Vì tình yêu nghề, nhiều người chấp nhận mức lương chỉ vài triệu đồng và chờ cơ hội tuyển dụng chính thức.
Thâm niên 20 năm nhận lương gần 2 triệu đồng
Gần 20 năm đi dạy, đến nay, thầy Nguyễn Duy Trình (giáo viên Trường Tiểu học Hùng Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) vẫn là giáo viên hợp đồng. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Thể dục – Thể thao Đà Nẵng năm 2004, thầy Trình được huyện Yên Thành nhận làm giáo viên hợp đồng, với lương khởi điểm là 200 nghìn đồng/tháng.
Dù vậy, thầy giáo trẻ luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngoài chuyên môn, thầy Trình cũng có 10 năm làm Bí thư Đoàn nhà trường, tham gia hoạt động phong trào năng nổ. Trong quá trình công tác, thầy đã học liên thông lấy bằng đại học sư phạm để chuẩn hóa bằng cấp, chờ đợt tuyển dụng chính thức. Thầy Nguyễn Duy Trình cũng nhận nhiều bằng khen, giấy khen của ngành Giáo dục và địa phương.
Cô Nguyễn Thị Nga – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Thành ghi nhận thầy Nguyễn Duy Trình là người có trách nhiệm, năng lực chuyên môn tốt. Mức lương hiện tại của thầy chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng nhưng khối lượng khối lượng công việc tương đương giáo viên khác trong trường, với 23 tiết/tuần và yêu cầu chuyên môn ngày một cao.
Theo Hiệu trưởng nhà trường, chế độ lương như trên rất thiệt thòi của thầy Trình. Trong phạm vi nhà trường, Ban giám hiệu chỉ có thể giao thêm việc cho thầy Trình, tạo điều kiện để thầy có thêm thu nhập, nhưng không đáng kể. Theo đuổi nghề giáo nhiều năm, nhưng với chế độ như vậy, tâm lý chán nản, muốn bỏ cuộc là điều dễ nảy sinh.
Tuy nhiên, đến nay, qua nhiều lần tăng, mức lương của thầy vẻn vẹn 2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra không có chế độ phụ cấp, thâm niên hay lương tăng thêm nào khác. Vợ thầy Nguyễn Duy Trình cũng là giáo viên dạy mầm non trong xã. Tiền lương của cả 2 vợ chồng không đủ chi phí sinh hoạt và nuôi 2 đứa con ăn học. Để trang trải cuộc sống, thầy làm thêm đủ nghề từ thợ xây, phụ hồ, sửa điện, mở lớp dạy bơi…
Động lực để thầy duy trì công việc “hợp đồng huyện” là tình yêu nghề và hy vọng được tuyển vào biên chế chính thức. “Tôi chờ đợi rất lâu nhưng vẫn không có chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên Thể dục tiểu học, dù đây là môn bắt buộc ở các nhà trường”, thầy Trình chia sẻ. Năm 2022, huyện Yên Thành được giao định biên và tiếp tục xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng, trong đó có 5 chỉ tiêu vị trí giáo viên môn Thể dục cấp tiểu học.
Tuy nhiên, thầy lại lỡ cơ hội, không trúng tuyển. “Các con tôi lớn dần, có đứa vào đại học, cần nhiều tiền, không thể trông cậy vào mức lương hơn 2 triệu đồng mỗi tháng. Nếu không vào biên chế, có lẽ tôi phải từ bỏ, kiếm nghề khác. Trước đó, có một trường ngoài công lập ở thị xã Cửa Lò mời tôi về dạy. Nhưng tôi vẫn đang cân nhắc vì xa nhà, trong khi tôi còn bố mẹ già cần chăm sóc”, thầy Trình ngậm ngùi.
Khắc khoải chờ lương
Thời gian qua, nhiều giáo viên mầm non hợp đồng theo Nghị định 06 và Thông tư 09 của tỉnh Nghệ An chịu nhiều thiệt thòi khi các văn bản trên hết hiệu lực từ 31/12/2021. Kéo theo đó, nguồn ngân sách Trung ương cấp về để trả lương cho các giáo viên này bị cắt. Trong khi chờ đợi Nghị quyết của HĐND tỉnh Nghệ An về chi trả lương cho giáo viên mầm non hợp đồng chưa được thông qua, các địa phương không có căn cứ pháp lý để trích ngân sách, dẫn đến tình trạng chậm lương của hơn 1.700 giáo viên hợp đồng khoảng 4 - 5 tháng.
Cô H.B.H là giáo viên hợp đồng tại trường mầm non huyện Tân Kỳ. Mức lương và các chế độ phụ cấp kèm theo khoảng 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến tháng 9, cô chưa được nhận lương. Chồng không có việc làm ổn định, 2 con nhỏ. Cuộc sống của cả nhà phụ thuộc vào nguồn lương cố định của cô. Chưa kể một số khoản mua trả góp hàng tháng sẽ trừ vào lương. Để trang trải sinh hoạt, cô phải vay mượn khắp nơi. Nhưng điều cô lo lắng nhất là tương lai mình có được tuyển dụng chính thức hay không.
Trường Mầm non thị trấn Tân Kỳ có 6 giáo viên hợp đồng diện 06 và 09. Tuy nhiên, hiện đã có 3 cô hợp đồng từ năm 2015 theo Nghị định 06 được tuyển dụng. Còn 3 giáo viên hợp đồng từ năm 2016 theo Thông tư 09 đang chờ đợt tiếp theo. Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Tân Kỳ - cô Dương Thị Dung chia sẻ: “Nhà trường phải thường xuyên động viên, nếu không các cô nghỉ việc mất. Nhà trường cũng đề xuất trích các nguồn thu để tạm ứng lương nhưng các cô e ngại vì không đúng quy định”.
Tháng 7/2022, HĐND tỉnh Nghệ An đã thông qua Nghị quyết 16, theo đó giáo viên mầm non hợp đồng 05, 09 sẽ được hưởng lương do ngân sách tỉnh chi trả. Tuy nhiên đến tháng 9, UBND tỉnh này mới có quyết định cấp kinh phí 118 tỷ đồng chi trả lương cho giáo viên hợp đồng huyện trên địa bàn tỉnh năm 2022. Qua đó giúp ổn định đời sống và tư tưởng cho giáo viên yên tâm công tác.
Ông Phùng Đức Nhân, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Cửa Lò (Nghệ An) cũng cho biết, khi được giao định biên, ngành sẽ tham mưu tuyển dụng toàn bộ số giáo viên mầm non hợp đồng trên địa bàn vào biên chế. Đội ngũ này đã hợp đồng nhiều năm, cần được tuyển dụng chính thức để “giữ chân” họ.
Bên cạnh đó, thị xã có khoảng 40 giáo viên hợp đồng dạy tiểu học. Số hợp đồng này nhằm đảm bảo tối thiểu tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp, thực hiện Chương trình GDPT 2018. Mức lương của giáo viên hợp đồng được tính theo tiết với 60 nghìn đồng/tiết. Trung bình mỗi giáo viên dạy 23 tiết/tuần thì mỗi tháng thu nhập của họ khoảng 6 triệu đồng.
Lãnh đạo Phòng GD&ĐT thị xã Cửa Lò cho hay, địa phương cố gắng để mức lương đảm bảo nhu cầu cuộc sống của giáo viên hợp đồng. Bởi họ chưa được đóng BHXH, dịp hè không có lương. Trong khi đó, khối lượng công việc tương đương với giáo viên chính thức, thậm chí nhiều hơn. Đây là nhân sự đào tạo bài bản, năng động, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học nhanh, xông xáo trong công việc và tuổi trẻ còn đam mê cống hiến.
Nếu không có mức thu nhập đủ giữ họ trong thời gian chờ tuyển dụng chính thức, rất dễ “mất” giáo viên. Hiện, số giáo viên tiểu học của thị xã Cửa Lò có thời gian hợp đồng lâu nhất khoảng 3 năm. Mỗi khi có chỉ tiêu, thị xã sẽ tuyển dụng và tiếp tục hợp đồng thêm giáo viên mới để đảm bảo chất lượng Chương trình GDPT mới.