Hơn 24 tỷ đồng trong món nợ mà Công ty CP Hóa chất Vinh đang vay của Ngân hàng Agribank chi nhánh Tây Nghệ An đã chuyển sang “nhóm 5” – Nhóm nợ có khả năng mất vốn kể từ đầu tháng 3/2021. Hiện, Công ty CP Hóa chất Vinh đã tạm ngưng mọi hoạt động sản xuất tại nhà máy và khả năng trả nợ đã không còn. Giá trị thực các tài sản thế chấp của món nợ trên là một dấu hỏi lớn nên khả năng mất vốn nhà nước trong “phi vụ” nêu trên đang dần hiện hữu…
Theo tìm hiểu của PV, Công ty CP Hóa chất Vinh có địa chỉ tại xóm 2, xã Kỳ Sơn (huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An), ông Nguyễn Hồng Sơn là Tổng giám đốc của Công ty này. Ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động sản xuất hóa chất và phân bón.
Theo hợp đồng cấp tín dụng 3611-LAV-201801391 ngày 20/6/2018 thì số dư nợ cho vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Nghệ An (sau đây gọi là Agribank Tây Nghệ An) đối với Công ty CP Hóa chất Vinh là hơn 24 tỷ đồng. Được biết, mục đích vay khoản tiền trên khi đó được cho là để thanh toán tiền mua nguyên liệu sản xuất kinh doanh phân bón; toàn bộ khoản nợ nêu trên đều là nợ ngắn hạn.
Điều tra của PV được biết, trong những năm qua hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty CP Hóa chất Vinh rất bết bát, không hiệu quả và nhà máy sản xuất phân bón của đơn vị này tại xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ đã tạm ngừng hoạt động từ lâu.
Ghi nhận của PV là nhà máy hiện đang cửa đóng then cài, các nhà xưởng, máy móc nằm im lìm, xuống cấp trong khuôn viên hoang lạnh. Ngoài cổng nhà máy có căng chiếc bạt vải với dòng chữ “cơ sở cách ly không phận sự miễn vào”, điều đó chứng tỏ trụ sở của Công ty CP Hóa chất Vinh không còn hoạt động và được trưng dụng để làm cơ sở cách ly Covid-19 khi dịch bệnh này bùng phát từ đầu năm 2020.
Trở lại với món nợ “kếch xù” hiện đã bị chuyển sang “nhóm 5” – Nhóm nợ có khả năng mất vốn kể từ đầu tháng 3/2021, hiện món nợ này đang ở mức lên tới 24.242.298.000 đồng.
Điều tra riêng của PV cho thấy, các loại tài sản thế chấp mà trước đây Công ty CP Hóa chất Vinh dùng để có được khoản vay nêu trên gồm: 11.421.295.920 đồng là bất động sản nhà máy tại xóm 2, xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ; 3.337.372.500 đồng là bất động sản quyền sử dụng đất tại xóm 3, xã Nghi Phú, TP Vinh (Giấy CNQSDĐ) và 2.500.000.000 đồng là động sản gồm máy móc thiết bị, hàng hóa, kim loại quý. Tức tổng giá trị tài sản thế chấp của Công ty CP Hóa chất Vinh tại Agribank Tây Nghệ An theo giấy tờ là 17.258.668.420 đồng.
Được biết, trước việc chây ỳ không chịu trả nợ của Công ty CP Hóa chất Vinh, vào tháng 8 năm 2020, đại diện Ngân hàng Agribak chi nhánh Tây Nghệ An đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Hồng Sơn – Tổng giám đốc Công ty CP Hóa chất Vinh. Theo đó, toàn bộ khoản vay của đơn vị này đã chuyển nợ xấu kể từ ngày 05/6/2020. Trong thời gian trước đó, Agribank chi nhánh Tây Nghệ An đã nhiều lần làm việc với Công ty CP Hóa chất Vinh để yêu cầu khách hàng thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Bản thân Công ty CP Hóa chất Vinh cũng đã nhiều lần làm cam kết trả nợ cho Agribank chi nhánh Tây Nghệ An. Đến ngày 08/7/2020, hai bên đã có biên bản làm việc và đến ngày 15/8/2020 Công ty CP Hóa chất Vinh không thanh toán được số tiền quá hạn (gốc và lãi) thì yêu cầu khách hàng bàn giao toàn bộ tài sản thế chấp để Agribank phát mại theo quy định.
Sau buổi làm việc nêu trên, hai bên thống nhất nhà xưởng và dây chuyền sản xuất phía Công ty CP Hóa chất Vinh tự quản lý đến ngày 25/9/2020, sau đó sẽ bàn giao lại cho Agribank quản lý. Riêng quyền sử dụng đất và nhà ở Công ty CP Hóa chất Vinh tự quản lý sẽ bàn giao cho Agribank Tây Nghệ An quản lý chậm nhất là ngày 30/12/2020.
Liên quan đến trụ sở và cũng là nhà máy sản xuất phân bón của Công ty CP Hóa chất Vinh tại xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ, một người dân ở cách đó không xa cho hay, công ty này đã ngưng hoạt động từ lâu, chỉ thấy có người bảo vệ là thường xuyên có mặt chứ hệ thống máy móc, thiết bị và các hoạt động khác thì lâu rồi không thấy động tĩnh gì?
Cững cần phải nói thêm rằng, khối tài sản thế chấp mà Công ty CP Hóa chất Vinh đem ra để thế chấp vay số tiền hàng chục tỷ đồng từ Agribank Tây Nghệ An đến nay giá trị đang bị đặt câu hỏi. Theo những người am hiểu về “phi vụ” nêu trên thì hiện nay phía Agriank chỉ có thể thu hồi tài sản là miếng đất tại xóm 2, xã Nghi Phú, TP Vinh với giá trị vẻn vẹn khoảng trên dưới 3 tỷ đồng. Còn lại các tài sản thế chấp như nhà xưởng, máy móc thiết bị và trụ sở… tại xóm 2, xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ thì đã xuống cấp, hoen gỉ, chẳng khác nào “đống sắt vụn” nên khả năng đem bán phát mại để “vớt vát” lại ít nhiều khoản nợ là không đáng kể.
Một trong những hóa đơn trị giá hàng chục tỷ đồng mà Công ty CP hóa chất Vinh dùng để làm cơ sở vay tiền từ Agribank Tây Nghệ An
Dư luận đang hoài nghi rằng, vào giữa năm 2018, khi tình hình sản xuất kinh doanh cũng như giá trị các tài sản thế chấp của Công ty CP Hóa chất Vinh không còn “cửa sáng” nhưng không hiểu vì sao cán bộ tín dụng, cán bộ thẩm định hồ sơ và lãnh đạo Ngân hàng Agribank chi nhánh Tây Nghệ An vẫn có thể dễ dàng cho đơn vị nêu trên vay hàng chục tỷ đồng?
Phải chăng đằng sau “phi vụ” nêu trên có gì khuất tất trong thẩm định năng lực tài chính chủ thể vay, định giá tài sản đảm bảo cũng như các hóa đơn, chứng từ, hợp đồng liên quan mà bên khách hàng cung cấp cho phía ngân hàng trong khoản vay trên?
Đặc biệt, trách nhiệm của những cán bộ Ngân hàng Agribank chi nhánh Tây Nghệ An liên quan trong vụ việc này như cán bộ tín dụng, cán bộ thẩm định, cán bộ kiểm soát cũng như lãnh đạo phê duyệt khoản vay nói trên như thế nào?