Giếng cạn khô, người dân “kêu cứu” vì lo “chết khát”, trong khi đó cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được nguyên nhân.
Thời gian qua hàng trăm hộ dân ở xã Châu Hồng, huyện Qùy Hợp, Nghệ An rơi vào tình cảnh khốn khổ vì những chiếc giếng đào cạn khô.
Trong nhiều tháng qua, hàng trăm hộ dân tại xã Châu Hồng, huyện Qùy Hợp, Nghệ An rơi vào tình cảnh khốn khổ lo “chết khát” vì nguồn nước ngầm cạn kiệt bất thường. Những chiếc giếng đào, nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính của người dân cạn trơ đáy, mặc dù đã đào giếng sâu thêm nhưng vẫn không tìm được nước khiến người dân lo ngại.
Đặc biệt gần đây xảy ra hiện tượng sụt lún bất thường khiến người dân bất an. Người dân nghi ngờ có thể do đơn vị khai thác quặng gần đó đã hút cạn nguồn nước ngầm để phục vụ cho quá trình sản xuất mới xảy ra tình trạng trên.
Theo người dân tại bảng Công và bản Na Hiêng tình trạng “tồi tệ” nhất bắt đầu từ tháng 1/2021, mực nước trong các giếng đào bắt đầu cạn dần rồi trơ đáy. Để có nước sử dụng, người dân đã phải chung nhau tiền, mua ống nhựa kéo nước từ các khe núi về tận gia đình để sử dụng.
Những chiếc giếng vốn đầy ắp nước nhưng giờ dù đào sâu hơn 10m vẫn không tìm được nước.
Ông Vi Văn Thành (56 tuổi) trú tại bản Công cho biết, nhiều tháng nay nguồn nước ngầm của gia đình bị cạn khô. Ngày xưa, giếng chỉ đào 8m là có nước, nay đào sâu tận 14 m nhưng vẫn không có. Hàng năm dù có hạn hán, nhưng cũng tầm ít ngày là có nước, nhưng năm nay nguồn nước ngầm cạn kiệt một cách bất thường trong thời gian kéo dài.
“Trước kia, giếng đào của dân chúng tôi chỉ đào sâu từ 8-10 m là có nước (với mực nước từ 4-6 m) nhưng nay đào sâu hơn thế vẫn không có nước để dùng”- ông Thành chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ là gia đình ông Nguyễn Văn Liên (67 tuổi), giếng đào của gia đình không có nước để sử dụng, bởi nguồn nước ngầm bị cạn sạch, trơ lại bùn. Khi được hỏi, vì sao lại có hiện tượng trên, ông Liên cho rằng do các công ty khai thác quặng thiếc, quá trình vận hành, khai thác hút hết nguồn nước ngầm dẫn đến tình.
Đặc biệt thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng sụt lún bất thường khiến người dân vô cùng lo lắng.
Có mặt tại gia đình ông Lương Văn Neo (70 tuổi, trú tại bản Công) vào sáng ngày 24/2, chúng tôi bắt gặp cảnh con, cháu ông đang chung sức giúp ông “hạ giếng” để tìm nước. Cái giếng đào lâu nay vốn đầy ắp nước ngày nào mà ông dùng mấy chục năm nay trở nên vô tác dụng.
Dù đã sâu hơn 10 m nhưng vẫn chưa thấy giọt nước nào, phía dưới anh Lương Văn Cường (con trai ông Neo) đang hì hục đào bới, múc từng gàu đất đưa lên. Dường như anh dần tuyệt vọng vì dù có đào thêm nữa cũng chẳng có hi vọng.
Tại bản Công và bản Na Hiêng, hai bản chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, có khoảng gần 100 hộ gia đình bị mất nước hoàn toàn, giếng đã trơ đáy, còn những hộ gia đình khác nước cũng hạ nhưng chưa đến mức trơ đáy, họ phải dùng một cách tiết kiệm.
Mặc dù đã đào rất sâu nhưng vẫn không có nước.
Ông Lê Văn Bảy - Trưởng bản Na Hiêng, xã Châu Hồng cho biết, toàn bản có 140 hộ thì có đến 40 hộ nguồn nước ngầm cạn hoàn toàn, số hộ còn lại có ảnh hưởng một phần. Chính gia đình trưởng bản cũng đang “chết khát”, ông phải cùng 4 gia đình nữa chung tiền để kéo nước từ khe suối về sử dụng.
Một hiện tượng bất thường khiến người dân lo sợ là tình trạng sụt lún bất thường xảy ra xung quanh khu vực bản Công và bản Na Hiêng. Để đảm bảo an toàn địa phương đã cắm những biển cấm để hạn chế người dân qua lại.
Người dân bất an trước hiện trạng sụt lún diễn ra bất thường.
Phía dưới chân ngọn núi nằm tại bản Công, có một biển cấm: “Khu vực sụt lún, nguy hiểm cấm vào”. Xung quanh điểm sụn lút này, chính quyền địa phương phải rào lại bằng tre nứa, xung quanh là những vết nứt, để lộ điểm sụt lún rộng chừng 80-100 m2. Cách đó không xa là điểm sụt lún tại bản Na Hiêng, nguyên mảnh ruộng chừng 500 m2 đã phải rào kín, xung quanh có 2 biển cấm vào vì sụt lún.
Bà Vi Thị Sinh (73 tuổi, trú tại bản Na Hiêng) cho biết: “Những nơi này đã sụt lún hơn 1 tháng rồi, sâu lắm. Dân chúng tôi lo lắm, từ trước đến giờ chưa xuất hiện hiện tượng này, nhưng thời gian gần đây vừa sụt lún vừa mất nguồn nước ngầm nên ai cũng lo. Người dân chúng tôi mong cơ quan tìm ra nguyên nhân để yên tâm sinh sống”.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, cơ quan chức năng đã vào cuộc, tuy nhiên hiện vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân.
Trước thực trạng trên, UBND xã Châu Hồng cũng đã báo cáo lên UBND huyện Qùy Hợp. Mới đây UBND huyện Qùy Hợp cùng các phòng ban chuyên môn đã kiểm tra hiện trạng và đang làm báo cáo gửi cấp trên. Theo lãnh đạo huyện Qùy Hợp, liên quan đến nội dung người dân phản ánh thì huyện không đủ chuyên môn để thẩm định, kết luận./.