Trước đó, ngày 21/4/2009, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 1479 về việc cho phép lập dự án: “Xây dựng mẫu các khu tái định cư (TĐC) cho hộ dân vạn chài trên sông Lam và vùng đặc biệt khó khăn huyện Thanh Chương”.
Theo Quyết định trên, có gần 200 hộ dân chài ven sông Lam và vùng đặc biệt khó khăn của huyện Thanh Chương sẽ được bố trí tại khu TĐC Khe Mừ, xã Thanh Thủy và khu TĐC Triều Dương, xã Thanh Lâm (Thanh Chương). Trong đó, tập trung nhiều nhất ở xóm Vận Tải, xã Võ Liệt (nay gọi là xóm Minh Đức), xóm Giang Thủy (xã Thanh Giang), số còn lại nằm rải rác ở các xã Phong Thịnh, Thanh Hà, Thanh Yên, khối 6 thị trấn Dùng... lên sống định cư, ổn định sản xuất và sinh hoạt.
Dự án do Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT Nghệ An làm chủ đầu tư, số vốn ban đầu được duyệt là 74 tỷ đồng, sau khi điều chỉnh quy hoạch lần hai, vốn đầu tư dự án được nâng lên hơn 84 tỷ đồng (từ nguồn vốn Trung ương cấp và vốn đối ứng của tỉnh Nghệ An). Công ty cổ phần Đại Cát Thành (trụ sở tại Hà Nội) là đơn vị trúng thầu xây dựng dự án.
Để triển khai dự án khu tái định cư Khe Mừ, chủ đầu tư đã tiến hành thu hồi gần 300ha đất rừng sản xuất của 49 hộ dân. Trong số các hộ dân này, chủ yếu là công dân xã Thanh Thủy, số ít còn lại là công dân các xã Thanh An, Thanh Khê, Thanh Chi,… của huyện Thanh Chương. Bên cạnh đó, tại dự án TĐC Triều Dương, chủ đầu tư dự án cũng thu hồi hơn 100 ha đất sản xuất của người dân địa phương.
Sau khi có chủ trương thu hồi đất của Nhà nước, người dân có đất sản xuất tại khu vực Khe Mừ (xã Thanh Thủy) đã nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, nhanh chóng thu hoạch hoa màu, sản vật trên đất… sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Ngày 7/5/2010, Dự án TĐC làng chài tại Khe Mừ, xã Thanh Thủy và Triều Dương, xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương được khởi công với sự chứng kiến của rất nhiều các cơ quan, ban ngành và sự hân hoan mong đợi của người dân hưởng lợi từ dự án. Theo kế hoạch, đầu năm 2011, dự án sẽ bàn giao đất sản xuất, nền đất ở cho 120 hộ dân vào sinh sống tại vùng Khe Mừ, xã Thanh Thủy và 45 hộ vùng đập Triều Dương, xã Thanh Lâm.
Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thi công, do nhiều nguyên nhân khác nhau, dự án tái định cư Khe Mừ không đảm bảo tiến độ bàn giao như kế hoạch đề ra. Việc thi công dự án tái định cư Khe Mừ kéo dài đến năm 2016, đã hoàn thành một số hạng mục (mặt bằng đất ở, đường dân sinh, đường điện, nhà văn hóa...) rồi dừng hẳn, bỏ hoang, phơi sương trong nhiều năm.
Anh Nguyễn Minh Phùng (trú tại xóm Minh Đức, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương), cho hay: Những năm gần dây, con em trong xóm đều đã đi tìm kiếm công việc làm ăn xa, trong xóm chủ yếu còn lại ông bà già. Cuộc sống của người dân ở đây rất khó khăn, không có đất ở, không có đất sản xuất, ai cũng mong muốn được tái định cư nhưng hơn 10 năm rồi, mong ước của người dân chưa thành hiện thực.
Chờ đợi tái định cư quá lâu, người dân vạn chài xóm Minh Đức, xã Võ Liệu đã lên bờ sông Lam xây dựng nhà ở. Theo những người dân nơi đây, dù biết là xây dựng trái phép, nhưng vì chờ lâu quá không được đến khu tái định cư nên họ đành phải lên bờ dựng nhà ở tạm.
Ông Bùi Xuân Lĩnh - Chủ tịch UBND xã Võ Liệt cho biết, một hộ dân đã xây dựng nhà ở gần bờ sông Lam, đó là các công trình xây dựng trái phép, khi họ được nhận đất tái định cư sẽ phá bỏ. Ông Lĩnh cũng cho biết, đến nay có khoảng 40 hộ dân và gần 200 nhân khẩu của xóm Minh Đức, xã Võ Liệt có nhu cầu nhận đất ở khu tái định cư.
Thông tin từ chủ đầu tư dự án là Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Nghệ An cho biết, năm 2015, sau khi rà soát lại các hộ trong diện tái định cư, đơn vị đã lên phương án duyệt di dời 45 hộ ở xã Võ Liệt. Mỗi hộ lên tái định cư sẽ nhận được gần 1 ha bao gồm đất ở và đất canh tác. Tuy nhiên, do dự án dở dang kéo dài, đến nay vẫn chưa có hộ nào được chuyển lên khu tái định cư Khe Mừ. Kế hoạch dự kiến bố trí cho 120 hộ dân đang sống rải rác dọc sông thuộc các xã Võ Liệt, Thanh Chi, Phong Thịnh, thị trấn Thanh Chương, chưa thể bố trí được cho hộ dân nào.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Lương - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An, cho biết: Vì thời gian thực hiện dự án quá lâu, thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức khảo sát lại số hộ dân có nguyện vọng và đủ điều kiện để đưa họ về khu tái định cư. Số liệu khảo sát trước đây là có hơn 100 hộ dân, nhưng qua nhiều năm, chắc chắn nhu cầu, nguyện vọng và số liệu về các hộ dân tái định cư sẽ thay đổi.
Ông Trình Văn Nhã - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương lo lắng: Người dân xóm vạn chài xưa nay chủ yếu sống dựa vào sông Lam, tập quán canh tác, chăn nuôi, trồng trọt cây lâu năm họ chưa quen. Thứ nữa, khoảng cách từ nơi ở cũ (xóm Minh Đức, xã Võ Liệt), đến nơi ở mới gần 20km, cách xa trường học và các dịch vụ cần thiết. Do vậy, để người dân an tâm sinh sống, làm quen với tập quán sản xuất, phát triển kinh tế nơi ở mới, cần rất nhiều thời gian và công sức. Để người dân sống được trên đất tái định cư là không hề đơn giản, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương nói.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương còn lo ngại, nếu làm không chặt chẽ, người dân được cho đất tái định cư nhưng không đến ở mà sẽ mua bán, chuyển nhượng, như thế mục tiêu của dự án không đạt được./.