Chủ động nắm bắt, kịp thời kiểm tra
Mục đích kiểm tra tổ chức Đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm nhằm ngăn ngừa vi phạm và xử lý kịp thời nếu có vi phạm, tránh sai nhỏ thành sai to, tạo sự răn đe, giáo dục, giữ nghiêm kỷ luật Đảng. Bởi vậy, công tác này luôn được các cấp ủy trong tỉnh quan tâm, chủ động nắm bắt, kịp thời kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.
Ở thị xã Thái Hòa, thời điểm tháng 3/2021, qua kiểm tra công tác quản lý đất đai, cải cách hành chính theo chương trình, kế hoạch của cấp ủy tại phường Quang Tiến (TX Thái Hòa) phát hiện chế độ hội họp theo quy chế và quy định của Điều lệ Đảng chưa đúng, Ủy ban Kiểm tra Thị ủy Thái Hòa đã xin chủ trương của cấp ủy tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy phường.
Qua kiểm tra cho thấy, quy chế làm việc của Đảng ủy phường có nội dung chưa phù hợp; chưa thực hiện đúng chế độ làm việc định kỳ với MTTQ và các đoàn thể. Đảng ủy không nghe, cho ý kiến vào quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025; chương trình làm việc toàn khóa và năm của đảng ủy; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách địa phương hàng năm.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thị ủy, Đảng ủy phường Quang Tiến vi phạm chế độ làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ theo quy chế làm việc, quy định của Đảng, làm ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy phường ở một số nội dung, lĩnh vực.
Trên cơ sở xem xét các nội dung, tính chất, mức độ, tác hại và nguyên nhân vi phạm “chiếu” vào quy định của Đảng về thi hành kỷ luật, khuyết điểm, vi phạm của Ban Chấp hành Đảng ủy phường chưa đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật và yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Trước đó, vào năm 2019, từ đơn thư của đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Thị ủy vào cuộc kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mỹ liên quan đến công tác quản lý, sử dụng ngân sách thời gian đương nhiệm. Qua kiểm tra kết luận cá nhân này có vi phạm và xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
"Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm là biện pháp quan trọng vừa ngăn ngừa, vừa chấn chỉnh, tránh sai nhỏ thành sai to".
Đồng chí Trần Khánh Sơn - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Thái Hòa
Đồng chí Trần Khánh Sơn - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Thái Hòa cho biết, công tác kiểm tra, giám sát nói chung, trong đó có kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm được cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp ở thị xã quan tâm. Đây là biện pháp quan trọng vừa để ngăn ngừa, vừa để chấn chỉnh vi phạm, tránh sai nhỏ thành sai to và quan điểm trong xử lý, vi phạm đến đâu xử lý đến đó; đồng thời chú trọng xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ theo các văn bản quy định, tránh “bé xé ra to” hoặc to thành nhỏ.
Thực tiễn ở huyện Thanh Chương, theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Xuân Ngân - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, quá trình kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên thông qua các kênh kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ của cấp ủy, ủy ban kiểm tra, qua các báo cáo của các cấp, qua đơn thư, phản ánh của cán bộ, đảng viên, Nhân dân, qua báo chí…, tỷ lệ tổ chức đảng và đảng viên vi phạm có đến trên 90%; nên các cấp ở Thanh Chương đặc biệt quan tâm, chủ động thu thập thông tin, nắm bắt tình hình và yêu cầu cao của kiểm tra dấu hiệu vi phạm là vào cuộc kiểm tra kịp thời, khẩn trương, xử lý nghiêm túc trường hợp vi phạm.
Từ kiểm tra, tổ chức đảng và đảng viên dù vi phạm ở mức nào cũng đều rút ra bài học cho riêng mình để tự kiểm điểm, tự chấn chỉnh, khắc phục; đặc biệt “thấy sợ” mà không dám vi phạm, không dám làm sai. Trường hợp tổ chức đảng và đảng viên không vi phạm sẽ được trả lại sự công bằng, tránh tư tưởng, dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên về kỷ cương, kỷ luật Đảng, ảnh hưởng đến phong trào chung.
Năm 2021, Ủy ban Kiểm tra 2 cấp ở Thanh Chương tiến hành kiểm tra 31 tổ chức Đảng và 44 đảng viên. Kết luận kiểm tra có 31/31 tổ chức đảng vi phạm nhưng ở mức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, trong đó yêu cầu 1 Đảng ủy xem xét xếp loại lại đối với 3 chi bộ trực thuộc; 37/44 đảng viên có vi phạm phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm nhưng chưa đến mức phải thi hành kỷ luật và có 7/44 đảng viên bị thi hành kỷ luật.
Kiểm tra khi có dấu hiệu
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được Đảng ta xác định là một trong những giải pháp trọng tâm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức Đảng và đảng viên thời gian qua được các cấp trong tỉnh tăng cường.
Nội dung kết luận vi phạm tập trung vào việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng; việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thực hiện quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ; công tác cán bộ; công tác quản lý đất đai; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...
Bên cạnh sự quan tâm, tăng cường, trao đổi, thì ở một số đơn vị cũng thẳng thắn nêu hạn chế về tính chủ động nắm bắt thông tin để vào cuộc kiểm tra dấu hiệu vi phạm, khiến việc xử lý, ngăn chặn, phòng ngừa ở một số thời điểm, địa bàn, lĩnh vực chưa kịp thời. Điều này dẫn đến có những thông tin, phản ánh, đơn thư liên quan đến tổ chức đảng và đảng viên chưa được kiểm tra kịp thời và tồn tại vi phạm trong thời gian dài chậm khắc phục, thậm chí sai nhỏ dễ trở thành sai to.
Việc giám sát, phát hiện và tổ chức kiểm tra đảng viên, tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm, nhất là cấp ủy viên cùng cấp khi có dấu hiệu vi phạm một số cơ sở còn hạn chế.
Mục đích của kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm nhằm ngăn ngừa vi phạm và xử lý kịp thời nếu có vi phạm, tạo sự răn đe, giáo dục, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng.
Trong cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Hà Nội vào ngày 27/4/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Từ thực tế công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã rút ra kinh nghiệm hoàn toàn đúng cả về lý luận, thực tiễn và đường lối. Đó là công tác kiểm tra của Đảng phải đi trước một bước, kiểm tra dấu hiệu vi phạm, cứ có dấu hiệu là Ủy ban Kiểm tra có quyền kiểm tra”.
Bởi vậy, công tác này tiếp tục được Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và các cấp đặt ra yêu cầu tăng cường. Trọng tâm là tập trung vào những địa bàn, lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm; những dấu hiệu suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; việc thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy; về cán bộ và công tác cán bộ; lĩnh vực kinh tế - tài chính, hành chính, tư pháp, y tế, giáo dục, quản lý và sử dụng đất đai…/.