Ăn xin là… vấn đề nan giải
Sáng sớm, bên ngã tư đường, một người phụ nữ trung niên cụt cả hai tay ngồi đỡ chiếc nón lá. Mỗi khi các phương tiện giao thông dừng đèn đỏ, chị lại đứng dậy ra xin tiền người đi đường. Cách đó không xa, ở các ngã tư khác, nhiều người xin ăn cũng có mặt với nhiều tư thế, có người còn ngồi bệt ngay dưới lòng đường. Không chỉ ở các ngã ba, ngã tư, ăn xin còn “tràn” vào những quán cà phê, quán nhậu trên địa bàn thành phố.
“Ngồi uống ly cà phê mà có đến 3-4 người đến xin. Có người tàn tật, nhưng cũng có người thấy còn khỏe mạnh. Nhìn chung là rất khó chịu” - anh Tình - trú xã Nghi Ân, TP Vinh - nói.
Ông Nguyễn Ngọc Dương - Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP Vinh, người vừa được giao nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ Xử lý tình trạng người ăn xin trên địa bàn - cho rằng, đây là một vấn đề nan giải. Vì đặc thù của đối tượng nên các biện pháp cũng phải phù hợp, nhân văn, không thể xử phạt hành chính họ. Cách xử lý sẽ là: khi phát hiện có người ăn xin, tổ sẽ đến hiện trường kiểm tra.
Khu vực thuộc phường nào thì sẽ mời lực lượng chức năng của phường đó phối hợp, xác minh nhân thân từng người. Trường hợp xác định được nơi cư trú, người thân của người ăn xin thì phường có trách nhiệm điều xe chở về bàn giao cho gia đình và chính quyền địa phương quản lý. Trường hợp không xác định được nơi cư trú hoặc xác định được nhưng không còn người có nghĩa vụ chăm sóc, thì sẽ lập hồ sơ đưa vào các cơ sở trợ giúp xã hội.
Quy trình là vậy, song nhiều người sau khi được bàn giao cho gia đình lại quay trở lại. “Phần lớn những đối tượng này hết sức khó khăn, khuyết tật và đôi khi cũng được xem là gánh nặng cho người thân, gia đình, nên người thân, gia đình cũng đồng tình để họ đi lang thang, xin ăn. Nhiều khi họ bảo đi làm ăn, nhưng thực tế là đi ăn xin. Hơn nữa người ăn xin trên địa bàn TP Vinh đều đến từ các địa phương khác nên chúng tôi cũng không thể chỉ đạo chính quyền sở tại được” - ông Dương nói.
Ông Thái Thanh Hà - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP Vinh - cho biết thêm: phần lớn người ăn xin sau khi được bàn giao về địa phương đều cam kết không đi ăn xin nữa, nhưng chỉ vài hôm sau họ lại có mặt đi xin ăn ở TP Vinh. Xóa điểm này, họ đến điểm khác, tràn vào các quán cà phê, nhà hàng. Đưa vào các cơ sở trợ giúp xã hội một thời gian rồi cũng bỏ ra ngoài, tiếp tục đi ăn xin.
“Nhiều người xem ăn xin là nghề. Họ muốn đi kiếm tiền chứ không muốn ở một chỗ như bị nhốt, nên đã tìm cách ra ngoài. Ngoài tăng cường kiểm tra, chúng tôi cũng đề nghị các địa phương tuyên truyền cho người dân không nên cho tiền người ăn xin. Chỉ khi người dân không còn cho tiền thì người ăn xin mới thôi ra đường xin tiền” - ông Hà nói.
Nhà cộng đồng tiền tỉ bỏ hoang
Năm 2011, để giải quyết tình trạng người ăn xin, lang thang cơ nhỡ trên địa bàn, UBND TP Vinh đã xây dựng ngôi nhà cộng đồng để đưa những người lang thang, ăn xin vào đây. Một năm sau khởi công, ngôi nhà có kinh phí đầu tư xây dựng 2,5 tỉ đồng đã hoàn thiện với 6 phòng khép kín, thiết kế nội thất đầy đủ, nằm trong khuôn viên Trung tâm Cai nghiện TP Vinh.
Nhưng không lâu sau, ngôi nhà phải đóng cửa vì không đưa được đối tượng nào vào đây. Tiếp đó, nhà được bàn giao cho trung tâm cai nghiện sử dụng làm nơi dạy nghề cho các học viên (vì nằm cạnh bên dãy nhà sản xuất, đào tạo nghề của trung tâm cai nghiện). Nhưng do công trình xây dựng không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, nên trung tâm cai nghiện đã trả lại cho UBND thành phố. Sau nhiều năm bỏ không, nay ngôi nhà bắt đầu xuống cấp, hư hỏng.
Ông Hồ Sỹ Dũng - Giám đốc Trung tâm Cai nghiện ma túy tự nguyện TP Vinh - cho rằng: “Nếu đưa người ăn xin, lang thang vào đây thì sẽ rất phức tạp, bởi chúng tôi không có nghiệp vụ, cơ sở vật chất cũng không đảm bảo. Những đối tượng này cũng không thể ép nhốt họ trong khuôn viên”.
Về vấn đề này, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP Vinh Thái Thanh Hà thừa nhận: việc đưa người ăn xin vào nhà cộng đồng là rất khó bởi đặc thù quản lý đối tượng tệ nạn xã hội và đối tượng bảo trợ rất khác nhau. “Nếu đưa người ăn xin vào đây và giao cho trung tâm cai nghiện thì không đúng với chức năng nhiệm vụ của họ, trong khi thành phố lại không có biên chế, kinh phí để quản lý các đối tượng này” - ông Hà nói.
Như vậy, việc xây nhà cộng đồng dành cho đối tượng ăn xin nói trên là vì mục đích tốt nhưng lại không phù hợp và gây lãng phí.
Theo Phan Ngọc - phunuonline.com.vn