Những vết nứt xuất hiện chạy quanh núi nơi người dân tại huyện vùng núi tỉnh Nghệ An sinh sống khiến mọi người vô cùng lo lắng.
 
Cảnh báo sạt lở ở huyện miền núi
 
Bản Nam Tiến 2, xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An có 36 hộ dân với hơn 150 nhân khẩu sinh sống nhiều đời nay. Các ngôi nhà được xây dựng dưới chân núi. Thế nhưng, bắt đầu từ năm 2018, trải qua các cơn mưa bão liên miên, người dân phát hiện tổng cộng có 9 vết nứt có chiều dài từ 40 đến 220 mét, sâu nhất là 2 mét, rộng nhất là 1,5 mét ở trên đỉnh núi sau bản.
 

 
Các ngôi nhà nơi đây đều dựa lưng vào núi.
 
Đặc biệt, phần sân và nhà văn hóa bản Nam Tiến 2 cũng nứt nẻ xuống cấp nghiêm trọng có thể sấp bất cứ lúc nào. Trước việc này, người dân vô cùng lo lắng và sợ hãi. Một số người dân phải đi đến nhà người thân ở nhờ.
 
Ông Cụt Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Nam cho biết: “Ngay thời điểm phát hiện sự việc chúng tôi đã tiến hành kiểm tra và báo cho cấp trên. Nhưng khi chưa tìm được cách thì các cơn bão khác lại ập đến, mưa kéo dài khiến nền đất bị yếu vì vậy các vết nứt to dần”.
 

 
Việc xuất hiện các vết nứt đe dọa người dân phía dưới.
 
Thậm chí, có vết nứt để lọt cả bàn tay. Trước sự việc ảnh hưởng đến tính mạng của người dân nên cứ mỗi khi mưa lớn thì chính quyền địa phương đã cử cán bộ đến từng nhà vận động người dân di dời đến nơi an toàn. Với cả quả núi hàng trăm nghìn khối đất đá đang lơ lửng trên đầu, người dân cảm thấy đang bị đè bởi “khối bom” đất chỉ chờ bị nổ.
 
Năm 2019, tình trạng càng nguy cấp hơn, qua thống kê hiện tượng rạn nứt, sạt lở trên đỉnh núi làm ảnh hưởng đến 42/48 hộ dân bản Nam Tiến 2. Trong đó có 16 hộ dân với 131 nhân khẩu nằm trong tình trạng báo động cần di dời và sơ tán khẩn cấp ra khỏi khu vực sạt lở.
 
 
Những vết nứt khiến người dân lo lắng.
 
Theo quan sát, các vết nứt chạy dài hàng trăm mét ngay cạnh khu dân cư. Có nhiều điểm từng lớp đất đã sụt xuống thấp hơn trước đây hơn 1 mét. Những tảng đất đá khổng lồ đang dần tách rời, nguy cơ trôi tuột xuống khe suối bất cứ lúc nào. Chính vì thế, mỗi lần mưa lớn, chính quyền đều phải đến để vận động người dân sơ tán tới nơi an toàn.
 
“Chúng tôi lo lắm, vì mỗi khi trời mưa thì đều phải chạy ra kiểm tra. Giờ thì không thể sống được ở đây nữa rồi, bởi sớm muộn gì rồi nó cũng đổ ập xuống. Cần phải di dời cả bản, chỉ có cách đó mới sống ổn định được”, ông Thắng nói thêm.
 

 
Vết nứt to bằng bàn tay.
 
Trời mưa to thì lập tức di dời
 
Ông Nguyễn Hữu Minh – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, trong các cơn bão số 7 và số 9 vừa qua, trên địa bàn có mưa to và rất to nên nguy cơ xảy ra sạt lở đất. Vì vậy, huyện Kỳ Sơn tiếp tục sơ tán các hộ dân ở các địa phương nằm trong diện sạt lở núi. Cụ thể, ngày 29/10, UBND huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo UBND xã Bảo Nam kịp thời sơ tán 36 hộ dân, với 156 nhân khẩu ở bản Nam Tiến 2, về khu sơ tán để tránh trú an toàn.
 

 
Trời mưa lớn nên người dân phải di dời.
 
Ngày 30/10, ông Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An và đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác sơ tán dân tại các điểm có nguy cơ sạt lở ở huyện Kỳ Sơn. Ông Nguyễn Văn Thông đã thăm hỏi, động viên người dân tại điểm sơ tán, đồng thời đề nghị chính quyền các cấp kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở, có phương án xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, giúp người dân vận chuyển, sơ tán tài sản đến nơi an toàn.
 

 
Chính quyền địa phương hỗ trợ người dân.
 
Ngoài ra, các hộ dân nằm trong khu vực sạt lở núi của bản Na Mỳ, Vàng Phao, Xốp Phe, xã Mường Típ và bản Xốp Phong, xã Mường Ải cũng được sơ tán đến địa điểm đã chuẩn bị từ trước. Vào năm 2019, để có chỗ tránh, trú tạm thời cho người dân, UBND huyện Kỳ Sơn đã khảo sát và dựng các khu sơ tán cách bản Vàng Phao hơn 1 km.
 
Cùng với công tác sơ tán, huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo các xã tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ người dân về lương thực thực phẩm, trong đó huyện chỉ đạo các xã trích nguồn kinh phí dự phòng để giúp người dân sinh hoạt tại các khu tránh trú tạm thời. Ông Nguyễn Hữu Minh cho hay: “Chúng tôi đã thống kê và có báo cáo gửi UBND tỉnh Nghệ An về những điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Hiện, chúng tôi đang chờ kế hoạch của các sở ban ngành. Tuy nhiên, UBND huyện cũng kiến nghị là di dời người dân càng sớm càng tốt”.
 
Theo vị Chủ tịch huyện, chính quyền địa phương sẽ vận dụng các nguồn vốn để bố trí kinh phí san ủi mặt bằng, di dời người dân đến nơi ở mới an toàn trong thời gian sớm nhất có thể. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách của huyện còn nhiều khó khăn, không thể ngay tức thì có thể bố trí kinh phí để di chuyển toàn bộ gần 300 dân đến nơi ở mới cùng lúc.
 
Vì vậy, hiện chính quyền đang kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ của UBND tỉnh và Trung ương bố trí ngân sách để giúp huyện Kỳ Sơn có thêm kinh phí sớm di chuyển các hộ dân ở các bản làng nêu trên đến nơi ở mới an toàn hơn.
 
Cũng tại huyện Kỳ Sơn, sau một thời gian ngắn các vết nứt được hình thành, sau trận mưa lớn vào trung tuần tháng 9 vừa qua, hàng loạt điểm trên tuyến đường vào xã Na Ngoi cùng bị sạt lở nghiêm trọng. Hàng trăm khối đất đá đã bị nứt gãy từ trước đổ ập xuống, làm chết 8 con trâu của người dân. Sạt lở cũng làm tuyến đường vào xã bị hư hại nghiệm trọng, có đoạn kéo dài hàng trăm mét bị khối đất đá cao hơn 2 mét vùi lấp./.