Mặc dù khởi sự gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên bằng ý chí, niềm đam mê, đến nay nhiều sản phẩm từ mầm lúa mạch đã chinh phục được thị trường khó tính như Nhật Bản.
 
Khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn 
 
Năm 2015, Công ty Cổ phần An An Agri (đóng ở xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, Nghệ An) bắt đầu vào sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng thanh sạch từ rau, củ, quả… Thời điểm này, công ty còn gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn cũng như thị trường tiêu thụ.
 
Đến năm 2017, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nghệ An, công ty đã mạnh dạn bắt tay vào trồng mầm lúa mạch trên diện tích hơn 2ha, nhằm để sản xuất bột, tinh chất lúa mạch…
 
Chị Đặng Thị Tâm (SN 1983, Chủ tịch HĐQT Công ty An An Agri) chia sẻ, đây thuộc đề án của Sở KH&CN và Bộ KH&CN tài trợ (với số tiền hỗ trợ gần 1 tỷ đồng) để vừa làm, vừa để nghiên cứu, thử nghiệm.
 
Trước những thách thức lớn, đơn vị này đã tìm đến Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN để nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ, tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt. Sau 1 quá trình thẩm định, các sản phẩm từ mầm lúa mạch đã vượt quá tất cả những dự án do mới hơn, mang tính kinh tế cao.
 
Chị Tâm cho biết: “Khi đưa giống mầm lúa mạch ra ngoài trời để trồng với khí hậu khắc nghiệt, chọn phương pháp nào, chế biến ra sao cũng là một câu hỏi chúng tôi phải bàn bạc mãi. Nếu chế biến thô thì cũng giống như bán trên ruộng đồng bán thô thôi, lúc này công ty gặp khó khăn về nguồn vốn nên cũng rất băn khoăn. Mặc dù được sự ủng hộ từ phía Sở KH&CN, tuy nhiên nhiều lúc mình muốn bỏ vì công việc quá nhiều, đặc biệt nguồn vốn lại không có trong tay”.
 
Sau nhiều nỗ lực và được sự giúp đỡ của trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, một số sản phẩm mẫu mà bên Nhật đưa sang đặt hàng phía công ty đã được đáp ứng tiêu chuẩn vô cùng khắt khe.
 
Đến năm 2018 sản phẩm bột và tinh chất lúa mạch đã được xuất sang thị trường Nhật Bản, mang đến tín hiệu vui từ những sản phẩm vô cùng mới mẻ trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
 
Đa dạng hóa các sản phẩm từ mầm lúa mạch
 
Chỉ cho chúng tôi dạng bột thô từ mầm lúa mạch, chị Đặng Thị Tâm cho biết, quá trình xử lý, cho ra sản phẩm này cũng rất tỉ mỉ, vừa xử lý qua các công nghệ, sau đó đưa vào máy sấy lạnh để sấy rồi quá trình nghiền cho ra thành phẩm. Còn đối với dạng tinh chất lúa mạch thì không phải doanh nghiệp nào cũng làm được (dạng tính chất 1 tấn mầm lúa mạch chỉ cho ra 1kg tinh chất - PV), vì thế chất lượng sản phẩm đảm bảo nhưng giá thành rất cao.


 
Bột, tinh chất từ mầm lúa mạch đã chinh phục được thị trường khó tính như Nhật Bản.
 
Để đảm bảo các sản phẩm chất lượng, công ty không ngừng trang bị các thiết bị máy móc, ứng dụng khoa học công nghệ. “Chúng tôi luôn chú trọng khâu trồng và chế biến. Hiện nay công ty đang duy trì hơn 2 ha mầm lúa mạch, sắp tới hướng mở 50% ha để tạo nguồn cung cấp đáp ứng được khâu sản xuất, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước”, chị Tâm cho hay.


 
Quy trình sản xuất các sản phẩm từ mầm lúa mạch vô cùng tỉ mỉ, khắt khe để đảm bảo chất lượng. 
 
Đến thời điểm hiện tại, nhiều sản phẩm của Công ty CP An An Agri đã tạo được uy tín, thương hiệu cho người dùng. Các sản phẩm như: Bột lúa mạch, tinh chất lúa mạch, bột lúa mạch hòa tan, mầm lúa mạch, bánh, cốm… luôn đảm bảo chất lượng, đặc biệt khi có sự cố vấn về chuyên môn của chuyên gia đến từ Nhật Bản.


 
Công nhân thu hoạch mầm lúa mạch trên cánh đồng hơn 2ha của công ty
 
Ngoài đưa sản phẩm tới thị trường khó tính như Nhật Bản, hiện tại Hà Nội, TP Vinh…  đã có các nhà phân phối cho các siêu thị, nhà hàng, tạo công ăn việc làm cho khoảng 60 lao động địa phương. Doanh thu năm vừa rồi của công ty đạt 20 tỷ đồng/năm.
 
Ông Ngô Hoàng Linh – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Nghệ An đánh giá, chị Đặng Thị Tâm là một cá nhân đam mê và phát triển các sản phẩm nông nghiệp, giúp đỡ người nông dân, là người có trách nhiệm với cộng đồng trên nền tảng phát triển kinh doanh để tìm hướng đi đúng với ngành nghề.


 
Tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương.
 
Việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp rất đáng khuyến khích, tuy nhiên trước đây khi mới bước vào làm, chị Tâm cũng gặp rất nhiều vất vả, khó khăn. Sau khi tìm đến Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, chúng tôi đã hỗ trợ, định hướng cho đơn vị không làm nguyên liệu thô nữa mà nên chế biến sâu.
 
“Chúng tôi đã tư vấn hỗ trợ công nghệ chế biến sâu đó là làm tinh bột, tinh chất từ mầm lúa mạch tạo ra những sản phẩm có giá trị thương mại cao hơn, chinh phục được thị trường khó tính như Nhật Bản. Bước đầu sản phẩm đã có chỗ đứng trong thị trường, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Sắp tới trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đơn vị về khoa học, công nghệ để tiếp tục mở rộng thị trường sản xuất trong thời gian tới”, ông Linh nói./.