Không khí tại thị xã Thái Hòa đang hết sức ngột ngạt, nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ tiến độ rùa bò của dự án điểm Khu đô thị Long Sơn.
 
Sự việc không tiến triển như mong đợi khiến các bên tỏ rõ sự bất an, hiện tại hàng loạt nút thắt vẫn chưa tìm được hướng tháo gỡ.
 
Quy hoạch chồng lấn
 
Như đã đề cập, ngày 31/3/2020 UBND thị xã Thái Hòa (Nghệ An) ban hành thông báo số 52/TB-UBND về kết luận của Chủ tịch Phạm Chí Kiên nhằm giải quyết hàng loạt vấn đề tồn tại, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và bàn giao đất cho nhà đầu tư (Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco 4) thực hiện dự án Khu đô thị cao cấp Long Sơn.
 
Nhiều nội dung được ông Phạm Chí Kiên chỉ đạo, yêu cầu phải hoàn thành ngay trong tháng 4/2020. Dù vậy đã quá mốc thời gian trên hơn 2 tháng, mọi việc vẫn như một mớ bòng bong.
 
Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND - Chủ tịch Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư (TĐC) và GPMB thị xã Thái Hòa thừa nhận: “Tiến độ GPMB tại Khu đô thị Long Sơn thực sự vướng mắc”.
 
Đáng ngạc nhiên, hiện dự án khủng đang “chồng lấn” lên quy hoạch của 5 công ty. Mỗi đơn vị mỗi cách thức, chung quy muôn hình vạn trạng và rất khó xử lý.


 
Mặc dù UBND tỉnh đã ban hành các quyết định giao đất hơn 1 năm nhưng đến thời điểm này thị xã Thái Hòa vẫn loay hoay chưa bàn giao đủ diện tích. Ảnh: Việt Khánh.
 
Đi sâu vào chi tiết, về phần Công ty Minh Quang, phía thị xã cho rằng có đủ cơ sở để xử lý ổn thỏa. Cụ thể hơn, trước đây đơn vị này chỉ thỏa thuận ngầm theo cách thức đơn thuần, họ tiến hành mua lại đất của dân nhưng không hề có bất kỳ văn bản nào liên quan. Ngoài ra chưa khảo sát, chưa lựa chọn địa điểm, chưa có chủ trương và chưa có biên bản thu hồi đất.
 
Vấn đề tương tự cũng xuất hiện tại khu Long Sơn 1, tại đây Cienco 4 đang “vướng” phải diện tích quy hoạch trước đó của Công ty CP Tư vấn Xây dựng số 9.
 
Qua nắm bắt diễn biễn, các bên đã ngồi lại với nhau nhằm sớm chốt cách thức tối ưu, thậm chí đã lên phương án sẽ bố trí một phần “diện tích bờ xôi ruộng mật tại nút giao của Long Sơn 2, đường N6 và đường trục chính”.
 
Dù vậy thỏa thuận trên mới cơ bản thống nhất “bằng miệng” chứ chưa được thông qua văn bản cụ thể, một khi chưa được chứng thực bằng giấy trắng mực đen đồng nghĩa mọi việc vẫn đang ở chế độ chờ.
 
Liên quan đến nội dung này, trước sau Công ty CP Tư vấn Xây dựng số 9 đều giữ nguyên quan điểm: “Đơn vị đủ điều kiện triển khai trên diện tích quy hoạch, phần đất này chưa bị thu hồi, quyết định chưa bị hủy bỏ”.
 
Qua theo dõi lập luận trên có căn cứ, điều này càng cho thấy chủ trương của UBND tỉnh Nghệ An khi chấp thuận cấp quỹ đất đối ứng cho dự án BT của Cienco 4 thực sự có nhiều thiếu sót, đặc biệt là khâu khảo sát ban đầu.


 
Nhìn chung mọi việc không thuận lợi như kế hoạch ban đầu vẽ ra. Ảnh: Việt Khánh.
 
Phản hồi kiến nghị của Công ty Hồng Hà, thị xã Thái Hòa khẳng định Khu đô thị Long Sơn 3 - Vực Giồng là dự án đã được UBND tỉnh giao đất cho nhà đầu tư. Việc công ty đề nghị thỏa thuận bằng tiền với Cienco 4 nằm ngoài phạm vi quản lý của thị xã.
 
Nhìn tổng thể quy hoạch, khó nhất là diện tích vướng mắc đến phần đất của Công ty Cổ phần thương mại Hồng Hà. Tuy nhiên, ông Thạch cho rằng: “Dẫu khó nhưng không phải không giải quyết được”.
 
Sở dĩ nói như vậy là vì “Dự án Trung tâm thương mại Hồng Hà” đã được UBND tỉnh Nghệ An thu hồi, đồng thời hủy bỏ các văn bản pháp lý liên quan thông qua Văn bản số 5990/QĐ-UBND ngày 30/11/2016.
 
Ngoài ra, dựa theo Khoản 5, Điều 1, Quyết định số 4379/QĐ.UBND-CNXD ngày 20/10/2011 của UBND tỉnh này về việc: “Chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn thành các thủ tục liên quan để khởi công xây dựng dự án trong vòng 12 tháng và đầu tư xây dựng các hạng mục thuộc quy hoạch trong vòng 36 tháng kể từ ngày quyết định có hiệu lực. Nếu không đảm bảo Nhà nước sẽ thu hồi đất…”, trên cơ sở đó thị xã Thái Hòa quả quyết: “Việc để lại 3.000m2 trong dự án Khu đô thị Long Sơn 3 cho Hồng Hà sử dụng là không có cơ sở”.
 
Đáp lại, phía Công ty Cổ phần thương mại Hồng Hà khăng khăng họ chẳng hề hay biết chủ trương thu hồi của UBND tỉnh Nghệ An (?!). Người nói ngược kẻ nói xuôi, đôi bên đều giữ nguyên quan điểm chính là nguồn cơn dẫn đến: Quy hoạch sau chồng lấn lên quy hoạch trước.
 
Trước hàng loạt vấn đề khúc mắc, PV đặt câu hỏi, với dự án BT - Đổi đất lấy công trình thì chủ đầu tư có nghĩa vụ phải đứng ra đấu mối cùng các hộ liên quan để thống nhất mức kinh phí bồi thường hay không, ông Phạm Văn Thạch nói: Theo quy định, nhiệm vụ của Nhà nước phải GPMB và bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, để đảm bảo kịp tiến độ đặt ra, Cienco 4 đã cùng tham gia, phối hợp.
 
Cienco 4 ngồi trên đống lửa
 
Qua trao đổi, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Cienco 4 nói thẳng: “UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành các quyết định giao đất (ngày 13/3/2019 - PV) nhưng thị xã Thái Hòa chưa bàn giao đầy đủ”.
 
Quá trình tìm hiểu, ngoại trừ khu Long Sơn 2 và Long Sơn 4 cơ bản đã hoàn tất công tác GPMB, hiện Long Sơn 1 mới bàn giao được khoảng 70% (40.000/60.000m2), trong khi Long Sơn 3 thậm chí chưa đủ điều kiện để cấp bìa.


 
Hơn lúc nào hết, UBND tỉnh Nghệ An và thị xã Thái Hòa phải sớm có phương án tháo gỡ nút thắt tại dự án Khu đô thị Long Sơn. Ảnh: Việt Khánh.
 
“Nhà đầu tư chi tiền ra để phối hợp cùng cơ quan có thẩm quyền tích cực triển khai, qua đó đẩy nhanh công tác GPMB, nguồn này về sau sẽ được khấu trừ vào quyền sử dụng đất. Trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thông thường chủ đầu tư chỉ đảm bảo được 15 - 20% kinh phí dự án, nhất là những dự án lớn, phần còn lại phải huy động dưới nhiều hình thức khác nhau. Với diễn biến như thế này, chúng tôi gặp nhiều bất lợi.
 
Thực hiện dự án tại thị xã Thái Hòa, Cienco 4 phải đối diện với muôn vàn vấn đề, từ chủ trương đến hiện trạng, phần đa đều không thuận. Đây là nguyên nhân làm gia tăng kinh phí san lấp, xây dựng các hạng mục liên quan.
 
UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận đối ứng lại quỹ đất sinh lợi quy mô hơn 28ha để Cienco 4 triển khai dự án Khu đô thị Long Sơn sau khi đơn vị này hoàn thành công trình “Cầu Hiếu 2 và đường 2 đầu cầu” theo hình thức BT - Chuyển giao.
 
Công trình có tổng chiều dài gần 1.000m, trong đó hệ thống cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Địa điểm xây dựng nằm trong phạm vi các phường Long Sơn, phường Quang Tiến, xã Nghĩa Tiến và xã Tây Hiếu, thuộc thị xã Thái Hòa.
 
Đây là dự án quy mô tầm cỡ với kinh phí xây dựng hơn 210 tỷ đồng, đã thông cầu và đưa vào sử dụng hơn 2 năm. Lạ thay, đến tận lúc này dự án vẫn chưa được… quyết toán.
 
Trong bối cảnh dự án BT Cầu Hiếu 2 chưa được quyết toán, cộng dồn thêm mức lãi suất ngân hàng vượt ngoài dự kiến do mọi con tính bị chệch đường ray, tất thảy góp phần đẩy Cienco 4 vào tình thế “buông không được mà giữ cũng chẳng xong”.
 
Ngày qua ngày, tâm trạng của chủ đầu tư như thể ngồi trên đống lửa, ấy thế nhưng các “đối tác ăn theo” vẫn đang tìm đủ mọi cách để quảng bá, rao bán, đặt chỗ… tất thảy diễn ra rầm rộ như thể dự án đã đủ điều kiện lên sàn.
 
Bằng nhiều chiêu thức khác nhau, hàng loạt trung tâm môi giới bất động sản đã chỉ đạo đội ngũ nhân viên, tư vấn tiếp cận hiện trường, ra sức mời chào lượng lớn khách hàng tiềm năng.
 
Việc làm trên trái luật, lạ thay công tác xử lý gần như bỏ ngỏ. Thông tin ảo nhưng hậu quả thật, một đồn mười, mười đồn trăm khiến tất thảy như lạc vào mê hồn trận, khung cảnh nhốn nháo hệt như ong vỡ tổ.
 
Một dự án quy mô tầm cỡ, có tổng giá trị ước tính cả ngàn tỷ đồng nhưng nảy sinh vấn đề ngay từ trong trứng nước.
 
Là đơn vị trực tiếp xuống tiền, Cienco 4 xem ra đã tự tin thái quá, nếu tìm hiểu kỹ càng, chi tiết hơn lẽ ra cớ sự đã khác. Tư tưởng chủ quan kết hợp với công tác tham mưu (chính quyền địa phương, các sở, ngành…) chẳng đến đầu đến đũa khiến mọi thứ rối như tơ vò.
 
Lúc này đây, dư luận nóng lòng muốn biết, UBND tỉnh Nghệ An và thị xã Thái Hòa sẽ tháo gỡ ra sao?