Dọc Quốc lộ 7A, đoạn qua huyện Con Cuông, Tương Dương, bắt gặp những tốp người bốc xếp cây mét dài ngoằng lên thùng xe ô tô trọng tải lớn. Tìm hiểu được biết, đây là những cây mét được tuyển chọn đẹp nhất trong rừng mét dùng để làm cây nêu ngày Tết, thương lái đang thu mua với số lượng lớn để vận chuyển về xuôi tiêu thụ.
Ông Chạng Văn Tứ ở bản Na Tổng, xã Tam Thái (Tương Dương) cho hay, gia đình có hơn 2 ha mét, nắm bắt được nhu cầu người dân dùng cây mét làm cây nêu ngày Tết, gia đình vào chọn những cây mét già, thân to vừa phải, thẳng đẹp và không cụt ngọn để chặt. Được thương lái từ xuôi lên thu mua với giá 40.000 đồng/cây nên gia đình cố gắng tuyển chọn được nhiều cây để thêm đồng tiền sắm Tết. Sau 3 ngày thu hoạch, gia đình chặt được khoảng 600 cây, thu về gần 24 triệu đồng.
"Nếu thu hoạch những mét như thế này bán cho thương lái về phục vụ trong lĩnh vực xây dựng chỉ có giá 15.000 đồng/cây, nhưng sử dụng làm cây nêu ngày Tết có giá 40.000 đồng/cây. Tuy nhiên, vì dùng để làm cây nêu ngày Tết, nên phải chọn những cây mét theo yêu cầu của thương lái là thẳng đẹp, thân cây vừa phải, chiều dài trên 13 m", ông Tứ chia sẻ.
Thương lái lên miền rừng thu mua mét làm cây nêu ngày Tết được đến từ các huyện miền xuôi, họ sử dụng những chiếc xe ô tô trọng tải lớn, có thùng xe dài để vận chuyển với số lượng lớn.
Anh Khánh, một thương lái ở TP Vinh cho biết, do cây mét dùng để làm cây nêu ngày Tết yêu cầu phải dài và thẳng, bắt buộc phải để nguyên cả phần ngọn và lá, nên chiều dài lên tới 14 - 15 m, vì thế phải sử dụng loại xe ô tô có thùng xe dài mới vận chuyển được. Mỗi chuyến xe trọng tải lớn có thể xếp được hàng nghìn cây mét/chuyến. Từ ngày 23 tháng Chạp, người dân bắt đầu dựng cây nêu đón Tết, nên trước đó 1 tuần phải đặt hàng để bà con vào rừng chặt, mới kịp vận chuyển về xuôi bán đúng dịp.
"Với số lượng cây nêu lớn trên mỗi chuyến xe, nên chúng tôi phải bố trí nhiều địa điểm bán ở các vùng nông thôn, không chỉ Nghệ An mà sang cả Hà Tĩnh. Vì chi phí lớn, từ thuê người bốc xếp lên xe, phí vận chuyển... nên đến tay người tiêu dùng phải cao hơn nhiều so với giá mua tại rừng. Hầu hết các gia đình vùng nông thôn đều có cây nêu ngày Tết, nên mặt hàng này đang hót trên thị trường trong dịp cuối năm này", anh Khánh cho hay.
Trên địa bàn Nghệ An, 2 địa phương là Tương Dương và Con Cuông có nhiều diện tích cây mét nhiều nhất tỉnh, với khoảng gần 5 nghìn ha. Cây mét ngoài làm cây nêu ngày Tết, còn được sử dụng trong lĩnh vực xây dựng và hàng thủ công mỹ nghệ, nên tạo sinh kế cho người dân vùng cao.
Cứ mỗi dịp Tết đến, cây nêu trở thành một hình ảnh rất đẹp vào những ngày đầu năm của dân tộc Việt Nam. Theo quan niệm truyền thống của người Việt Nam, cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng Chạp, là ngày Táo Quân về trời; đến ngày 7 tháng Giêng dỡ cây nêu xuống, gọi là ngày hạ nêu. Các gia đình nhất là những gia đình ở vùng nông thôn đều dựng cây nêu trước nhà mình, phía trên cây nêu có treo cờ Tổ quốc, ngày nay nhiều gia đình trang trí cây nêu bắt mắt bởi đèn led và một số vật dụng trang trí khác./.