Đó là chàng cử nhân Đặng Văn Hóa (SN 1988), quê ở xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Anh đã bỏ công việc ổn định tại 1 công ty dầu khí ở TP Vũng Tàu về quê chỉ để trồng chanh. Thấy anh bỏ việc nhẹ lương cao về làm nông dân có người cho là anh "gàn dở", trồng chanh nhiều để làm gì?
 
Gác bằng đại học, bỏ phố về quê trồng chanh dù mang tiếng "dở hơi"
 
Năm 2010, sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị nhân lực thuộc Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP Hồ Chí Minh, Đặng Văn Hóa (SN 1988), trú tại xã Nam Kim, huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã nhanh chóng tìm được công việc phù hợp với ngành học của mình tại một công ty dầu khí ở TP Vũng Tàu.


 
Vườn chanh sai quả trong gia đình trai đẹp xứ Nghệ Đặng Văn Hóa, xã Nam Kim, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Ảnh: Cảnh Thắng
 
Tuy nhiên, trong một lần về thăm quê, Hóa hái chanh từ vườn nhà để làm quà biếu cho bạn bè đồng nghiệp tại TP Vũng Tàu. Mọi người khen quả chanh xứ Nghệ to tròn, căng mọng, có vị chua nhẹ, rất thơm.
 
Nhận thấy quả chanh quê hương mình có nhiều ưu điểm, nên cũng từ đó Hóa ấp ủ ước mơ làm giàu từ quả chanh xứ Nghệ.
 
Năm 2017, sau 7 năm làm việc tại thành phố Vũng Tàu, Hóa quyết định từ bỏ công việc đã quen để về quê theo đuổi ước mơ được làm nông dân. Anh bắt tay vào việc trồng chanh với khát vọng đưa quả chanh, sản phẩm chế biến từ quả chanh vươn ra thị trường trong nước và nước ngoài.
 
Khi biết chàng trai khôi ngô tuấn tú đã có cơ may cởi áo nông dân đi làm "việc nhẹ lương cao" ở thành phố biển nay lại quay về mặc áo nông dân, ai cũng bất ngờ. Thậm chí, khi nghe anh nói bỏ việc về quê trồng chanh có người còn cho anh là "dở người".
 
Không vội vàng, ngay từ năm 2017 đến 2019, Hóa dành quãng thời gian này đi khảo sát thị trường, tìm hiểu cách chế biến các sản phẩm từ quả chanh. Đặc biệt là anh làm việc với các chuyên gia, gặp gỡ chính quyền địa phương và người trồng chanh.


 
Những cây chanh trĩu quả trên vùng đất xã Nam Kim, Nam Đàn, tỉnh Nghệ An do trai đẹp Đặng Văn Hóa trồng và chăm sóc Ảnh: Cảnh Thắng
 
Cuối năm 2019, khi thời cơ đến, Đặng Văn Hóa bắt đầu xây dựng nhà xưởng, khoảng tháng 6/2020, xưởng chế biến chanh Nam Kim mang thương hiệu Thiên Nhẫn ra đời và đi vào hoạt động.
 
Xây dựng thương hiệu chanh xứ Nghệ
 
Các sản phẩm chanh mang thương hiệu Thiên Nhẫn được chia làm 2 dòng. Dòng hóa mỹ phẩm gồm: Dầu gội dược liệu tinh chất chanh; nước rửa bát thảo mộc nước cốt chanh; tinh dầu chanh; tinh dầu sả chanh; nước lau sàn; nước giặt sinh học; nước rửa tay. 
 
Dòng thực phẩm từ chanh gồm: chanh bao tử mật ong; sắn dây chanh; mối tiêu chanh; bột vỏ chanh; bột chanh; nước cốt chanh...


 
Người trồng chanh thu hoạch quả chanh để nhập cho HTX Nam Kim chế biến thành các sản phẩm phục vụ các nhu cầu các nhau của người tiêu dùng. Ảnh: Cảnh Thắng
 
"Thời gian nay, do thiếu kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, lại gặp khó nguyên liệu đầu vào nên sản phẩm làm ra không được là bao. Đặc biệt ngay từ khi các sản phẩm chanh Thiên Nhẫn bán ra thị trường thị cũng là thời điểm dịch Covid -19 bùng phát, khiến mọi thứ ế ẩm. Từ sản xuất đến kinh doanh trì trệ, cầm chừng. Tôi đã rất lo", anh Đặng Văn Hóa cho hay.
 
"Nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, khi tình hình dịch bệnh thuyên giảm các sản phẩm như dầu gội đầu, nước rứa bát, săn dây chanh, nước cốt chanh đã được nhiều khách hàng biết đến và ưa dùng. Đặc biệt, tinh dầu chanh, tinh dầu sả chanh là 2 sản phẩm ban đầu được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Canada được đánh giá cao. Tôi rất mừng.", anh Hóa cho biết thêm.


 
Sản phẩm tinh dầu sả chanh của HTX Nam Kim được khách hàng tin dùng, trong đó sản phẩm này đã xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: Cảnh Thắng
 
Anh Đặng Văn Hóa chia sẻ: “Với mình, hơn 10 năm học tập và công tác ở các tỉnh phía Nam là không uổng phí. Khoảng thời gian đó giúp mình trưởng thành hơn, hiểu biết hơn, tích lũy được nhiều kiến thức, vốn sống cho bản thân...".
 
Khi nhận thấy niềm đam mê thực sự gắn liền với trồng chanh, với quả chanh nên anh theo đuổi việc sản xuất các sản phẩm từ quả chanh. 
 
"Không phải ai cũng hiểu được về chanh, trong khi tôi được sinh ra lớn lên ở vùng quê chuyên trồng chanh mà bà con nông dân quê tôi sống được cũng nhờ cây chanh, khá lên cũng nhờ cây chanh nên tôi hiểu và rất trân trọng điều đó”.


 
Vùng nguyên liệu trồng chanh 700 ha thuộc 3 xã Nam Kim, Khánh Sơn, Thượng Tân Lộc (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) của người dân sắp tới không còn sợ điệp khúc "được mùa, mất giá". Ảnh: Cảnh Thắng
 
"Hiện nay điều băn khoăn nhất của tôi là vùng nguyên liệu trồng chanh bền vững. Dù HTX chanh Nam Kim chúng tôi có ký kết bao tiêu sản phẩm quả chanh cho 155 hộ dân tại 3 xã Nam Kim, Khánh Sơn và Tân Thương Lộc (Nam Đàn), nhưng chừng đó là chưa đủ. Về lâu dài, tôi và cộng sự đang tính toán mở rộng vùng trồng chanh riêng của HTX để có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định...", anh Hóa cho biết thêm.
 
Thời điểm cao nhất giá chanh quả ở Nghệ An là 35.000 đồng/kg, giá chhanh thấp nhất 6.000 đồng/kg; còn hiện nay giá chanh đang ổn định là 15.000 đồng/kg.
 
Hiện nay, doanh thu từ chế biến quả chanh thành các sản phẩm mỹ phẩm và thực phẩm của HTX chanh Nam Kim dao động từ 300 triệu đến 500 triệu đồng/tháng.
 
Hợp tác xã đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 20 lao động địa phương và hàng trăm lao động thời vụ. Các lao động thường chuyên có mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng./.