng với đó, Ủy ban MTTQ huyện Kỳ Sơn đã trực tiếp trao 50 suất quà cho 50 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề như nhà bị cuốn trôi, hư hỏng, mất tài sản. Theo ông Hồ Đình Quế - Phó Chủ tịch MTTQ huyện Kỳ Sơn, đây là những hỗ trợ ban đầu từ nguồn quỹ cứu trợ của Mặt trận, hiện MTTQ huyện đang thống kê và rà soát để tiếp tục hỗ trợ cho người dân.

Thống kê của UBND huyện Kỳ Sơn, đợt mưa lũ vừa qua khiến khoảng 160 nhà dân, cơ quan, trụ sở ngập nước; 8 ngôi nhà đổ sập hoàn toàn; 17 ngôi nhà hư hỏng nặng; 49 ngôi nhà bị thiệt hại một phần; 34 ngôi nhà có nguy cơ sạt lở cao phải di dời khẩn cấp. Ngoài ra hàng trăm ha hoa màu, ao cá đã bị nước lũ cuốn trôi. Trong đó, xã Bảo Nam chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, theo thống kê ban đầu, có 26 hộ dân bị thiệt hại về nhà cửa, gần 100 ao cá, gia súc trôi theo dòng nước. Tại xã Chiêu Lưu, 15 hộ dân bị thiệt hại về nhà cửa, trong đó có 1 ngôi nhà đổ sập hoàn toàn, 5 nhà hư hỏng nặng cùng 9 nhà dân phải di dời khẩn cấp. Hơn 7ha lúa cùng nhiều hoa màu khác ngập sâu trong nước lũ. Mưa lớn gây ra sạt lở, đứt gãy các tuyến đường giao thông huyết mạch và hơn 3.000 người dân ở 5 bản: Xiêng Thù, Lưu Hòa, La Ngan, Tạ Thong, Lưu Thắng bị cô lập trong thời gian dài./.