Thấy quán cơm phục vụ cho bệnh nhân và người nghèo được mở ra, chị Hiền đã lập tức đến xin được phục vụ mặc cho nỗi đau ung thư đang hành hạ.
Nữ phục vụ không lương
Sau đợt điều trị hóa chất do ung thư vú, cơ thể của chị Nguyễn Thị Hiền (36 tuổi), trú tại thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An lại thêm nặng nề, mệt mỏi. Nhưng xem lịch thấy hôm nay quán cơm 2.000 đồng dành cho bệnh nhân và người nghèo sẽ được mở cửa, chị cố gắng đội mũ che đi đầu trọc do đã gọt hết tóc để ra phục vụ.
Khi thấy chị bê đĩa cơm đầy đủ rau thịt ra cho khách, một nam bệnh nhân hỏi đùa: “Em ơi, em đã có người yêu chưa?”. Nghe vậy, chị cởi bỏ chiếc mũ len để lộ cái đầu bóng loãng, khuôn mặt rạng rỡ nói: “Em làm gì đã có người yêu, chồng với 3 con đang chờ em hết bệnh ở nhà kìa”. Cả quán ăn ồ lên cười vui vẻ, phút chốc xóa đi nỗi đau đớn của bệnh tật và những vất vả, khó khăn của cuộc sống hằng ngày.
Chị Hiền phục vụ trong quán cơm 2.000 đồng.
Chị tâm sự: “Quán ăn này đều là những người khốn khó. Vì vậy, dù mệt mỏi đến mấy tôi cũng vẫn luôn cười đùa. Tôi muốn mọi người đến đây không những được ăn các món ngon, mà còn thêm niềm vui, sự lạc quan để tiếp tục chống chọi với bệnh tật”.
Nói được như vậy, thế nhưng ít ai biết rằng cách đây chỉ 8 tháng trước chị đã sụp đổ khi biết mình mắc căn bệnh ung thư vú quái ác. “Tôi nghĩ vậy là hết, các con của tôi còn quá nhỏ. Lúc đó, tôi chỉ còn biết khóc, trong đầu chẳng còn nghĩ thêm được gì nữa…”, chị nhớ lại.
Thời điểm đấy, người phụ nữ 36 tuổi không ít lần định buông xuôi tất cả. Nhưng khi nhìn ánh mắt ngây thơ của con, chị lại phải xóa bỏ ý định kia ra khỏi đầu và chấp nhận điều trị.
Hoàn cảnh gia đình vốn đã khó khăn, vợ chồng chỉ là lao động chân tay. Thế mà giờ đây mỗi ngày điều trị của chị đã ngốn cả triệu đồng. Chỉ trong thời gian ngắn, toàn bộ tài sản đã lần lượt ra đi. Vì vậy, chị phải chắt bóp tất cả các khoản chi tiêu, ăn uống để nhường tiền trả viện phí.
“Ăn uống tốn kém nên tôi phải nói chồng con tranh thủ mang cơm ở nhà vào cho để đỡ thêm một khoản. Khi biết tin có quán cơm 2.000 đồng phục vụ bệnh nhân ở gần bệnh viện thì tôi liền đăng ký ngay. Sau bữa ăn đầu tiên ngày khai trương, thấy mọi người đến nhiều mà phục vụ thì ít, nên tôi đến gặp chủ quán xin được làm không lương”, chị Hiền cho hay.
Nụ cười rạng rỡ của chị khi được phục vụ mọi người.
“Lá rách thương lá tả tơi”
Càng về trưa, dòng người đổ xô về ăn cơm mỗi lúc một đông, nhưng tất cả đều bình tĩnh xếp hàng dài chờ đến lượt. Ở trong quán, đôi tay của nữ phục vụ Nguyễn Thị Hiền cũng thoăn thoắt lấy cơm, lấy canh. Là lao động chân tay nên công việc này đối với chị không hề khó khăn, nhưng căn bệnh quái ác đã lấy đi chút sức còn lại, vì vậy cứ mỗi lúc chạy đi chạy lại thì chị phải dừng nghỉ.
“Hơi mệt một chút nhưng vui. Điều quan trọng là tôi thấy mình còn là người có ích. Ở đây, tôi thấy mình đã khổ nhưng còn nhiều người còn khốn khó gấp 2 lần. Mọi người cùng nhau chung tay giúp đỡ để bớt khổ hơn thôi”, chị cười.
Mùa đông đến, nụ cười tỏa nắng của chị giữa quán cơm khiến ai cũng ấm lòng đến lạ lùng. Người phụ nữ nhỏ nhắn kia sao mà nghị lực lạ thường. Thế nhưng chị lắc đầu nói, cuộc đời mình vốn khổ, phải tự tìm niềm hạnh phúc để mà tiếp tục sống, để tiếp tục cố gắng. Hơn 8 tháng qua, chị đã chấp nhận sống chung với căn bệnh ung thư.
“Tôi từng trải qua cảm giác tuyệt vọng, mất phương hướng nên biết. Vì vậy, khi thấy những người cùng cảnh ngộ tôi nghĩ mình phải làm cái gì đó để động viên họ. Quán cơm 2.000 đồng này là một ý tưởng vô cùng cao cả, vì vậy tôi muốn được đồng hành, chung tay để gắn kết mọi người với nhau”, chị nói.
Sức khỏe yếu đi nhưng chị vẫn cố gắng đến giúp khi có thể.
Thời gian gần đây, chị cảm giác sức khỏe mình đã kém hẳn đi, việc phục vụ quán không được như trước nên mỗi tuần chỉ có thể đến 1 lần. Tuy nhiên, chị đang lên kế hoạch “lôi kéo” thêm một vài người bạn cùng cảnh ngộ có đủ sức khỏe cùng tham gia.
Anh Phan Hùng Sơn, trưởng nhóm từ thiện mở quán cơm 2.000 đồng cho biết: “Quán mở cửa bán cơm vào các ngày thứ 3, 5, 7 trong tuần, mục đích là ủng hộ, hỗ trợ các bệnh nhân nghèo đang điều trị các bệnh viện và những lao động nghèo có thêm bữa ăn no, đủ chất. Ở đây, ngay cả người phục vụ cũng đều là người khốn khó như chị Nguyễn Thị Hiền. Mọi người động viên nhau cùng vượt qua, cùng nhau sống tốt, đó là ý nghĩa của quán cơm”./.