Trên địa bàn huyện Thanh Chương vừa xảy ra một vụ phá rừng nghiêm trọng. Gần 200 cây gỗ bị đốn hạ không thương tiếc, trong chốc lát biến một vùng thành chốn tan hoang.
 
Quy mô lớn
 
Vị trí nói trên thuộc khu vực Mạn Tác, xã Thanh An (Thanh Chương, Nghệ An).
 
Qua nắm bắt thực tế, việc phá rừng đã manh nha từ nhiều ngày trước đó nhưng cấp chính quyền và cơ quan chức năng không xử lý dứt điểm, dần dà đẩy nguồn cơn thêm phần nghiêm trọng.
 
Cả cánh rừng bị quần thảo không thương tiếc dần trở nên hoang tàn. Bằng mắt thường dễ thấy hàng loạt cây đủ kích cỡ chỉ còn trơ lại gốc, nhánh và ngọn vẫn nằm ngổn ngang dưới mặt đất, trong khi phần lớn chiến lợi phẩm đã được các đối tượng vận chuyển ra ngoài.


 
Nhiều điểm bị chặt phá tan hoang. Ảnh: Việt Khánh.
 
Xét thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc, ngày 19/3/2020, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký công văn số 1568/UBND-NN chỉ đạo kiểm tra, xử lý.
 
Trên tinh thần đó UBND huyện Thanh Chương đã thành lập Đoàn liên ngành, ngày 24/3, phối hợp cùng Hạt Kiểm lâm và UBND xã Thanh An tiến hành kiểm tra hiện trường. Bước đầu ghi nhận việc phá rừng hàng loạt là có cơ sở.
 
Cụ thể, cơ quan liên ngành phát hiện thấy tình trạng phát sẻ, san ủi làm đường và phá rừng sản xuất. Ghi nhận thực tế có nhiều diện tích keo đã khai thác thuộc lô 35, thửa 14 và lô 34, thửa 12, khoảnh 1; lô 18, thửa 22 và lô 9, thửa 9, khoảnh 2 thuộc tiểu khu 996 (tờ bản đồ số 2) và lô 17, thửa 151, khoảnh 2 thuộc tiểu khu 978L (tờ bản đồ số 1).
 
Cả 2 địa điểm phá rừng nói trên đều thuộc khu vực Mạn Tác, nằm trên địa giới hành chính xã Thanh An, huyện Thanh Chương.
 



 
Dấu vết để lại cho thấy sự việc mới diễn ra không lâu. Ảnh: Việt Khánh.
 
Điều đáng nói, tại thời điểm kiểm tra không còn các thân gỗ, chỉ sót lại cành, nhánh và gốc chặt nằm rải rác xung quanh. Qua kiểm đếm phát hiện tổng cộng 178 gốc cây, đường kính gốc bình quân từ 10 – 30 cm, gỗ thuộc nhóm V đến VIII.
 
Đối chiếu bản đồ Kiểm kê rừng 2015 (Quyết định số 1731/QĐ-UBND ngày 21/4/2016 của UBND tỉnh Nghệ An) trạng thái nơi đây là rừng gỗ tự nhiên lá rộng thường xanh phục hồi, ký hiệu là TXP.
 
Đơn vị chức năng xác định chủ rừng là ông Lê Văn Vân, địa chỉ ở Khối 3A, thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương.
 
Theo ghi nhận của PV NNVN, hiện cơ quan chuyên môn đã xác minh được đối tượng liên quan và tiến hành lấy lời khai.
 
Bất ổn
 
Qua nắm bắt thực tế, tình hình an ninh rừng trên địa bàn huyện Thanh Chương nói chung và riêng xã Thanh An còn nhiều bất ổn, công tác quản lý rõ ràng tồn tại nhiều vấn đề.
 
Một vấn đề tái diễn nhiều lần thì không thể đổ lỗi do yếu tố khách quan, hơn lúc nào hết cấp chính quyền huyện Thanh Chương cùng các đơn vị liên quan phải nhìn nhận rõ trách nhiệm thay vì đến đâu hay đến đó.
 
Điển hình là vụ việc vào cuối năm 2019, lúc này tại địa điểm rừng khoanh nuôi tái sinh hỗn giao tre nứa, gỗ ở khe Hàn, thuộc tiểu khu 996, vị trí giáp ranh giữa xã Thanh An và xã Ngọc Lâm bị người dân ngang nhiên chặt phá, phát đốt trên diện rộng nhằm trồng keo nguyên liệu.
 
Qua điều tra diện tích có rừng là 1,8 ha thuộc lô 11, thửa 34, khoảnh 4 của tiểu khu 996. Đối tượng phát, đốt rừng phục hồi tái sinh là ông Hồ Viết Hải (SN 1970) và vợ là bà Nguyễn Thị Hiến (SN 1978), trú tại xã Thanh An. Hộ gia đình trên cũng chính là chủ của thửa đất được giao nhận khoán bảo vệ rừng. 
 
Trước đó khoảng 1 tháng, cũng tại khu vực này Cảnh sát môi trường tỉnh Nghệ An đã tiến hành bắt giữ 4 đối tượng thực hiện hành vi khai thác và vận chuyển ra khỏi rừng hơn 20m3. Số gỗ trái phép được các đối tượng nhập cho các cơ sở sản xuất mộc dân dụng hoặc sử dụng làm chất đốt, lò sấy chè trên địa bàn huyện.


 
Để cá nhân ngang nhiên xây dựng biệt thự trái phép trên đất rừng là minh chứng rõ nét cho thấy công tác quản lý còn nhiều bất cập của huyện Thanh Chương.
 
Rúng động hơn cả phải kể đến sự vụ xây biệt thự trái phép trên đất rừng tại địa phận khe Nái, xóm Trung Sơn, xã Thanh Mai.
 
Chủ nhân của công trình bề thế này là ông Cao Trọng Hồng (trú ở khối Tây Hồ 1, phường Quang Tiến, thị xã Thái Hòa). Trước đó, ôngg Hồng được UBND huyện Thanh Chương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CD797021 trên diện tích gần 70.000m2, hiện trạng là đất rừng sản xuất.
 
Mặc dù chưa làm thủ tục chuyển đổi nhưng đến tháng 10/2017, ông Hồng ngang nhiên xây dựng hệ thống nhà ở và công trình chăn nuôi tại khu đất này với quy mô 485m2, tổng diện tích sàn vào khoảng 970m2. Kết cấu bằng bê tông cốt thép kiên cố, bao che bằng tường gạch, sàn tầng 2 đổ bê tông, mái lợp tôn chắc chắn…
 
Tất cả công đoạn hoàn thành và được chủ đầu tư chính thức đưa vào sử dụng vào tháng 4/2018. Điều khiến dư luận thực sự băn khoăn là một công trình trái phép hoành tráng mọc trên đất lâm nghiệp, trải qua nửa năm trời thi công rầm rộ nhưng chẳng hiểu vì sao chính quyền các cấp và đơn vị chức năng không hề hay biết?
 
Hành vi của ông Cao Trọng Hồng rất nghiêm trọng, lạ thay biện pháp xử lý cơ bản mới dừng lại ở việc nộp phạt hành chính đơn thuần. Suốt 2 năm qua, trái bóng được các bên liên quan luân chuyển mải miết khiến sự thể chẳng biết đường nào mà lần.