Ông Thái Thanh Quý - bí thư Tỉnh ủy Nghệ An - khẳng định thông tin trên tại buổi thảo luận đề xuất điều chỉnh quy hoạch và bổ sung quy hoạch một số dự án thủy điện trên địa bàn tại phiên họp thường kỳ tháng 11 ngày 26-11.
Hiện nay, Nghệ An có 32 dự án được phê duyệt quy hoạch phát triển thủy điện với tổng công suất 1.378,9MW và hiện có 21 dự án đã vận hành phát điện với tổng công suất 930,9MW.
Các dự án nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác, vận hành hằng năm phát điện với sản lượng trung bình gần 3 tỉ kWh, đóng góp ngân sách cho tỉnh gần 600 tỉ đồng/năm.
Theo lãnh đạo Sở Công thương Nghệ An, ba dự án thủy điện lớn ở Nghệ An có số lượng di dân tương đối lớn với hơn 5.000 hộ phải di dời. Một số chủ đầu tư, địa phương lập phương án khu tái định cư nhưng việc giao đất sản xuất cho người dân còn chậm, xây dựng cơ sở hạ tầng không đảm bảo.
Trong những năm qua, qua rà soát quy hoạch, tỉnh đã trình Bộ Công thương loại khỏi quy hoạch 15 dự án thủy điện vừa và nhỏ, hiệu quả thấp, triển khai chậm tiến độ hoặc chưa triển khai.
Tại cuộc họp, ông Thái Thanh Quý - bí thư Tỉnh ủy Nghệ An - khẳng định từ năm 2015, Ban thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã có chủ trương không xem xét bổ sung quy hoạch thủy điện.
Người dân huyện Con Cuông, Nghệ An dọn dẹp nhà cửa sau đợt mưa lũ và nước từ các nhà máy thủy điện xả lũ năm 2018
Quan điểm của tỉnh khi xem xét các dự án thủy điện là xem quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của nhân dân được đặt lên hàng đầu.
Đối với các dự án có trong quy hoạch đề xuất điều chỉnh quy hoạch, cho phép điều chỉnh quy hoạch nhưng không được tăng công suất dự án; dừng 10 dự án, không cho phép bổ sung vào vào quy hoạch.
Còn với những dự án đã được thông qua trước đây đang trong quá trình vận hành, ông Quý yêu cầu tập trung theo dõi quá trình vận hành thật tốt; nếu quy trình thấy bất lợi cho người dân thì đề xuất với Chính phủ để điều chỉnh cơ chế vận hành.
Năm 2018, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Nghệ An đã chỉ ra mặc dù việc xả lũ của các nhà máy thủy điện không làm tăng lũ tự nhiên nhưng đã làm co hẹp dòng chảy và xả từ trên cao xuống với lưu tốc lớn làm biến đổi dòng chảy, gây sạt lở cho vùng hạ du.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An, việc vận hành xả lũ của các nhà máy thủy điện phụ thuộc rất nhiều từ công tác dự báo của trung tâm khí tượng thủy văn.
Hiện lưu vực sông Cả (sông Lam) có khoảng 80% diện tích nằm trên lãnh thổ nước bạn Lào, nhưng việc theo dõi khí hậu, thời tiết trên đất bạn chưa nắm bắt được do "trắng" số liệu dự báo.
Vì vậy, UBND tỉnh Nghệ An đã đề nghị trung ương xây dựng một trạm khí tượng thủy văn ở thượng nguồn sông Cả, xây dựng bản đồ ngập lụt cho vùng hạ du sông./.