minh-hop-1633614208.jpg
Do liên quan đến sai phạm về đất đai nên mỏ đá Lèn Chu ở xã Minh Hợp và Thọ Hợp, huyện Quỳnh Hợp, Nghệ An nên Công ty TNHH Toàn Thắng đã bị cơ quan có thẩm quyền ban hành các Quyết định xử phạt hành chính (ảnh: Q.T)

Hành vi này của một nữ “đại gia” chủ mỏ đá ở huyện Quỳ Hợp, Nghệ An đã bị cơ quan có thẩm quyền ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai nhưng đằng sau đó nhiều câu chuyện vẫn đang được dư luận quan tâm.

Từ gần 10 năm nay, Công ty TNHH Toàn Thắng địa chỉ tại khu tiểu thủ công nghiệp Thung Khuộc, thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An do bà Trần Thị Toàn là người đại diện theo pháp luật luôn được biết đến là doanh nghiệp “ăn nên, làm ra” trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.

Với lợi thế đứng chân trên địa bàn vốn dĩ là “thủ phủ” của miền đá trắng – loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao nên nữ “đại gia” Trần Thị Toàn nhanh chóng nắm bắt cơ hội “thâu tóm” nhiều điểm mỏ khai thác, chế tác, kinh doanh…

Lèn Chu tại địa phận xã Minh Hợp và Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp cũng là một trong những điểm mỏ mà Bộ TN&MT đã cấp phép số 2351/GP-BTNMT cho Công ty TNHH Toàn Thắng từ ngày 27/7/2018, với thời hạn khai thác 30 năm.

Đây là khu vực mỏ đá Dolomit lớn, có giá trị kinh tế cao khi được chế tác, xuất ra trên thị trường. Bởi qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, loại đá này là tên một loại đá trầm tích cacbonat và là một khoáng vật, công thức hóa học của tinh thể là CaMg (CO3)2 có màu sắc đẹp, quý phái. Đá dolomit được tạo nên phần lớn bởi khoáng vật dolomite và là một trong những loại khoáng sản hiếm của Việt Nam.

Trở lại với vấn đề khai thác mỏ đá tại khu vực xã Minh Hợp và Thọ Hợp, Quỳ Hợp của Công ty TNHH Toàn Thắng thì theo như giấy phép mà Bộ TN&MT cấp thì đơn vị này có thời gian 1 năm để xây dựng cơ bản mỏ.

Tiếp đó, vào ngày 28/7/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An ký hợp đồng số 102/HĐ-TĐ, cho phép Công ty TNHH Toàn Thắng thuê đất với diện tích được sử dụng vào mục đích hoạt động khoáng sản là 56.857,6m2, thời hạn thuê đến tháng 7/2048.

Vậy nhưng, chỉ sau 01 năm kể từ ngày được ký hợp đồng thuê đất, do có hành vi “chiếm đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn” trái phép nên vào ngày 23/4/2021, Công ty TNHH Toàn Thắng đã bị UBND huyện Quỳ Hợp ra Quyết định số 572/QĐ-UBND, xử phạt hành chính doanh nghiệp này với số tiền 55.853.000 đồng. Quyết định số 572 do UBND huyện Quỳ Hợp ban hành còn yêu cầu Công ty TNHH Toàn Thắng phải “khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã chiếm theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP. Thời hạn khắc phục hậu quả là 90 ngày kể từ ngày nhận quyết định”.

Chưa dừng lại ở đó, đến ngày 15/6/2021, ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký Quyết định số 1876a/QĐUBND, xử phạt công ty TNHH Toàn Thắng số tiền 100 triệu đồng do vi phạm quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ.

Chiếu theo các điều khoản nói trên thuộc Nghị định số 91 của Chính phủ, Công ty TNHH Toàn Thắng đã có hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn với quy mô 2,9ha.

mo-1633614262.jpg
Đến nay, câu chuyện về sai phạm liên quan đến đất đai chủ mỏ khai thác đá tại Lèn Chu của nữ "đại gia" Trần Thị Toàn vẫn chưa thể làm nguội dư luận

Liên tiếp bị xử phạt với tổng cộng số tiền hơn 150 triệu đồng nhưng dư luận đặt câu hỏi vì sao khi doanh nghiệp này đã xây dựng nhà xưởng chế biến đá và các hạng mục liên quan lại không được cơ quan chính quyền sở tại phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu? Và, liệu cơ quan có thẩm quyền tỉnh Nghệ An có ra các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp này cho “qua chuyện”, để sai phạm tiếp tục tồn tại?

Không chỉ dừng lại ở hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến đất đai mà trước đó, vào năm 2019, nữ “đại gia” Trần Thị Toàn – giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng còn được biết đến không ít “lình xình” xung quanh câu chuyện xây dựng chùa không phép ở Nghệ An và Hà Tĩnh.

Cụ thể, trước đó, bà Trần Thị Toàn đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất đối với 1.309m2 đất trồng cây lâu năm để xây dựng các công trình tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo tồn tại ở thị trấn Quỳ Hợp, nơi đặt trụ sở của Công ty TNHH Toàn Thắng. Các hạng mục này khi xây dựng chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép xảy ra từ năm 2012 đến năm 2015. Cụ thể, bà Trần Thị Toàn đã tổ chức cho xây dựng 7 công trình tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo, tổng giá trị khoảng trên 70 tỷ đồng.

Không chỉ ở Nghệ An, bà Trần Thị Toàn còn tổ chức xây dựng một ngôi chùa khi chưa hoàn thành các thủ tục liên quan tại xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Hành vi của bà Trần Thị Toàn đã bị xã lập biên bản nhưng không chấp hành.

Với những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến đất đai từ việc khai thác mỏ khoáng sản đến tự ý xây dựng các công trình tâm linh, tín ngưỡng trái phép xảy ra nhưng cơ quan chức năng vẫn loay hoay “chạy theo” nữ “đại gia” nói trên để xử phạt, lập biên bản.

Phải chăng, pháp luật chẳng thể được thượng tôn đối với các hành vi mà bà Trần Thị Toàn – giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng gây ra lại không được ngăn chặn, xử lý nghiêm minh? Và, đằng sau đó, ai đã “chống lưng” cho các sai phạm ngang nhiên tồn tại kéo dài như vậy?