Có dấu hiệu khai thác trước khi được cấp phép?

Như Báo Nhà báo & Công luận đã thông tin trước đó, ngày 27/7/2018, Bộ TN&MT đã cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 2351/GP-BTNMT cho Công ty TNHH Toàn Thắng. Theo đó, doanh nghiệp này được khai thác bằng phương pháp lộ thiên đá vôi dolomit làm ốp lát tại khu vực Lèn Chu, xã Thọ Hợp và xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Thời gian khai thác là 30 năm, trong đó thời gian xây dựng cơ bản mỏ không quá 1 năm.

a-1642336381.jpg
Dù mới được khai thác hợp pháp hơn 1 năm nay nhưng qua quan sát thực tế ở mỏ Lèn Chu có thể thấy mức độ khai thác của doanh nghiệp rất lớn.

Diện tích khu vực khai thác 5,68ha được giới hạn bởi 11 điểm khép góc có tọa độ xác định kèm theo Giấy phép khai thác. Và ngày 16/9/2018, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Nghệ An đã bàn giao trên thực địa cho Công ty Toàn Thắng và bà Trần Thị Toàn là người trực tiếp ký nhận bàn giao 11 mốc cắm ranh giới tại hiện trường mỏ Lèn Chu.

Độ sâu khai thác (đáy mỏ) ở cote +130m. Tổng trữ lượng được phép khai thác: 1,344,635 m3. Công suất hàng năm: Năm thứ 1 được khai thác là 31.805 m3; từ năm thứ 2 đến năm thứ 30, mỗi năm được khai thác là 45.270 m3.

Tại Giấy phép quy định: “Trước khi tiến hành khai thác, Công ty TNHH Toàn Thắng phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan và các quy định của Giấy phép này; nộp cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thiết kế mỏ được người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu khai thác, thông báo về giám đốc điều hành mỏ, kế hoạch khai thác, chế biến tại cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định”.

Ngày 27/2/2020, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 57/QĐ-UBND cho Công ty TNHH Toàn Thắng thuê đất với diện tích 56.857,6m2 (hơn 5,6ha) để sử dụng vào mục đích hoạt động khoáng sản (khai thác đá vôi dolomit làm ốp lát).

Và ngày 28/7/2020, hợp đồng thuê đất số 102/HĐ-TĐ mới được ký kết giữa UBND tỉnh Nghệ An (do ông Phạm Văn Toàn, Phó GĐ Sở TN&MT làm đại diện) với Công ty TNHH Toàn Thắng (đại diện là bà Trần Thị Toàn - Giám đốc). Thời hạn thuê đến hết ngày 27/7/2048.

b-1642336412.jpg
Mỏ Lèn Một và núi Ba Không cấp phép khai thác năm 2013 gần như đang nguyên vẹn

Tính cả thời gian đầu tư xây dựng cơ bản mỏ đến nay, cũng như hoàn thành các thủ tục khác như chuyển đổi mục đích sử dụng đất v.v… nếu được khai thác hợp pháp cũng mới hơn 1 năm. Tuy nhiên, quan sát thực tế ở mỏ Lèn Chu có thể thấy mức độ khai thác của doanh nghiệp rất lớn.

Đáng chú ý, trước khi được cấp phép khai thác mỏ Lèn Chu, trong các loại khoáng sản mà doanh nghiệp kê khai với cơ quan thuế có cả đá dolomit. Trong khi đó, mỏ Lèn Một – Núi Ba Không doanh nghiệp đang khai thác lại không có đá dolomit. Doanh nghiệp đã khai thác mỏ Lèn Chu trước khi được cấp phép?

“Có rủi ro rất cao về thuế tại Công ty Toàn Thắng”

Có biểu hiện rõ việc khai thác với mức độ rất lớn nhưng trong năm 2020, Công ty TNHH Toàn Thắng khai báo sản lượng tại mỏ Lèn Chu chỉ 597,49 m3. Và đây cũng là toàn bộ sản lượng khai thác tại mỏ Lèn Chu mà doanh nghiệp này khai báo từ khi được cấp phép. Chi cục Thuế khu vực Phủ Quỳ I là cơ quan quản lý thuế đối với doanh nghiệp này cũng đánh giá "có rủi ro rất cao về thuế" tại Công ty TNHH Toàn Thắng.

Đáng nói, sát mỏ đá dolomit ở Lèn Chu, Công ty Toàn Thắng còn được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép khai thác đá xây dựng ở khu vực Lèn Một và núi Ba Không (Giấy phép số 5215/CP-UBND ngày 4/11/2013). Sản phẩm chính là đá xây dựng, khoáng sản đi kèm là đá chẻ, đá xẻ, với bề mặt không quá 0,4 m2.

c-1642336440.jpg
Mỏ Lèn Chu bên phải với lượng khai thác rất lớn và mỏ núi Ba Không bên trái gần như chưa được khai thác nhiều

Trước năm 2020, mặc dù mỏ Lèn Chu chưa được thuê đất, nhưng loại khoáng sản mà Công ty kê khai lại có đá dolomit, đá khối dolomit dùng để xẻ giống với loại khoáng sản tại giấy phép khai thác mỏ Lèn Chu. Tại sao kê khai bất thường như vậy?

Dù là doanh nghiệp khai khoáng có tiếng ở địa phương nhưng số liệu về sản lượng mà doanh nghiệp này kê khai với cơ quan chức năng khá bất ngờ: Năm 2017 là 2.758.84 m3, năm 2018 là 1.607.86 m3, năm 2019 là 1.692.20 m3 và năm 2020 là 597,49 m3.

Không lắp đặt thiết bị kiểm kê, giám sát đấu nối với cơ quan chức năng nên khó có số liệu chính xác để biết doanh nghiệp kê khai trung thực không trong khi bằng mắt thường cũng có thể thấy nhiều dấu hiệu bất thường, chưa thực hiện đúng quy định.

Được biết, trong văn bản số 32/CCT-Ktr ngày 15/3/2021 của Chi cục Thuế khu vực Phủ Quỳ I gửi báo cáo công tác quản lý thuế lên Cục Thuế tỉnh Nghệ An, cho biết: “Mặc dù Chi cục đã tham mưu cho UBND huyện Quỳ Hợp thành lập Đội chống thất thu thuế để kiểm tra, đối chiếu việc xuất hóa đơn khi vận chuyển tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn đi tiêu thụ… nhưng vẫn rất khó khăn trong việc xác định chính xác sản lượng tài nguyên khai thác thực tế. Hàng năm Chi cục Thuế khu vực Phủ Quỳ I đã tổng hợp sản lượng tài nguyên thực tế khai thác trong năm theo từng mỏ để chuyển cho Cục Thuế đề nghị cơ quan TN&MT đối chiếu sản lượng tài nguyên đã khai thác tại từng mỏ do đơn vị khai thác khai, nộp thuế với dữ liệu đã có tại cơ quan TN&MT, nhưng Chi cục không nhận được thông tin phản hồi từ cơ quan TN&MT nên Chi cục rất khó khăn trong việc xác định sản lượng tài nguyên khai thác thực tế để quản lý thuế. Qua tổng hợp số liệu sản lượng tài nguyên đã khai thác tại từng mỏ do Công ty TNHH Toàn Thắng khai, nộp thuế, Chi cục thấy rủi ro rất cao về thuế".

d-1642336479.jpg
Chi cục Thuế khu vực Phủ Quỳ I gửi báo cáo công tác quản lý thuế lên Cục Thuế tỉnh Nghệ An thấy: rủi ro rất cao về thuế

Thiết nghĩ, trước những biểu hiện bất thường trong hoạt động của Công ty Toàn Thắng, cơ quan chức năng cần kiểm tra thực tế, đo đạc các mỏ cấp phép cho Công ty  để làm rõ các vi phạm ( nếu có ) nhằm  chống thất thu thuế cũng như vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực liên quan như môi trường, xây dựng, đất đai./.