乂 Nghệ: Theo Hán Việt từ điển của Thiều Chỉu, Nghệ: 1, Trị, cai trị được dân yên gọi là Nghệ; 2, Tài giỏi.
安 An: 1, Yên, bình an; 2, Định, không miễn cưỡng gì (như An cư lạc nghiệp); 3, Làm yên, như An phủ (Phủ dụ cho yên); 4, Tiếng giúp cho lời, như sao vây!
Theo Đào Duy Anh. Giản yếu Hán Việt từ điển: 1, Nghệ: Sửa trị, Người hiền tài. 2, An: Êm đềm, trái với nguy. 乂安 Nghệ An: Một tỉnh ở phía bắc Trung Kỳ.
- Công an Nghệ An: Triệt phá đường dây cá độ bóng đá Euro liên tỉnh, bắt giữ 18 đối tượng
- Tỉnh Nghệ An: Không thể im lặng lâu hơn nữa
- Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Nghệ An sẽ quyết sách những nội dung quan trọng, góp phần phát huy tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các vấn đề an sinh của tỉnh*
Vậy, có thể hiểu, Nghệ An là tổ chức cai quản thật tốt (Cai trị) và làm cho dân được an cư lạc nghiệp ở trên vùng đất Nghệ An, thuộc Bắc Miền Trung của nước Việt Nam. Danh xưng Nghệ An xuất hiện ở các bộ sách Sử và Địa chí:
- Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí. T.1/Tổng tài: Cao Xuân Dục; Toản tu: Lưu Đức Xứng, Trần Xán. H., Lao động - Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2012.- Tr. 768: Năm Thiên Thành thứ 3 đời Lí Thái Tông (1030), mới đổi Châu Hoan thành Nghệ An (tên Nghệ An bắt đầu có từ đây).
- Bùi Dương Lịch. Nghệ An ký. Quyển I và II/Dịch và chú: Nguyễn Thị Thảo; Hiệu đính: Bạch Hào.- H., KHXH, 2004. Tr. 52 ghi:
Năm Thiên thành thứ 3 [1030], Lý Thái Tông đổi Hoan Châu làm Nghệ An.
- Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí. T.1/Viện sử học. - H., Giáo dục, 2007. Tr. 72: Buổi đầu, nhà Lý đổi Hoan Châu làm trại; đời Thái Tông, năm Thiên Thành thứ 3 (1030), đổi gọi là Nghệ An.
Nghệ An với mốc một thế kỷ (1924-2024) rất quan trọng, đặc biệt là năm đầu (1924) cần được nghiên cứu tìm hiểu, để thấy được những khó khăn, thuận lợi và biết được cái nền ban đầu cho bước phát triển của tỉnh Nghệ An đến năm 2024.
Tỉnh Nghệ An (cuối thế kỷ XIX, đầu XX) và năm 1924 thuộc về xứ Trung Kỳ, nghĩa là thuộc dưới quyền cai trị của nhà Vua (triều Nguyễn) và Chính phủ Bảo hộ Pháp. Chính phủ Nam triều lúc đó do nhà Nguyễn cầm quyền chính trị mà người khai sáng là đức Thái Tổ Gia Dũ Hoàng Đế (tức chúa Nguyễn Hoàng) và đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế (tức vua Gia Long). Đức vua đương thời năm 1924 (năm Giáp Tý, Khải Định 9) là dòng dõi Hoàng triều nhà Nguyễn. Thành tỉnh Nghệ An (nay còn gọi là thành cổ Vinh) là nơi đóng các cơ quan hành chính của tỉnh để quản lý mọi hoạt động của cả tỉnh và thành phố Vinh. Trong thành có cả Hành Cung, nơi vua làm việc và nghỉ lại mỗi khi hành hạt đến tỉnh.
Ở tỉnh Nghệ An, thay mặt cho Chính phủ Bảo hộ, thì có quan Công sứ, thay mặt cho Nam Triều là quan Tổng đốc An Tĩnh.
Giúp việc cho quan Công sứ thì có quan Phó Công sứ, quan Đại lý ở phủ Qui, quan Chánh Sở Liêm phóng, Sở Cẩm, Sở Trước bạ, quan Chưởng thâu, các quan chuyên môn về Nông chính, Lâm chính, Công chính, Thương chính, Bưu chính, các quan Lương y, Thú y, các quan Giám binh ở các đồn lính, quan Tòa án Tây và các chức việc người An Nam.
Giúp việc cho quan Tổng đốc thì có quan Bố chính giữ việc Tài chính, coi sổ dân đinh, việc sưu thuế, việc điền thổ, việc tế tự, việc bảo tồn thổ trạch, v.v… Quan Án sát coi việc án từ; Quan Đốc học coi việc học chính; Quan Lãnh binh coi việc tuần phòng trong tỉnh thành và coi các cơ lính ta; Các quan phủ, huyện đứng đầu mỗi phủ, huyện trực tiếp với dân, giữ việc án tử, thi hành mệnh lệnh của quan trên, giữ việc trị an trong hạt, việc đê điều, thuế má; Ở trong thành phố Vinh - Bến Thủy thì có quan Bang tá coi về việc tuần phòng trong thành phố; Dưới nữa thì có các viên chức An Nam chia ra làm việc ở các sở. Trong mỗi phủ, huyện lại có cai, phó tổng, các chánh, phó lý và hương chức coi việc trị dân trong mỗi tổng, xã và thuộc dưới quyền kiểm soát của các quan phủ, huyện.
Tỉnh Nghệ An (năm 1924) gồm 11 phủ, huyện: Phủ Diễn Châu, phủ Hưng Nguyên, phủ Anh Sơn, huyện Nam Đàn, huyện Thanh Chương, huyện Nghi Lộc, huyện Yên Thành, huyện Nghĩa Đàn, huyện Quỳnh Lưu ở về Trung Châu; phủ Tương Dương và phủ Quỳ Châu ở Thượng Du. Các phủ huyện ấy chia làm 70 tổng và 918 làng.
Tỉnh Nghệ An là một tỉnh chuyên về canh nông, nhưng ruộng đất không được phì nhiêu, cách cày bừa bón xới không khéo nên số lợi tức hàng năm kém hơn các tỉnh khác; là tỉnh có nhiều thiên tai, gió Lào hạn hán, mưa bão lụt lội lắm làm cho hư hỏng mùa màng nên người nông dân Nghệ An luôn ở trong hoàn cảnh đói kém. Để khắc phục, chính phủ cũng đã cho làm hệ thống nông giang nhưng chưa hoàn thiện, kèm theo là thuế khóa nặng nề nên dân tình vẫn cực khổ. Họ vốn có tinh thần yêu nước cách mạng, sẵn sàng vùng lên chống lại ách áp bức bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến tay sai.
Tỉnh Nghệ An lúc đó có 1 thành phố lớn là Vinh - Bến Thủy, được nhà nước bảo hộ cho xây dựng nhiều công trình phát triển công nghiệp, tiêu biểu như Nhà máy xe lửa Trường Thi; Xây dựng Bệnh viện, lập Trường Quốc học để dạy học trò và đào tạo nhân tài, có nhà giáo người Pháp và người Việt. Các thầy trò người Việt nổi tiếng yêu nước và hoạt động cách mạng như: Thầy Lê Thước, Nguyễn Khánh Toàn; trò Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai, Nguyễn Sĩ Sách,v.v… Pháp còn mở mang các cơ sở, các ngành nghề kinh tế; Lập các hãng và công ty thương mại kinh doanh buôn bán… Tư liệu của Pháp nói về kinh tế Đông Dương từ 1922-1929: Tài chính, đồn điển, đường sá… (xem Tập san Kinh tế Đông Dương.- Trích dịch, 14 tr. đánh mày, lưu kho Địa chí Thư viện tỉnh Nghệ An); Tập san Chấn hưng kinh tế Đông Dương từ 1923-1925 cũng cho biết: Con đường Vinh - Thà Khẹt (số 295; ngày 4/2/2923); Tình hình đặt đường xe lửa Vinh - Đông Hà (số 408-417; tháng 4/1925) [Tài liệu sao chép Thư viện Quốc gia, lưu TV Nghệ Tĩnh, ký hiệu: NT- 1131]. Công báo của Pháp cũng nói về Việc thực dân hóa của Pháp về Nông nghiệp Nghệ An - Hà Tĩnh; Tài liệu của N. XiMôNi nói về Vai trò của Tư bản trong cuộc khai thác xứ Đông Dương/Đề tựa của Lơ Broong, Bộ trưởng Thuộc địa, Phó Chủ tịch Thượng viện/Hoàng Đình Bình dịch (Tài liệu tham khảo đánh máy, lưu TVNA); Thông tư của Khâm sứ đại thần cho Công sứ Hà Tĩnh đắp đường Hỏa xa Tân Ấp - Thà Khẹt, ngày 17/12/1924; Công ty kỹ nghệ và Lâm nghiệp ở Đông Dương Báctôlômô buôn gỗ ở Phủ quỳ, Cơrô buôn gỗ ở Bến Thủy (Kinh tế Đông Dương, 1924.- 1 tr. bản dịch chép tay, lưu BTXV); Hãng Xăng dầu SLăngđa Chi nhánh Vinh - Bến Thủy - Hà Tĩnh; Một số Đồn điền của Pháp ở Nghệ Tĩnh từ 1923: Bruynơto; Lơ co; Mutông (Nghĩa Đàn); Sa va nông (Quỳnh Lưu); Lơ Đơnnô (Anh Sơn); MaRốTơ (Phủ Quỳ); Nhà máy Điện chủ chốt ở biên giới nước Lào. Báo LESANNALES COLONIALES (Niên giám thuộc địa), ngày 3/2/1924 cho biết việc thành lập Công ty khai thác Lâm sản và sản xuất Diêm (Hội sở ở Bến thủy)/Nguyễn Đình Khang dịch, 8 tr. chép tay. - NT 2433. Từ năm 1922 - 1924… Pháp cho xây dựng các cơ sở công nghiệp (trích trong Tập san Kinh tế Đông Dương. - lược chép 2 tr., lưu BTXV) như sau:
- Nhà máy Diêm: Cơ giới 80 mã lực, gồm 2 người Âu và 750 người Việt, sản xuất hàng năm 16.000 két diêm (mỗi két 7.200 bao);
- Nhà máy Cưa: 40 cưa máy, 15 máy dụng cụ mộc, 10 máy dụng cụ làm bao, mỗi năm tiêu thụ khoảng 30.000 mét khối gỗ, cơ giới 275 mã lực, 7 người Âu, 400 người Việt;
- Nhà máy Điện, 2 tuyếc bin 1.500 mã lực, 1 máy Điêzen dự phòng 180 mã lực, 3 người Âu, 50 người Việt…
Có thể nói, trung tâm đô thị Vinh - Bến Thủy những năm đầu thế kỷ XX đã phát triển mạnh về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… là một trong 3 trung tâm đô thị phát triển của nước ta: Hải Phòng, Nam Định, Vinh… tạo cho nơi đây có một lực lượng công nhân khá lớn mạnh, là cơ sở và thành phần chính cho lực lượng nòng cốt (Công - Nông) của Đảng và là lựng lượng chính trong đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, đánh đổ chính quyền thực dân và phong kiến tay sai, xây dựng nên chính quyền Công - Nông Xô - Viết và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam).
Năm 1924 là năm chí sĩ Phan Bội Châu (lãnh tụ Việt Nam Quang phục Hội [1912-1923]) sau khi tiếp cận với tư tưởng và thành công cách mạng của Tôn Trung Sơn - lãnh tụ của Quốc Dân đảng, lập nên nhà nước Trung Hoa dân quốc (1911), đã cùng với một số đồng chí của ông bàn với nhau cải tổ Quang phục Hội thành Quốc Dân đảng và soạn thảo ra các bản Điều lệ, Cương lĩnh chính trị, Lời tuyên bố, Thư kêu gọi…vào năm 1924. Điều lệ Việt Nam Quốc Dân đảng đã ra đời vào năm 1924 (bản chữ Hán đã thất lạc, chỉ còn bản dịch của Mật thám Pháp, được in lại trong Phan Bội Châu Toàn tập - T5 [Văn thơ 1917-1925] H., Thuận Hóa - Trung tâm VHNN Đông Tây, 2000.- Tr. 326-334). Cụ Phan còn viết bức thư vận động đồng bào ta yêu nước ở Xiêm: Thư kính cáo đồng bào ta ở nước Xiêm La và biên soạn truyện lịch sử: Truyện Phạm Hồng Thái cùng trong năm 1924 này (xem Phan Bội Châu Toàn tập T.5, từ Tr. 334-). Cụ Phan cũng đã rất tâm huyết khi gửi đào tạo nhiều thanh niên yêu nước trong phong trào Đông Du đi học các trường học ở Nhật Bản, Trung Quốc và một số người ưu tú đã gia nhập Tâm Tâm Xã; Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội và được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp đào tạo thành các hạt giống Đỏ của Đảng.
Năm 1924 chính là năm mở đầu cho quá trình hình thành và lãnh đạo quần chúng đấu tranh cách mạng của Đảng bộ tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trong thời kỳ hoạt động bí mật của Đảng. Những người yêu nước đầu tiên ở Nghệ Tĩnh tiếp thu đường lối cách mạng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Vào những năm (1919 - 1924), trong lúc đồng chí Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở các nước phương Tây thì một lớp thanh niên yêu nước (khoảng trên 100 người) ở Nghệ Tĩnh qua Xiêm, sang Trung Quốc tìm gặp các nhà ái quốc Việt Nam để tìm hiểu về con đường cứu nước. Trong khi lớp người đi trước như cụ Phan Châu Trinh thì hướng về phía Tây, theo con đường cải lương, bất bạo động, thực hiện chủ trương "Pháp - Việt đề huề", mong dành lại nền độc lập cho nước. Còn cụ Phan Bội Châu thì ngược lại, hướng về phía Đông là đế quốc Nhật Bản, với hy vọng cùng giống da vàng, sẽ giúp chúng ta dành độc lập từ tay Pháp (với phong trào Duy Tân và Đông Du cứu nước). Nhưng thực tế đã chứng minh con đường của các cụ là không có lối thoát. Vì chưa đáp ứng được ý nguyện, nên Lê Hồng Phong cùng một số bạn bè tìm đường sang Quảng Châu, Trung Quốc vào năm 1924. Trung Quốc lúc này ở phía Nam có chính phủ Dân Quốc tiến bộ do Tôn Dật Tiên đứng đầu, thực hiện chính sách: "Thân Nga, liên cộng, phù trợ công nông" và "Tam dân chủ nghĩa": Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Đảng Cộng sản Trung Quốc tuy mới thành lập nhưng cũng hoạt động rất mạnh. Những người cách mạng Việt Nam chắc chắn có thể tìm thấy ở nơi đây một địa bàn hoạt động thuận lợi. Ở Quảng Châu năm 1924, Lê Hồng Phong cùng một số bạn như Phạm Hồng Thái, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lâm Đức Thụ đã tự lập ra nhóm Tâm Tâm Xã, tích cực khôi phục lại phong trào yêu nước đang bị suy yếu. Cùng năm đó tiếng tăm của Tâm Tâm Xã lan rộng khắp nơi, tạo nên một khí thế yêu nước mới của Nhân dân ta, khi một thành viên của nhóm là Phạm Hồng Thái cho nổ tạc đạn ám sát hụt tên Toàn quyền Pháp ở Đông Dương là Méc Lanh… Mục tiêu của nhóm là nhằm liên hiệp những người có trí lực, tâm huyết trong toàn dân Việt Nam, không phân biệt ranh giới, đảng phái, miễn là có quyết tâm hy sinh mọi quyền lợi cá nhân để khôi phục quyền làm người của người Việt Nam.
"Tháng 12 năm 1924, đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô đến Quảng Châu Trung Quốc. Người đã tìm bắt liên lạc với "Tâm Tâm Xã" và chỉ cho họ thấy rõ con đường cứu nước, giải phóng dân tộc theo gương cách mạng tháng Mười Nga. Từ đó, họ hoạt động theo sự chỉ dẫn của Người. Một số đồng chí tích cực như: Hồ Tùng Mậu (huyện Quỳnh Lưu), Lê Hồng Sơn (huyện Nam Đàn), Lê Hồng Phong (huyện Hưng Nguyên), Trương Vân Lĩnh (huyện Nghi Lộc), Lưu Quốc Long (huyện Thanh Chương)… đã được Người kết nạp vào nhóm "Cộng sản Đoàn" để chuẩn bị nòng cốt cho việc thành lập Đảng cộng sản ở Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo của Người, các đồng chí này đã tham gia tích cực vào việc thành lập "Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội", xuất bản tờ báo "Thanh niên", mở các lớp huấn luyện "Chính trị đặc biệt" để đào tạo cán bộ cho phong trào cách mạng trong nước. Nghệ Tĩnh trở thành một trong những nơi sớm được tiếp thu Chủ nghĩa Mác - Lê nin, đường lối cách mạng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và cũng là một trong những nơi đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng, phát triển cơ sở của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Việt Nam". (Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh. Những sự kiện lịch sử của Đảng bộ Nghệ Tĩnh. - NXB Nghệ Tĩnh, 1981.- Tr. 10).
Ngày 18/12/1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng đã làm báo cáo để gửi Quốc tế cộng sản về tình hình Đông Dương năm 1924 (Nguyễn Ái Quốc. Báo cáo tình hình Đông Dương năm 1924 gửi Quốc tế cộng sản, ngày 18-12-1924.- 2 tr. đánh máy, bản sao, lưu kho sách Hồ Chí Minh Thư viện tỉnh Nghệ An; ký hiệu: LSĐ). Sách Hồ Chí Minh Toàn tập (T.2: 1924-1930)/Gửi Chủ tịch đoàn Quốc tế Cộng sản (Tr. 8-9):
"…Tôi sẽ huấn luyện cho họ về phương pháp tổ chức. Chúng tôi sẽ gửi họ trở về Đông Dương hoạt động sau 3 tháng học tập; và chúng tôi sẽ lấy ra một đoàn khác…".
Trong năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã có 7 bài viết gửi cho các tổ chức Quốc tế Cộng sản để báo cáo rõ về tình hình Đông Dương và tình hình đào tạo những thanh niên yêu nước An Nam làm hạt giống cộng sản…
Với một số tư liệu viết về tỉnh Nghệ An mà chúng tôi đã sưu tầm như trên, thì năm 1924 (năm đầu của 1 thế kỷ 1924-2024) nhìn lại thì đây là năm có nhiều sự kiện đáng nhớ. Năm 1924 đánh dấu sự trưởng thành của phong trào yêu nước cách mạng Việt Nam, dưới sự dẫn dắt về tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong sự nghiệp vân động đồng bào nước Việt nói chung và Nhân dân xứ Nghệ, tỉnh Nghệ An nói riêng trong đấu tranh chống đế quốc, thực dân và phong kiến để giải phóng dân tộc, theo đường lối của chủ nghĩa Mác - Lê nin.