Mặc dù vẫn trong tháng 2 (Âm lịch) nhưng nhiều hộ dân trên địa bàn Nghệ An đã thiếu nước sinh hoạt. Để khắc phục tình trạng này, người dân đã phải thuê người đào giếng tìm nguồn nước ngầm.
Vùng đất thiếu nước
Theo tìm hiểu của PV, mặc dù vẫn còn trong tháng 2 (Âm lịch) nhưng nhiều hộ dân trên địa bàn các xã của huyện miền núi Yên Thành (Nghệ An) đã thiếu nước sinh hoạt. Nhìn chung, 70 - 80 % các giếng đào và các bể chứa nước của dân đã cạn kiệt.
Ông Trần Đức Trầm, trú tại thôn Đông Nam, xã Quang Thành, huyện Yên Thành cho biết: "Không riêng gì gia đình tôi mà nhiều hộ dân trong thôn đã phải đi xin nước để về dùng rồi. Trước đây, tôi đã thuê người khoan giếng nhưng không có tác dụng nên gia đình tôi phải tiếp tục thuê thợ đào giếng với hy vọng sẽ tìm được nguồn nước ngầm".
Người dân phải chuyển sang đào giếng với hi vọng tìm được nguồn nước ngầm.
Cùng cảnh ngộ như hộ ông Trầm, gia đình ông Nguyễn Văn Đức trú cùng thôn cũng rơi vào cảnh phải đi xin nước sinh hoạt đã gần một tháng nay.
Ông Đức cho biết: "Năm nào cũng vậy, sắp đến mùa nắng hạn là gia đình hết nước để dùng. Vì ở đây khoan giếng cũng không có tác dụng nên gia đình tôi phải chuẩn bị kinh phí để thuê người đào giếng sâu hơn".
Tương tự như các địa bàn của xã Quang Thành thì nhiều thôn trên địa bàn xã Tây Thành, Thịnh Thành… huyện Yên Thành cũng rơi vào cảnh thiếu nước trầm trọng. Để khắc phục tình trạng này người dân phải bỏ một chi phí khá lớn để đào giếng.
Khác với những người làm nghề khoan giếng chỉ việc chở máy đến lắp ráp và khoan, còn những người thợ làm giếng phải tự mình nỗ lực đào sâu vào lòng đất, do đó để đào xong 1 cái giếng khơi tốn khá nhiều công sức, giếng cạn thì đào tầm 3 - 5 ngày, giếng sâu thì đào 8 - 10 ngày, có khi nửa tháng.
Ông Trần Danh Toan trú tại thôn Khánh Thành, xã Tây Thành buồn bã: "Không có nước khổ lắm!. Sau Tết, gia đình tôi đã phải đi xin nước. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có mưa để cuộc sống của bà con bớt cực khổ vì tình trạng này".
Trao đổi với PV về tình trạng thiếu nước, ông Phan Đức Tiến, Chủ tịch UBND xã Quang Thành, cho biết: "Tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân đã thành thường lệ rồi. Mặc dù chưa đến mùa nắng hạn nhưng nguồn nước từ các giếng đào của các hộ dân đã cạn kiệt".
Dụng cụ hành nghề khá đơn giản, chỉ cần cuốc, xẻng, máy khoan, một bộ trục quay và thêm cái quạt gió để cung cấp ôxy trong khi đào.
"Hàng năm, chúng tôi cũng đã làm tờ trình, báo cáo lên cấp trên để có biện pháp khắc phục tình trạng thiếu nước cho người dân. Tôi rất mong các cơ quan chức năng tạo điều kiện hỗ trợ cùng chính quyền để có thể đào thêm các giếng làng phục vụ cho nhân dân", ông Tiến cho biết thêm.
Sau khi người ở dưới giếng đào đất bỏ dụng cụ có sẵn thì người đứng phía trên bấm tời để cẩu số đất lên.
Nghề mưu sinh trong lòng đất "lên ngôi"
Nhiều năm trước, anh Nguyễn Văn Giáp trú ở xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành lập một tổ khoảng 5-6 người đi vào các miền trong như: Đà Nẵng, Quảng Trị… để đi khai thác keo.
Công việc vất vả, nhưng thu nhập rất bấp bênh nên anh Giáp lại quay về địa phương thay đổi công việc để tìm kế mưu sinh. Sau khi nắm bắt được nhu cầu của các hộ dân ở các xã miền núi. Năm nào cũng thiếu nước sinh hoạt nên anh đã sắm một bộ đồ nghề, rồi rủ thêm 2 lao động nữa thành lập một tổ đi đào giếng phục vụ nhu cầu cho nhân dân.
Theo anh Giáp, năm nào cũng vậy, trước mùa nắng hạn tổ đào giếng của anh làm không hết việc.
Khối lượng đất được vận chuyển lên trên...
"Như thời điểm hiện tại, người dân muốn đào giếng phải đặt lịch trước cả tháng để sắp xếp. Khác với những người làm nghề khoan giếng chỉ việc chở máy đến lắp ráp và khoan. Còn những người thợ làm giếng phải tự nỗ lực đào sâu vào lòng đất, do đó để hoàn thành xong 1 cái giếng khơi tốn khá nhiều công sức. Giếng cạn thì đào tầm 3 - 5 ngày, giếng sâu thì phải 8 - 10 ngày, có khi nửa tháng", anh Giáp cho biết.
Anh Võ Văn Thịnh, một thợ đào giếng có kinh nghiệm (cùng tổ với anh Giáp), cho biết, mấy năm nay cứ đến mùa nắng là nhiều giếng nước của các hộ dân trên địa bàn các xã miền núi huyện Yên Thành bị cạn kiệt, nên nhu cầu đào, vét giếng của người dân rất nhiều.
Rồi người thợ ở phía trên dùng xe rùa chở đi nơi khác để đổ.
"Dụng cụ hành nghề của chúng tôi khá đơn giản, chỉ cần cuốc, xẻng, máy khoan, một bộ trục quay và thêm cái quạt gió để cung cấp ôxy trong khi đào. Tuy mới đầu mùa nắng hạn nhưng năm nay lịch đào giếng của anh em đã kín", anh Thịnh chia sẻ thêm.
Hiện tại, giá công đào giếng thường từ 1.400.000 - 2.000.000 đồng/mét; tùy vào từng loại đất và những trường hợp vét giếng, đào thêm thì giá có thể cao hơn. Mỗi ngày nếu làm tích cực, mỗi người cũng kiếm được khoảng 500.000 đồng/ngày. Tuy có thu nhập khá cao, nhưng công việc này rất vất vả, nguy hiểm.
Theo những thợ đào giếng, ngoài việc có sức khỏe dẻo dai thì một "nguyên tắc" không thể thiếu để hành nghề đào giếng là phải có tính cẩn thận từ khâu chuẩn bị dụng cụ cho đến kiểm tra khí độc tại địa điểm đào mới an toàn.
Những người đào giếng lành nghề còn phải biết tư vấn cho gia đình nên chọn vị trí tốt nhất để có nguồn nước sinh hoạt bảo đảm.
Mỗi ngày nếu làm tích cực, mỗi người cũng kiếm được khoảng 500.000 đồng/ngày. Tuy có thu nhập khá cao, nhưng công việc này rất vất vả, nguy hiểm.
Tuy nhiên thực tế hiện nay, nhiều người vẫn chưa chú ý đến việc bảo hộ lao động, dụng cụ, phương tiện... để hành nghề cũng rất sơ sài và có khi còn không bảo đảm.
Nhiều người cho biết, đã có những thợ đào giếng gặp tai nạn và mất mạng vì nghề này. Với những người đang mưu sinh bằng nghề đào giếng thì đó cũng là những bài học kinh nghiệm quý giá, để phòng tránh cho bản thân khi dấn thân vào nghề "tìm nguồn nước ngầm cho dân"./.