Là trung tâm vùng Bắc Trung Bộ nhưng tiến độ phát triển của Nghệ An chưa thật tương xứng với kỳ vọng...
 
Treo dự án, doanh nghiệp "găm" đất đầu cơ
 
Giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo thành lập nhiều đoàn liên ngành nhằm thanh, kiểm tra trên 100 dự án sử dụng đất trên địa bàn.
 
Được giao vai trò chủ trì, Sở Xây dựng trên cơ sở thực tế đã tham mưu nhằm tiến hành thu hồi, chấm dứt hoạt động và hủy bỏ các văn bản pháp lý liên quan tới 11 dự án nhà ở chậm tiến độ với tổng quy mô 510 ha.
 
Liên quan đến nội dung này, thành phố Vinh chiếm “ưu thế” tuyệt đối với 7 dự án, bao gồm Khu đô thị viễn thông và công nghệ thông tin tại phường Bến Thủy; cải tạo môi trường và xây dựng khu dịch vụ thương mại, nhà ở tổng hợp tại phường Cửa Nam; Khu nhà ở kết hợp trung tâm thương mại, nhà ở liền kề và biệt thự tại xã Nghi Phú và xã Nghi Đức; Khu dân cư tại xã Nghi Liên; Khu nhà ở tại xã Hưng Hòa; Tổ hợp chung cư, khu dịch vụ cộng đồng phụ trợ tại phường Hà Huy Tập; Dự án khu đô thị hỗn hợp sinh thái ven sông Lam tại xã Hưng Hòa.
 
Số còn lại tập trung tại thị xã Thái Hòa (2 dự án), riêng các huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, thị xã Cửa Lò, mỗi nơi có 1 dự án.
 
Qua tìm hiểu, một số dự án đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, bàn giao đất, giải phóng mặt bằng… tại các vị trí đắc địa của TP Vinh đến chục năm nay, dù vậy chủ đầu tư lại cố tình trì hoãn hết lần này lượt khác, hoặc có chăng chỉ triển khai lấy lệ. 
 
Hội đồng nhân dân các cấp cũng đã đưa vấn đề này ra mổ xẻ, chất vấn tại các kỳ họp. Dù vậy tình hình diễn ra rất ỳ ạch, nhìn chung tình trạng “găm đất”, “giữ đất” vẫn là bài toán nan giải.
 
 
Dù vậy số lượng công trình chậm tiến độ vẫn xuất hiện nhan nhản, điển hình là dự án Đảo chè Cầu Cau (ảnh) của Tập đoàn Cienco 4. Ảnh: Việt Khánh
 
Điều này được thể hiện rõ trong nội dung văn bản ra ngày 6/7/2020 của Sở Xây dựng Nghệ An: “Tiếp tục rà soát, đôn đốc các dự án khu đô thị, khu nhà ở đẩy nhanh tiến độ hoàn thành; chấm dứt hoạt động đối với các dự án không triển khai thực hiện hoặc triển khai thực hiện chậm tiến độ theo quy định pháp luật; hạn chế việc gia hạn, giãn tiến độ đối với các dự án chậm tiến độ, tránh tình trạng chủ đầu tư giữ đất”.
 
Cần biết, không phải đến lúc này UBND tỉnh Nghệ An mới trầy trật trong việc đối phó với các dự án “rùa bò”. Trên thực tế, từ 2012 đến 2017 địa phương này đã phải ban hành không ít quyết định về việc chấm dứt hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất và hủy bỏ các văn bản pháp lý có liên quan đến 129 dự án.
 
Ngập tràn đô thị biển
 
Sở hữu tiềm năng và lợi thế riêng biệt, việc kêu gọi các nhà đầu tư nhằm tạo động lực kích cầu toàn diện, qua đó biến thị xã Cửa Lò thành đô thị du lịch biển trong tương lai không xa là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Dù vậy nếu không sớm gỡ bỏ được các nút thắt vốn đeo bám dai dẳng, e rằng mọi con tính chỉ nằm trên giấy.
 
 
Trên địa bàn thị xã Cửa Lò tập trung không ít dự án... rùa bò. Ảnh: Việt Khánh.
 
Hiểu rõ tầm quan trọng của các dự án, chính quyền địa phương đã ra sức tạo điều kiện tối đa bằng cách cho phép gia hạn hoặc giãn tiến độ, tuy nhiên hàng loạt dự án tại đây vẫn chung điệp khúc: án binh bất động.
 
Qua kiểm tra, rà soát đối với các dự án được bàn giao, cho thuê đất trên địa bàn hiện có 8 dự án đã hết thời gian gia hạn. Điển hình phải kể đến Dự án Trung tâm chăm sóc người cao tuổi có quy mô xây dựng trên 5.200 m2, tổng mức đầu tư gần 111 tỷ đồng. Dự án được cấp phép năm 2011, về sau cho phép gia hạn thời gian hoàn thành đến 1/9/2019.
 
Kề đó là dự án Khu khách sạn nhà nghỉ của Công ty CP Du lịch Hà Nội với tổng kinh phí gần 78 tỷ đồng, được UBND tỉnh cấp phép đầu tư năm 2006, sau gần 15 năm mới hoàn thành được một số hạng mục. Lúc này chủ đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục nhằm xin điều chỉnh quy hoạch, đồng thời cho phép gia hạn thêm thời gian.
 
Tương tự là dự án Cảng cầu tàu và cảng cá của Công ty TNHH Hà Dung. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 94 tỷ đồng, diện tích quy hoạch cả 2 vị trí gần 30.000 m2. Dự án được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2009, đến nay vị trí 1 chưa thực hiện.
 
 
Những dự án kể trên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu biến Cừa Lò thành đô thị du lịch biển. Ảnh: Việt Khánh.
 
Danh mục dự án khó khả thi còn gọi tên Khu chung cư và biệt thự cao cấp kết hợp thương mại du lịch do công ty CP xây dựng số 3 Hà Nội làm chủ đầu tư với tổng diện tích xây dựng hơn 8.000 m2, hiện mới xây xong phần thô, riêng khu chung cư cao 17 tầng đang đắp chiếu. Tương tự là dự án Hội phát triển kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia, dự án Ngân hàng Công thương chi nhánh Cửa Lò; dự án Chung cư du lịch Lộc Châu…/.