Bản thân bị nhiễm chất độc da cam, ông sinh được 8 người con thì 5 người con đã bỏ ông đi vì bệnh tật, 3 người con còn lại không được bình thường, từ đó ông ôm nỗi đau mang tên "di chứng chiến tranh".
 
Một thời vào sinh ra tử của người cựu binh vùng lúa xứ Nghệ
 
Những ngày cuối năm 2020, tiết trời se lạnh, chúng tôi men theo con đường nhỏ tìm đến nhà cựu chiến binh Trần Văn Kim (SN 1952, trú tại thôn Nam Thượng, xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An). Gia đình ông Kim cũng như hàng ngàn người dân khác tại huyện Yên Thành cũng trồng lúa để mưu sinh. Và Yên Thành cũng được người ta ví là vựa lúa của tỉnh Nghệ An hiện nay.
 
Đập vào mắt là căn nhà nhỏ cấp 4 xập xệ, rêu mốc qua thời gian nằm khuất trong ngõ hẻm, trong nhà không có gì đáng giá ngoài chiếc giường cũ kỹ, bộ bàn ghế xiêu vẹo. Ấn tượng ban đầu là người đàn ông có đôi chân đi khập khiễng, gầy gò, ốm yếu, tóc đã bạc hơn phân nửa.
 
Năm 1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên vừa tròn 19 tuổi cùng các thanh niên trong làng lên đường nhập ngũ ở chiến trường Lào. Sau đó ông được chuyển về hoạt động ở chiến trường Quảng Trị. Mãi đến năm 1981 ông Kim phục viên trở về địa phương.
 
Ông trở về quê lập nghiệp và kết duyên với bà Nguyễn Thị Hoa (SN 1959) và sinh được 8 người con. Tưởng rằng được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc, nhưng cô con gái út Trần Thị Lương (SN 1992) không được bình thường như anh chị mà bị dị tật, thiểu năng trí tuệ, lên 7 tuổi mới chập chững tập đi.
 
Giọng ông như nghẹn lại bảo: Đáng ra tôi có 8 người con nhưng do chất độc da cam nên vợ chồng tôi chỉ giữ được 3 đứa, 2 đứa lành lặn nhưng đầu óc cũng không nhanh nhẹn, còn đứa thứ 3 bị bệnh nặng.
 

 
Ông Trần Văn Kim và đứa con Trần Thị Lương bị di chứng chất độc da cam.
 
Thương con ông bà vay mượn tiền chạy chữa, nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Ông bà cũng đành "buông xuôi" nhìn Lương lớn lên từng ngày trong cơn giày xéo mang tên "nỗi đau chất độc da cam".
 
Chỉ tay lên vết thương trên đầu, ông Trần Văn Kim tâm sự: "Những ngày tháng chiến đấu gian khổ, trên cơ thể tôi có nhiều vết thương do hậu quả chiến tranh để lại, trong đó có mảnh bom văng vào đầu nhưng may mắn thoát chết.
 
So với rất nhiều đồng đội đã nằm xuống thì tôi rất may mắn, nhưng do những thương tích chiến tranh để lại khiến tôi không có đủ sức khỏe để làm những công việc nặng, thường xuyên đau nhức khi trái gió trở trời".
 
 
Ở vào cái tuổi xế chiều, nhưng ông Kim vẫn cố gắng làm lụng các việc trong nhà để cải thiện cuộc sống.
 
"Cơn bão năm 1989 đã làm tốc mái nhà, hư hỏng nhà cửa của gia đình. Tất cả giấy tờ chứng nhận thương tật cũng như các giấy tờ liên quan tới quá trình tham gia kháng chiến của tôi đều mất. Đến nay tôi chưa nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào của nhà nước vì các lý do trên", ông Kim buồn rầu nói.
 
Nỗi đau triền miên của di chứng chiến tranh hành hạ gia đình người cựu binh
 
Nhìn cô gái 30 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, trí não không thể phát triển, lưỡi líu lại muốn nói nhưng chỉ phát ra âm thanh ú ớ, những cơn đau quằn quại mỗi lúc trái gió trở trời khiến mọi người không khỏi xót xa.
 

 
Bà Nguyễn Thị Hoa bị tai biến nặng được điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An. Những ngày qua, cô con gái đầu đang chăm mẹ ở bệnh viện.
 
Hướng về đứa con gái đang ngồi thẫn thờ, đôi mắt ông Kim bỗng ngầu đỏ, nước mắt chực lăn dài trên gò má, nói những câu ngắt quãng: "Năm nay nó đã 30 tuổi nhưng vẫn giống một đứa trẻ không biết làm những công việc nhỏ nhặt nhất như đánh răng, rửa mặt, nấu ăn, quét nhà... , thậm chí đến việc ăn uống, tắm giặt cũng cần phải nhờ người thân giúp đỡ.
 
Lương không thể hoạt động bình thường như bao người khác. Cái tuổi đáng lẽ ra người con gái được trải nghiệm vị ngọt, vị đắng của tình yêu và xây dựng một gia đình nhỏ thì với con gái tôi đó là một điều không thể nghĩ tới. Rồi đến lúc bố mẹ mất (chết) thì nó sẽ ra sao đây".
 
 
Bà Hoa do bị tai biến nặng nên bệnh tình diễn biến ngày càng nặng thêm và nếu không được chữa trị kịp thời.
 
30 năm nuôi con bệnh tật cũng là chừng ấy thời gian vợ chồng ông Kim nén những vất vả cực nhọc, nén nỗi đau vào trong. Cuộc sống gia đình chỉ dựa vào mấy sào ruộng, nay sức khỏe của ông Kim ngày càng giảm sút do di chứng chiến tranh để lại và thêm bệnh nhồi máu cơ tim, ông chỉ làm được mấy công việc cá nhân, quẩn quanh trong nhà với cô con gái.
 
Giờ đây, ở cái tuổi gần đất xa trời, ông Kim chỉ mong muốn sống thật lâu để chăm bẵm người con tật nguyền của mình. Thế nhưng, khó khăn lại chồng chất khó khăn, khi cách đây gần 1 tháng vợ ông bị tai biến nên phải đa vào Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An điều trị.
 
Bà Nguyễn Thị Hoa được các bác sĩ chẩn đoán chết não cần phẫu thuật gấp, chi phí chữa trị rất cao. Để có tiền chữa trị cho vợ, ông phải vay mượn anh em, bạn bè, hàng xóm hơn 80 triệu đồng. Đến nay số tiền cũng đã dần cạn kiệt không biết bấu víu vào đâu được nữa.
 

 
Bị di chứng chất độc da cam khiến chị Trần Thị Lương tuy đã gần 30 tuổi nhưng trí tuệ vẫn như trẻ lên 3.
 

 
Bà Hoa bị tai biến nặng vẫn đang phải nằm điều trị dài ngày, nhưng không biết tình cảnh gia đình như hiện nay, liệu bà có nằm lại bệnh viện được dài ngày không, đang phụ thuộc vào kinh tế.
 
Chia sẻ về gia đình ông Kim, ông Võ Công Miên - Trưởng thôn Nam Thượng, cho biết: "Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng vợ chồng ông Kim, bà Hoa vui vẻ, hòa đồng, luôn giúp đỡ mọi người trong khả năng của mình nên được bà con trong thôn Nam Thượng quý mến.
 
Ông Trần Văn Kim vốn là cựu chiến binh nhưng do mất giấy tờ nên không được hưởng chế độ của nhà nước. Khi từ chiến trường trở về vì sức khỏe yếu nên ông Kim cũng chỉ làm được những công việc nhẹ nhàng trong gia đình.
 
Năm 2017, ông Kim lên cơn nhồi máu cơ tim, phải nhập viện và mổ với chi phí hơn 60 triệu. Gần đây vợ ông Kim là bà Hoa cũng được chẩn đoán chết não phải mất chi phí rất cao mới có thể chữa trị được".
 

 
Tài sản trong gia đình ông Trần Văn Kim và bà Nguyễn Thị Hoa không có gì đáng giá.   
 

 
Ngoài những chiếc giường cũ kỹ, còn một mớ hỗn độn xoong nồi, cái chỗ để đồ cũng xiêu vẹo...
 
Biết hoàn cảnh ông Kim gặp khó khăn, người dân thôn Nam Thượng đã kêu gọi được gần 30 triệu đồng và ủng hộ gia đình tạm thời vượt qua khó khăn ban đầu.
 
Ông Nguyễn Hồng Chính, Chủ tịch UBND xã Hậu Thành, xác nhận: "Ông Trần Văn Kim là một cựu chiến binh, gia đình ông thuộc diện hộ cận nghèo, nguồn thu nhập bấp bênh, lại phải chăm lo cho vợ bị tai biến, con gái bị nhiễm chất độc da cam. Hiện nay hoàn cảnh gia đình ông Kim hết sức éo le. Tôi mong rằng cộng đồng, các nhà từ thiện, các nhà hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ gia đình ông Kim vượt qua khó khăn này".                                                               
 
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Ông Trần Văn Kim
 
Địa chỉ: Xóm Nam Thượng, xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. ĐT: 0339.685.910 (cháu Hoài con gái ông Kim).