Hồ sơ vụ án được giao cho TAND huyện Quỳnh Lưu xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật. Quyết định hủy 2 Bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên của TAND Cấp cao tại Hà Nội nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận địa phương.

Quyết định hành chính có nhiều “khuất tất”

Tạp chí Người cao tuổi đã thông tin liên quan đến Quyết định số 36/QĐ-CCXP ngày 13/2/2019 do ông Nguyễn Bỉnh Khảng (thời điểm đó là Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu) kí, áp dụng với gia đình cụ Vũ Thị Tuận có nhiều khuất tất khiến dư luận người dân địa phương vô cùng bức xúc.

Điều đáng nói là vụ việc diễn ra từ năm 2010 cho đến năm 2019 (trước thời điểm có Quyết định số 36/QĐ-CCXP) nhưng chính quyền xã Quỳnh Châu lại không đưa ra phương án giải quyết triệt để, khách quan trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Thậm chí nhiều văn bản, tài liệu quan trọng được cơ quan chức năng cung cấp đã bị phớt lờ như: Công văn số 5534/STNMT-ĐĐBĐVT của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An cung cấp cho tòa án vào ngày 2/10/2019 xác nhận: Vị trí thửa đất số 73, tờ số 8, Bản đồ 299/TTg có diện tích 250m2, loại đất hoang thể hiện là H (tức đất hoang).

3137-untitled-1-1663823220.jpg
Quyết định số 01/2022/HC-GĐT ngày 4/8/2022 của TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm của các cấp tòa tại tỉnh Nghệ An

Ngược lại, thửa đất số 73 trong Bản đồ 299/TTg (lưu tại UBND xã Quỳnh Châu) mặc dù đã bị chỉnh sửa, tẩy xóa (về số thửa, diện tích, loại đất) nhưng lại được sử dụng làm tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ việc theo một hướng khác đầy khuất tất.

Tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 19/11/2019, ông Nguyễn Bỉnh Khảng, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu khẳng định trước tòa về quá trình hình thành con đường đi từ nhà ông Biên qua một phần đất bà Tuận:

“Trước những năm 1980 thì hai nhà có 2 con đường đi riêng biệt. Sau khoảng năm 1980, gia đình ông Biên thỏa thuận với gia đình bà Tuận một phần đất giáp ranh với gia đình ông Hường, bà Tuận để mở một con đường đi xuống nhà con ông là anh Nguyễn Đình Sắc cho thuận tiện (thỏa thuận bằng miệng) và con đường đó được duy trì đến năm 2010 thì xảy ra tranh chấp do gia đình bà Tuận làm lại nhà và xây tường bao lấn chiếm một phần con đường”...

Khẳng định nêu trên của ông Khảng cũng trùng khớp với Biên bản làm việc do UBND xã Quỳnh Châu xác lập ngày 14/1/2016 về việc: Xác minh nguồn gốc đất giữa các bên có liên quan đến vụ tranh chấp lối đi giữa nhà cụ Tuận và nhà bà Ngãi.

Theo nội dung biên bản cho thấy, nhiều công dân là hàng xóm của gia đình ông Biên (bà Ngãi) và gia đình cụ Tuận ngụ tại xóm 1, xã Quỳnh Châu là các ông Nguyễn Ngọc Thắng, ông Cao Văn Liên... đều khẳng định: Trước năm 1980 chưa có đường đi qua lối nhà cụ Tuận mà ở đó là hào giao thông; gia đình ông Biên (bà Ngãi) có đường đi qua đất nhà ông Vượng... Ông Trần Văn Vượng - chủ thửa đất số 74-75 xác nhận: Gia đình ông Biên, bà Tư (thửa đất 72) trước đây có một lối đi qua nhà ông.

Tuy nhiên, khi đứng trước tòa ông Khảng khẳng định, nhà ông Biên trước đây có một lối đi khác, nhưng khi đặt bút kí Quyết định cưỡng chế số 36/QĐ-CCXP, ông Khảng đã cho rằng gia đình cụ Tuận xây dựng tường bao là trái phép, lấn chiếm đất công.

Ngày 25/11/2021, TAND cấp cao tại Hà Nội đã về làm việc, xác minh tại xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu và kết quả là: UBND xã Quỳnh Châu xác định thửa đất của gia đình cụ Vũ Thị Tuận theo bản đồ lập năm 1997 có sự thay đổi so với Bản đồ 299. Tuy nhiên, khi lập Bản đồ năm 1997 có đo vẽ lại và lập lại bản đồ theo thực tế sử dụng nhưng không thông báo đến người dân, không căn cứ vào thực trạng pháp lí. UBND xã Quỳnh Châu cũng không lưu giữ tài liệu nào về việc sửa đổi Bản đồ năm 1997. UBND xã Quỳnh Châu cũng đã thừa nhận có sai sót trong việc giải quyết sự việc.

Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Ngãi (con ông Nguyễn Đình Biên, Thửa đất số 72) trong buổi làm việc với TAND Cấp cao tại Hà Nội đã có ý kiến là đồng ý bồi thường cho gia đình cụ Vũ Thị Tuận một số tiền và đề nghị gia đình cụ Tuận mở lối đi... Điều này trái ngược hoàn toàn trong nội dung đơn thư mà bà Ngãi gửi đến cơ quan chức năng đề nghị xem xét, giải quyết, xử lí việc xây dựng tường bao của gia đình cụ Tuận (vị trí giáp ranh Thửa đất hoang số 73) là vi phạm pháp luật, lấn chiếm ngõ đi của nhà bà...

Theo nhận định của TAND Cấp cao tại Hà Nội, căn cứ vào Bản đồ 299 và lời khai của các bên đương sự, trước đây ngoài lối đi qua Thửa đất số 73 thì nhà ông Biên (bà Ngãi) còn có một lối đi khác ra đường thôn. Do đó, việc cắt đất của gia đình cụ Tuận để mở đường đi cho gia đình ông Biên (bà Ngãi) phải có sự đồng ý của gia đình cụ Tuận hoặc phải giải quyết bằng một bản án dân sự về mở lối đi cho diện tích đất bị vây bọc hoặc theo quy định tại Điều 254 Bộ luật dân sự.

Phải xử lí nghiêm khắc cán bộ chỉnh sửa, tẩy xóa bản đồ

Trở lại với nội dung Thửa đất hoang số 73 và Thửa đất 71 nhà cụ Vũ Thị Tuận trong tấm Bản đồ 299 lưu tại xã Quỳnh Châu bị chỉnh sửa, tẩy xóa làm sai lệch bản chất của vụ việc mà ông Vũ Văn Thưởng, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu xác nhận với phóng viên ngày 16/6/2021 là hoàn toàn có thật. Ông Thưởng cho rằng, do mình mới nhận chức Chủ tịch nên không hay biết sự việc diễn ra từ lúc nào và ai đã thực hiện.

Được biết, trong giai đoạn từ 2010-2018, chính ông Thưởng là người giữ chức Bí thư xã Quỳnh Châu, nên việc ông cho rằng mình không hay biết sự việc chỉnh sửa, tẩy xóa bản đồ 299 nêu trên là chưa hợp lí.

Đại diện gia đình cụ Tuận cho biết, ngày 10/5/2022 mặc dù Quyết định Kháng nghị của TAND Cấp cao tại Hà Nội kháng nghị lại Bản án hành chính phúc thẩm số 01/2020/HC-PT được gửi đến các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An và UBND xã Quỳnh Châu cùng một thời điểm. Tuy nhiên, ngày 19/7/2022, trong lúc gia đình ông Diệp (con trai cụ Tuận - cụ Tuận mất năm 2021) và các thành viên trong gia đình không có nhà, các lực lượng gồm: Công an xã, địa chính, Phó Chủ tịch UBND xã Trịnh Văn Hồng cho ô tô vào khu vực trước cổng nhà cụ Tuận (Thửa đất số 71) để khuân vác tài sản của gia đình gồm: Gỗ, củi đi nơi khác mà không có thông báo, không lập biên bản là coi thường Nhân dân, coi thường pháp luật.

Qua điện thoại, ông Trịnh Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu cho phóng viên biết: Số củi, gỗ này do xã không biết là của gia đình nào nên trước khi lập biên bản thu giữ có lên loa truyền thanh thông báo. Số tài sản trên hiện đang được lưu giữ tại UBND xã Quỳnh Châu. “Lí do thu giữ số tài sản nêu trên là chính quyền áp dụng theo phán quyết của 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm của các cấp tòa án tỉnh Nghệ An vì chưa nhận được kết luận của TAND Cấp cao tại Hà Nội. Còn Kháng nghị bản án của tòa cấp cao có gửi cho Chủ tịch UBND xã nhận được hay không (vào ngày 10/5/2022) thì ông không được biết”, ông Hồng cho hay.

Phóng viên tiếp tục liên hệ nhiều lần với ông Vũ Văn Thưởng, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu nhưng không được vị lãnh đạo xã này nghe máy điện thoại.

Chuyên gia pháp lí cho rằng, để có cơ sở giải quyết vụ án chính xác, đúng pháp luật, cần phải làm rõ cơ sở pháp lí của sự thay đổi tại Bản đồ địa chính 1997 về hình thể Thửa đất số 71 nhà cụ Vũ Thị Tuận; làm rõ Thửa đất hoang số 73 trở thành lối đi ra đường thôn dựa trên cơ sở nào? Quyết định cưỡng chế số 36/QĐ-CCXP ngày 13/2/2019 của Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu đã bảo đảm đúng pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, lợi ích công cộng hay chưa?

Đặc biệt, hành vi chỉnh sửa, tẩy xóa Bản đồ 299 lưu tại xã Quỳnh Châu liên quan đến Thửa đất số 73 và Thửa đất số 71 là rất nghiêm trọng, gây mất niềm tin của Nhân dân vào cơ quan công quyền nên cần phải được tách ra thành vụ án khác để điều tra, xử lí theo đúng qui định của pháp luật./.