Riêng với bậc Trung học Phổ thông sau nhiều năm không xét thăng hạng, năm 2022, lần đầu tiên Nghệ An có chỉ tiêu hơn 1.500 giáo viên công lập được xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II. Quá trình triển khai, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn rất nhiều băn khoăn. 

nghe-an-260721-1653807389.jpg
Học sinh Trường THPT Đặng Thúc Hứa, tỉnh Nghệ An ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 (ảnh minh họa).

Sau khi có các văn bản hướng dẫn mới, ngày 10/1/2022, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 14/KH – UBND về tổ chức kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên Trung học Phổ thông công lập từ hạng III lên hạng II năm 2022. Mục đích chính nhằm tạo điều kiện cho giáo viên đang giữ chức danh nghề nghiệp ở hạng thấp được thăng hạng lên hạng cao hơn, phù hợp với chuyên môn được đào tạo, công việc đang đảm nhiệm và bảo đảm quyền lợi, lợi ích chính đáng của giáo viên, đồng thời đáp ứng yêu cầu vị trí, việc làm của đơn vị.

Trong đợt xét tuyển này tại Trường Trung học Phổ thông Nghi Lộc 2, huyện Nghi Lộc có 27 hồ sơ đủ điều kiện đăng ký xét thăng hạng. Qua chấm hồ sơ, có 18 hồ sơ được xét, người trẻ nhất sinh năm 1984 và người nhiều tuổi nhất ngoài 50 tuổi. Việc lập hồ sơ cho các giáo viên được nhà trường thực hiện theo đúng quy trình và các văn bản hướng dẫn, đồng thời công khai toàn bộ kết quả để giáo viên nắm bắt đầy đủ thông tin. Những người được xét thăng hạng trong đợt này đều rất vui mừng bởi đây là sự ghi nhận cho những nỗ lực cố gắng của họ sau nhiều năm cống hiến và cũng là động lực để tiếp tục cố gắng hơn nữa trong thời gian tới nhằm đạt mục tiêu thăng hạng lên hạng I.

Bên cạnh đó  có những giáo viên cảm thấy hụt hẫng khi chưa được xét thăng hạng đợt này. Cô giáo Nguyễn Thị Lan, người xếp thứ 19 theo kết quả chấm điểm là một trong số đó. Bản thân chị, không băn khoăn về điểm số nhưng chị cho rằng, một số chính sách về xét thăng hạng nghề nghiệp giáo viên chưa ưu tiên cho một số đối tượng đặc thù, nhất là những giáo viên đã ngoài 50 tuổi như chị. Là giáo viên có gần 30 năm cống hiến trong ngành, chị Lan từng đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, làm tổ trường, tổ phó chuyên môn. Tuy nhiên, từ năm 2016 vì lý do sức khỏe nên chị xin không đảm nhiệm các nhiệm vụ và chỉ đơn thuần làm giáo viên. “Hiện tại, tôi đã vượt khung lương 5% và chỉ còn vài năm công tác nên rất mong được xét thăng hạng đợt này để tăng bậc lương. Nhưng theo quy định và chấm điểm chỉ tính từ năm 2016 đến nay nên so với nhiều giáo viên trẻ, chúng tôi có thiệt thòi. Theo tôi, nếu trong hướng dẫn có ưu tiên xét thăng hạng cho những giáo viên lớn tuổi và có nhiều năm gắn bó, cống hiến với ngành thì sẽ phù hợp và công bằng hơn”, chị Lan bày tỏ.

Tương tự, trong số 20 hồ sơ đăng ký đợt này Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Cảnh Chân, huyện Thanh Chương có 16 hồ sơ được xét thăng hạng. Sau khi công bố kết quả, một số giáo viên bày tỏ băn khoăn, cho rằng cách chấm điểm chưa phù hợp, dẫn đến tình trạng những giáo viên có bề dày thành tích nhưng không được đánh giá cao nếu không tham gia các hoạt động như báo cáo viên, dạy minh họa… Thầy giáo Nguyễn Văn Thuận – Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Cảnh Chân cho biết, tất cả hồ sơ của giáo viên đăng ký xét thăng hạng đợt này đều đạt 100 điểm với nhóm tiêu chí về tiêu chuẩn đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và có các minh chứng về chiến sỹ thi đua cơ sở hoặc giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, có chức danh nghề nghiệp. Tuy nhiên phần minh chứng và chấm điểm về thực hiện nghiệp vụ (tối đa 7 điểm) thì có sự chênh lệch. Điều này có nhiều lý do khác nhau nhưng việc chấm điểm được căn cứ theo các minh chứng và các thang điểm cụ thể. Những giáo viên thắc mắc, nhà trường đã hướng dẫn để giáo viên làm đơn phúc khảo.

Đến nay, số giáo viên Trung học Phổ thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An được thăng hạng rất ít. Cụ thể, có 41 người được xếp hạng giáo viên hạng 1, số giáo viên hạng II chưa đến 10 người dù việc thăng hạng giáo viên đã được thực hiện từ năm 2012.

Việc chậm thăng hạng giáo viên với nhiều lý do khác nhau khiến nhiều giáo viên thấy mệt mỏi nên không đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp và không chú trọng tập hợp đầy đủ hồ sơ theo như quy định. Trên thực tế, trong năm 2022, sau khi công bố 1.521 chỉ tiêu giáo viên được thăng hạng thì chỉ có 1.767 hồ sơ của 90 trường Trung học Phổ thông và các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên trên địa bàn toàn tỉnh đăng ký. Có 2 đơn vị, không có giáo viên đăng ký bởi chưa có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đó là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên và Quỳ Châu. Qua gần 2 tháng chấm và xét duyệt hồ sơ, hiện danh sách 1.521 giáo viên được xét thăng hạng đợt này đã được gửi về các nhà trường và nếu hoàn thành các thủ tục theo quy định thì đây là đợt thăng hạng giáo viên lớn nhất của Nghệ An tính từ trước đến nay.

Ông Chu Văn Long – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, ngành Giáo dục Nghệ An là một trong những đơn vị sớm triển khai thực hiện việc xét thăng hạng cho giáo viên. Trước khi tỉnh ban hành kế hoạch Sở đã nhiều lần trình văn bản xin chỉ tiêu với số lượng trên 2.000 giáo viên (mục tiêu là 40% giáo viên được thăng hạng). Tuy nhiên, trong đợt đầu tỉnh chỉ mới phê duyệt 1.521, Sở sẽ tiếp tục đề nghị thêm chỉ tiêu cho các đợt tới.

Qua quá trình xét thăng hạng, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết đã làm đúng quy trình từ lập hồ sơ (vòng cơ sở) đến việc chấm điểm do Hội đồng xét thăng hạng của tỉnh. Tại thời điểm hiện tại, trong số hơn 200 trường hợp không được thông qua đợt này, Sở nhận được 11 đơn phúc khảo và sẽ tiến hành chấm phúc khảo trong thời gian tới.

Việc xét thăng hạng đợt này bên cạnh những mặt thuận lợi thì vẫn đang có những khó khăn cho Hội đồng xét thăng hạng cũng như cho giáo viên. Cụ thể, không thực hiện chấm chung toàn tỉnh mà chia chỉ tiêu về từng trường theo đúng vị trí việc làm, vì thế không tránh khỏi trường hợp có những giáo viên có điểm cao nhưng vẫn trượt (vì trường hết chỉ tiêu). Trong khi đó có những trường giáo viên không cần phải chấm (vì số hồ sơ bằng hoặc ít hơn chỉ tiêu như Trường Trung học Phổ thông Nam Yên Thành, Trung học Phổ thông Đặng Thai Mai, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Thanh Chương) hoặc có những giáo viên điểm thấp hơn giáo viên các trường khác nhưng vẫn trúng tuyển (ví dụ như Trường Trung học Phổ thông chuyên Phan Bội Châu dù có rất nhiều giáo viên điểm cao nhưng vẫn có gần 10 giáo viên không đủ điều kiện thăng hạng vì chỉ tiêu giao ít hơn số hồ sơ đăng ký).

Đây là lần đầu tiên việc xét thăng hạng được thực hiện theo Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT và theo quy định các minh chứng, điều kiện và hồ sơ của giáo viên chỉ được tính từ năm 2016 trở lại đây. Vì vậy, vô hình chung lại thuận lợi cho những giáo viên trẻ, chưa có nhiều năm cống hiến và thiệt thòi cho những giáo viên lớn tuổi. Thực tế, giáo viên sau khi đã đạt các danh hiệu và từ sau 45 tuổi thường lui về tập trung vào chuyên môn, nhường cơ hội cho những giáo vên trẻ, mới vào trường. Trong quá trình xét các điều kiện, vì thời gian dài, khối lượng công việc nhiều nên nếu giáo viên lơ là trong việc tập hợp các văn bản, giấy tờ liên quan đến việc điều động chuyên môn sẽ mất cơ hội được xét điểm. Hoặc nếu giáo viên chỉ tập trung chỉ một vài nhiệm vụ chuyên môn mà không tham gia nhiều hoạt động khác như làm báo cáo viên, chủ trì các lớp bồi dưỡng, tham gia các sản phẩm nghiên cứu khoa học, ban giám khảo các cuộc thi sẽ bị ảnh hưởng đến điểm số dù năng lực đã được ghi nhận.

Với những băn khoăn trên, nhiều giáo viên hy vọng việc xét thăng hạng trong thời gian tới sẽ được điều chỉnh hoặc có tính tới những đối tượng ưu tiên để đảm bảo quyền lợi cho tất cả các giáo viên. Các trường cũng cần có giải pháp để tạo điều kiện và phân việc cho những giáo viên lớn tuổi, có nhiều năm cống hiến để họ tiếp tục khẳng định mình đồng thời đảm bảo các điều kiện được thăng hạng theo đúng quy định./.