Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có khá nhiều khu vực sạt lở và có khả năng sạt lở đất nguy hiểm đến hàng chục, thậm chí hàng trăm hộ dân sống phía dưới. Các phương án đưa ra là phải di dời, tái định cư cho người dân ở nơi an toàn. Thế nhưng, việc làm “khẩn cấp” này triển khai còn chậm.
 
Cứ mưa lớn là “sơ tán khẩn cấp”
 
Cuối tháng 10/2020, do hoàn lưu bão số 9 và không khí lạnh tăng cường, trên địa bàn một số huyện của tỉnh Nghệ An xảy ra mưa lớn. Mưa to kéo dài nên nhiều khu vực đồi núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An xuất hiện tình trạng nứt, sạt lở đất…đe dọa đến an toàn tính mạng và tài sản của hàng trăm hộ dân. Có thể kể đến những “điểm nóng” về sạt lở đất ở các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế phong, Hưng Nguyên…
 

 
Sạt lở đất là nỗi ám ảnh của người dân vùng núi Nghệ An
 
Đặc biệt, tại huyện biên giới Kỳ Sơn, tình trạng nứt nẻ núi, sạt lở đất luôn là nỗi ám ảnh của người dân nhiều xã như Mường Ải, Mường Típ, Bảo Nam trong nhiều năm qua. Trong đợt mưa lụt cuối tháng 10/2020 vừa qua, tình trạng sạt lở đất đã uy hiếp hàng trăm hộ dân ở các xã nói trên.
 
Trước thực trạng đó, UBND huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo một số xã tổ chức sơ tán người dân đến nơi an toàn cho 200 hộ với 1.064 nhân khẩu bao gồm: Xã Mường Ải sơ tán 26 hộ với 144 nhân khẩu ở bản Xốp Phong; xã Bảo Nam có 36 hộ với 194 nhân khẩu ở bản Nam Tiến 2; xã Mường Típ có 138 hộ với 726 nhân khẩu thuộc 3 bản, bao gồm: bản Na Mỳ có 44 hộ với 250 khẩu, bản Vàng Pao có 69 hộ với 351 khẩu, bản Xốp Phe có 25 hộ với 125 nhân khẩu.
 
Cũng liên quan đến sạt lở và nguy cơ sạt lở. Tại khu vực chân núi Rú Rậm và Rú Lài, xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên xuất hiện sạt lở đất đã từ 3 năm nay, đe dọa an toàn 39 hộ với gần 140 nhân khẩu sinh sống phía dưới.
 
Đặc biệt, sau đợt mưa lớn vào cuối tháng 10 vừa qua, nhiều vết nứt, điểm sụt trượt mới lại xuất hiện ở sườn núi, nên nguy cơ sạt lở đất, vùi lấp các nhà dân có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thời điểm đó, huyện Hưng Nguyên đã phải cắt cử lực lượng chốt trực, sơ tán khẩn cấp người dân để đảm bảo an toàn.
 

 
Sạt lở đất tại Rú Rậm và Rú Lài, xã Hưng Yên Nam (huyện Hưng Nguyên) uy hiếp 39 hộ dân
 
Cũng do ảnh hưởng của mưa lớn trong cơn bão số 9 cuối tháng 10/2020, tại khu vực đồi núi của bản Bủng Xát, xã Châu Khê, huyện Con Cuông xuất hiện vết nứt lớn hình vòng cung trượt. Vết nứt khá lớn, với chiều dài khoảng 70-80m, dọc theo tuyến đường giao thông; sụt lún so mặt bằng tự nhiên khoảng 50-60 cm.
 

Vết nứt tại bản Bủng Xát, xã Châu Khê (huyện Con Cuông)
 
Khu vực đồi núi bị nứt có độ dốc lớn, nguy cơ sạt lở cao khi có mưa to do đã mất cân bằng về kết cấu địa chất; các dòng khe trên núi đã chảy vào vị trí cung trượt này... Nếu xảy ra sạt lở đất, ngoài nguy cơ vùi lấp 17 hộ dân, với 68 nhân khẩu ở phía dưới chân đồi, còn gây tắc nghẽn toàn bộ tuyến đường giao thông, từ Đồn Biên phòng Châu Khê đến trung tâm xã.
 

 
Nhà cửa của người dân bản Bùng Xát nằm chênh vênh bên vực cực kỳ nguy hiểm
 
Từ đến nay, để bảo đảm an toàn cho những hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm này, UBND huyện Con Cuông đã tiến hành sơ tán tạm thời toàn bộ 17 hộ dân với 68 nhân khẩu đến nơi an toàn. Đồng thời, bảo đảm các nhu yếu phẩm thiết yếu cho số người dân này ở các điểm sơ tán.
 
Được biết, hồi đầu tháng 11/2020, ông Hoàng Ngĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã kiểm tra tình hình sạt lở trên, xác định tính cấp bách phải di dời, tái định cư, ổn định cuộc sống cho toàn bộ 17 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất; đồng thời, sớm có phương án xử lý khối đất có nguy cơ sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng người dân và giao thông trên tuyến.
 

 
Vết nứt ở bản Bùng Xát ngày càng lớn và kéo dài
 
Hiện, UBND huyện Con Cuông đã lập dự án xây dựng di dời khẩn cấp các hộ dân vùng thiên tai, sạt lở đất tại bản Bủng Xát, xã Châu Khê, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 20 tỷ đồng, trình UBND tỉnh Nghệ An xem xét, phê duyệt.
 
Theo đó, có hai phương án: Phương án 1, sắp xếp chỗ ở ổn định đời sống cho 17 hộ di dời tại nơi ở cũ nếu sau khi xử lý vùng sạt lở bảo đảm an toàn, ổn định lâu dài. Phương án 2, xây dựng khu tái định cư mới và di dời toàn bộ 17 hộ dân đến khu tái định cư này hoặc xen ghép tùy theo tình hình thực tế tại quỹ đất của địa phương.
 

 
Những ngôi nhà trước nguy cơ sạt lở đất
 
Theo lãnh đạo UBND huyện Con Cuông, cho biết, quan điểm của huyện là xử lý khu vực có nguy cơ sạt núi nói trên, bằng cách kè đá để giữ đất và tránh hư hỏng đường giao thông phía dưới. Đối với 17 hộ dân ở bản Bủng Xát, phải bố trí khu tái định cư để ổn định cuộc sống lâu dài. Tuy nhiên, để khảo sát được khu tái định cư thuận lợi là rất khó, nhất là trên địa bàn xã Châu Khê hiện chưa tìm được vị trí thích hợp.
 
Cần nhanh chóng TĐC cho người dân ở nơi an toàn
 
Được biết, tại kỳ họp thứ 14 - HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII hồi tháng 5/2020 đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư di dân tự do và di dời khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai sạt lở và vùng đặc biệt khó khăn thuộc khu vực biên giới Việt – Lào, xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn và Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Di dời khẩn cấp 49 hộ dân bản Phà Kháo, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương ra khỏi vùng sạt lở đất nguy hiểm.
 

 
Khu vực sơ tán người dân ở bản Na Mỳ, xã Mường Típ (huyện Kỳ Sơn)
 
Theo đó, dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư di dân tự do và di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai sạt lở và vùng đặc biệt khó khăn thuộc khu vực biên giới Việt – Lào, xã Mường Típ do UBND huyện Kỳ Sơn làm chủ đầu tư.
 
Quy mô đầu tư của dự án bao gồm san lấp tạo mặt bằng khu tái định cư, diện tích khoảng 6 ha; Đường giao thông vào khu tái định cư, thiết kế theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn cấp C, dài khoảng 5,5km; Đường giao thông nội vùng, dài khoảng 2km (nền đường rộng 4m, mặt đường bê tông xi măng, rộng 3m); Hệ thống nước sinh hoạt tự chảy (đập dâng, bể chứa nước, đường ống dẫn nước dài khoảng 3.100 m); Xây dựng 2 phòng học trường mầm non, diện tích xây dựng khoảng 225,72 m2; 2 phòng học trường tiểu học, diện tích xây dựng khoảng 174,96 m2.
 
Địa điểm thực hiện dự án tại xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn. Dự án triển khai trong 2 năm, dự kiến khởi công từ năm 2020. Tổng mức đầu tư dự án không quá 22 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2019 hỗ trợ thực hiện các dự án cấp bách và Ngân sách huyện Kỳ Sơn.
 

 
Dự án chống sạt lở ở thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn) với tổng mức đầu tư gần 50 tỷ đồng là dự án hiếm hoi được thi công gần hoàn thành
 
Dự án sẽ đáp ứng nơi ở mới cho 43 hộ dân vùng có nguy cơ cao sạt lở đất và 25 hộ dân di cư tự do tại bản Vàng Pao, xã Mường Típ, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, ổn định chỗ ở lâu dài cho người dân.
 
Tại huyện Tương Dương, chủ trương đầu tư dự án Di dời khẩn cấp 49 hộ dân bản Phà Kháo, xã Mai Sơn ra khỏi vùng sạt lở đất nguy hiểm do UBND huyện Tương Dương làm chủ đầu tư. Mục tiêu là xây dựng mới cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư để đưa 49 hộ dân bản Phà Kháo, xã Mai Sơn ra khỏi vùng sạt lở đất nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, ổn định chỗ ở lâu dài cho người dân.
 
Dự án có quy mô diện tích 5 ha; có tổng mức đầu tư 21 tỷ đồng. Trong đó, Ngân sách Trung ương hỗ trợ từ nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh Nghệ An đề xuất giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 và bố trí vốn trong năm 2020 là 20 tỷ đồng; Ngân sách huyện Tương Dương là 1 tỷ đồng, dự kiến bố trí năm 2021. Thời gian và tiến độ thực hiện dự án không quá 03 năm, dự kiến bắt đầu từ năm 2020.
 
 
Chính quyền huyện Kỳ Sơn dựng gần 200 chiếc lều tạm ở các xã Mường Típ, Mường Ải cho người dân sơ tán mỗi khi có mưa to
 
Có thể nói, đây là 2 trong số nhiều dự án thuộc diện “khẩn cấp” liên quan đến thiên tai trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đáng lẽ phải được triển khai nhanh chóng để hoàn thành trong thời gian ngắn nhất và đưa vào sử dụng nhằm sớm di dời người dân ra khỏi vùng sạt lở đất nguy hiểm; đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, ổn định chỗ ở lâu dài cho người dân.
 
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV thì các dự án “khẩn cấp” nói trên vẫn chưa được triển khai hoặc triển khai còn quá chậm chạp. Và, chắc chắn rằng ước mơ về một nơi an cư an toàn của biết bao người dân vùng cao vẫn sẽ phải luẩn quẩn với điệp khúc…chờ!