Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một cách sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Văn hóa, từ đó góp phần nâng cao nhận thức đầy đủ và sâu sắc về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nói chung cũng như của tỉnh nói riêng. Đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các mục tiêu, chương trình hành động liên quan đến lĩnh vực văn hóa.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, tổ chức chính trị xã hội đã nâng cao nhận thức về các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về vị trí, vai trò của văn hóa; xác định phát triển văn hóa và xây dựng con người là nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên của các địa phương, đơn vị và cả hệ thống chính trị trong tỉnh. Việc đầu tư nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa được quan tâm, chú trọng, đảm bảo các điều kiện tổ chức tốt các hoạt động văn hóa văn nghệ, nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hiệu quả.
Công tác tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng. Những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến tạo động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, đơn vị.
Môi trường văn hóa từng bước được cải thiện, hệ thống các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư gắn với tiêu chí xây dựng Nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh; đồng thời, duy trì và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, thu hút đông đảo cán bộ, công chức và nhân dân tham gia. Một số trò chơi dân gian được khôi phục lại; văn hóa trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo được khuyến khích, nhất là trong công tác xã hội. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì và triển khai tốt ở cơ sở, góp phần cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan được hạn chế, bãi bỏ...
Tỉnh đã tập trung cho công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, di sản, di tích lịch sử - văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Tỉnh đã xây dựng Kế hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa – danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 -2025; triển khai dự án tu bổ tôn tạo di di tích quốc gia... Vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể hưởng thụ văn hóa là Nhân dân được phát huy; tôn trọng, bảo vệ đa dạng văn hóa các dân tộc, vùng miền; nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của Nhân dân. Đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa được xây dựng và bồi dưỡng; vai trò tiên phong của đội ngũ tri thức, văn nghệ sĩ được phát huy...
Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa còn ít, dàn trải, hiệu quả chưa cao. Thiết chế văn hóa sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xóm, xã chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng thực tế. Chưa có những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn; kinh phí tu bổ, tôn tạo các di tích còn quá ít trong khi các di tích xuống cấp quá nhiều...
Trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa trong đổi mới và phát triển bền vững. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về văn hóa. Tập trung triển khai có hiệu quả kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2030; ban hành các cơ chế, chính sách, các văn bản chỉ đạo, quản lý Nhà nước có chất lượng. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh về Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.../.