Sáng 9/6, Sở Giáo dục và Đào tạo An tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết triển khai thực hiện Chương trình, sách giáo khoa lớp 1 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Khắc phục bất cập để triển khai chương trình mới

Chương trình, sách giáo khoa lớp 1 bắt đầu được triển khai trên cả nước từ năm học 2020 – 2021. Tại Nghệ An, chương trình được triển khai đồng loạt tại 531 cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh với cùng một bộ sách giáo khoa. Riêng sách Tiếng Việt, 5 huyện miền núi cao sử dụng bộ sách riêng “Vì sự Bình đẳng và Dân chủ trong giáo dục”, các huyện còn lại sử dụng bộ sách “Cánh diều”.

Nghệ An nêu quan điểm qua triển khai Chương trình sách giáo khoa mới
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà

Do được chuẩn bị khá sớm, đặc biệt là việc tổ chức tập huấn cho cán bộ giáo viên, mua sắm trang thiết bị vật chất… nên việc triển khai chương trình lớp 1 theo chương trình mới ở Nghệ An được triển khai khá thuận lợi. Thống kê toàn tỉnh, năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 100% cơ sở giáo dục tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Riêng đối với lớp 1, có 1.759 lớp, đạt tỷ lệ 87% số lớp được học 32 tiết/tuần trở lên; có 87,7% học sinh lớp 1 được học ngoại ngữ với thời lượng 2-4 tiết/tuần/ từ học kỳ 2, có 11.500 học sinh lớp 1, chiếm tỷ lệ 16,0% được làm quen với bộ môn Tin học với thời lượng 02 tiết/tuần. Ngoài ra, ở một số cơ sở giáo dục ở vùng thuận lợi đã triển khai hoạt động giáo dục STEM cho học sinh.

Qua đánh giá, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm ưu việt so với các chương trình trước đây. Ngoài sách giáo khoa, các học liệu điện tử đi kèm đa dạng, phong phú, dễ khai thác, sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên xây dựng được các bài học hấp dẫn, thu hút, lôi cuốn học sinh; học sinh dễ hiểu, hứng thú hơn với các tiết học, đỡ nhàm chán; học sinh được tham gia nhiều hoạt động, trải nghiệm từ đó hình thành được nhiều kỹ năng quan trọng. Cuối năm học, học sinh đạt được nhiều kỹ năng vượt trội như: kỹ năng đọc, giao tiếp, tự chủ, tự học, tư duy phản biện; học sinh năng động, tự tin hơn nhiều.

Nghệ An nêu quan điểm qua triển khai Chương trình sách giáo khoa mới
Giờ học của học sinh lớp 1 - Trường Tiểu học Nghi Xuân (Nghi Lộc). Ảnh: Mỹ Hà

Tại hội nghị, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hội nghị cũng đã phân tích về những khó khăn bất cập. Cụ thể, mặc dù các địa phương đã chủ động trong việc rà soát, sắp xếp lại trường, điểm trường nhưng đến nay vẫn còn nhiều điểm trường có quy mô nhỏ, còn nhiều điểm trường lẻ. Toàn tỉnh còn 82 trường chưa được đầu tư phòng học Ngoại ngữ, 256 trường chưa được đầu tư phòng Tin học, chưa kể còn 440 điểm trường lẻ chưa có các phòng học này; trang thiết bị dạy học tối thiểu còn thiếu nhiều, các địa phương chưa chủ động mua sắm còn trông chờ cấp trên cấp.

Đội ngũ giáo viên còn thiếu nhiều, cơ cấu chưa hợp lý; Tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày (32 tiết/tuần) chưa cao, trong khi chương trình mới được thiết kế để dạy học 2 buổi/ngày, 32 tiết/tuần. Học sinh miền núi tiếp tục chịu nhiều thiệt thòi khi chỉ được học ít số tiết hơn học sinh các huyện miền xuôi.

Các nhà trường cần “chủ động, sáng tạo” theo đúng tinh thần mở

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành đánh giá cao sự nỗ lực, tinh thần vượt khó của các thầy giáo, cô giáo. Qua đó, giúp cho việc triển khai chương trình mới ở Nghệ An đạt hiệu quả tốt và là một trong những tỉnh thực hiện thành công nhất cả nước.

Nghệ An nêu quan điểm qua triển khai Chương trình sách giáo khoa mới
Hội nghị được triển khai với hình thức trực tuyến với sự tham gia của đông đảo cán bộ, giáo viên ở 21 điểm cầu ở 21 huyện, thành, thị. Ảnh: Mỹ Hà

Trong những năm tới, người đứng đầu ngành Giáo dục cũng dự báo việc triển khai chương trình mới cho những năm học tiếp theo còn “muôn vàn khó khăn”: Chương trình mới cách thức dạy học khó hơn, theo định hướng tiếp cận năng lực học sinh. Vì thế, nếu như trước đây giáo viên chỉ dạy học sinh cái gì, nay dạy cái em làm như thế nào, làm thành cái gì để giúp học sinh sáng tạo vào thực tiễn cuộc sống, lấy học sinh làm trung tâm của sự thay đổi này sẽ rất áp lực, đòi hỏi giáo viên phải tự đổi mới, sáng tạo và yêu cầu các thầy cô nhà trường chủ động, sáng tạo trong việc thiết kế chương trình dạy học của nhà trường.

Trong bối cảnh trên, để triển khai chương trình mới, Giám đốc Sở đề nghị các địa phương và các nhà trường tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, để tạo sự đồng thuận cho phụ huynh, học sinh và cộng đồng xã hội. Trong đó, cũng phải làm rõ để phụ huynh hiểu rằng, việc sử dụng sách giáo khoa hiện nay chỉ là phương tiện hỗ trợ chứ không phải là pháp lệnh như chương trình cũ: Hiện cả nước sử dụng 3 bộ sách giáo khoa khác nhau và nhiệm vụ, trách nhiệm của ngành Giáo dục đó là dạy học theo chuẩn đầu ra của chương trình phổ thông 2018.

Nghệ An nêu quan điểm qua triển khai Chương trình sách giáo khoa mới
Sau 1 năm triển khai chương trình mới giúp học sinh đạt được nhiều kỹ năng vượt trội như: kỹ năng đọc, giao tiếp, tự chủ, tự học, tư duy phản biện; học sinh năng động, tự tin. Ảnh: Mỹ Hà

Chuẩn bị cho việc thay sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 từ năm học tới, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định: Sở sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến của cơ sở để thông tin lại cho các nhà xuất bản điều chỉnh những vấn đề không phù hợp trong chương trình sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ làm tốt công tác quản lý về chất lượng sách giáo khoa và thống kê đủ số sách để thông tin cho nhà xuất bản, kịp thời cung ứng đủ cho tất cả các học sinh. Lãnh đạo Sở cũng nhắc nhở các giáo viên và nhà trường cần thông tin đầy đủ tới phụ huynh về việc sử dụng sách tham khảo vì “ Sở không quản lý sách tham khảo mà đó là quyền của phụ huynh, học sinh tùy theo nhu cầu thực tế của từng gia đình”.

Hiện, ngành Giáo dục cũng đã tiếp tục tham mưu để bổ sung đủ giáo viên và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kinh phí và cấp về cho các địa phương để kịp thời mua sắm đủ thiết bị dạy học thiết yếu để đáp ứng đủ cho năm học mới và chương trình thay sách giáo khoa lớp 2, lớp 6.