Do người dân trồng mía thu hẹp diện tích, chuyển đổi sang các cây trồng khác nên các nhà máy sản xuất đường tại Nghệ An đang thiếu nguyên liệu trầm trọng.
Nghệ An là tỉnh có diện tích trồng mía khá lớn. Theo quy hoạch, vùng sản xuất mía nguyên liệu giai đoạn 2013 - 2020 là 28.957ha, triển khai trên địa bàn 14 huyện, thị, đáp ứng nguyên liệu cho 3 nhà máy sản xuất đường trên địa bàn hoạt động hết công suất. Thế nhưng, niên vụ 2021-2022, diện tích trồng mía đã giảm nhiều so với niên vụ trước.
Ông Nguyễn Công Trung- Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ - cho biết, niên vụ 2021-2022, diện tích tích trồng mía tiếp tục giảm, chỉ còn 3.100 ha. Còn theo nhiều người trồng mía ở huyện Tân Kỳ, giá mía không ổn định; chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển đều tăng... là nguyên nhân khiến nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác. Tương tự, ở huyện Anh Sơn, niên vụ 2021-2022 huyện quy hoạch 1.200 ha mía nhưng chỉ đạt gần 950 ha. Trong khi cây sắn quy hoạch 900 ha nông dân lại trồng lên hơn 1.100 ha… Việc hàng nghìn ha mía bị chuyển đổi sang cây trồng khác đồng nghĩa với việc quy hoạch vùng nguyên liệu đang bị phá vỡ.
Về phía doanh nghiệp, ông Ngô Vân Tú - Tổng giám đốc Công ty TNHH Mía đường Nghệ An - NaSu lo lắng: Sau hơn 3 năm, diện tích vùng nguyên liệu của công ty đã giảm từ 16.500ha xuống còn 11.000 ha. Công ty mong muốn tỉnh có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kiểm soát quy hoạch.
Theo nhiều chuyên gia, điều quan trọng nhất là Nghệ An phải quy hoạch lại vùng nguyên liệu; tính toán cụ thể với các nhà máy đường trên địa bàn về nguồn nguyên liệu. Bên cạnh đó, sớm có quy hoạch theo hướng nâng cao giá trị cây mía, đáp ứng đủ nguyên liệu cho sản xuất đường; cơ cấu lại những nhà máy nhỏ theo hướng xóa bỏ hay sáp nhập vào các nhà máy lớn hơn.
Tại Nghệ An, diện tích trồng mía giảm nhanh, trong khi các doanh nghiệp chế biến đường lại không có vùng nguyên liệu ổn định, nên nguy cơ thiếu mía trong niên vụ 2020-2021 là điều khó tránh khỏi.