Việc xử lý tham nhũng đã được các cấp, các ngành xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Tô Hiền Đệ cho biết: Năm 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt chương trình kế hoạch thanh tra theo đúng chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ và tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh nhà; đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành tiến hành thanh tra có trọng tâm, trọng điểm tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, được dự luận xã hội quan tâm... Toàn ngành Thanh tra đã triển khai 359 cuộc thanh tra hành chính; 1.121 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và 95 cuộc thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng các cấp, các ngành trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng gắn với thanh tra công vụ. Qua đó đã ban hành quyết định thu hồi 62.770 triệu đồng và 1.545.600 m2 đất; ban hành 2.603 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 12.861 triệu đồng; kiến nghị xử lý hành chính 191 tổ chức và 935 cá nhân có sai phạm; phát hiện 03 vụ việc chuyển cơ quan điều tra.
Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã đề cao trách nhiệm, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, phục vụ tốt công tác tiếp dân định kỳ của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh. Đồng thời, phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân; thực hiện tốt việc rà soát các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài; làm tốt công tác hòa giải cơ sở gắn với dân vận; việc thực hiện dân chủ cơ sở có sự chuyển biến tích cực…
Trong năm, toàn tỉnh đã tiếp 5.720 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2021; tiếp nhận 8.754 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh, tranh chấp đất đai, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2021; có 306 vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh trong kỳ, tăng 5,2 % so với cùng kỳ năm 2021, đã giải quyết được 271/306 vụ việc, đạt tỷ lệ 88,6%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi vào ngân sách nhà nước 458 triệu đồng và 262 m2 đất; kiến nghị trả lại cho công dân 1.040m2 đất; đề nghị các cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm 09 cá nhân có sai phạm; bảo vệ quyền lợi 09 cá nhân và 01 tập thể; chuyển cơ quan điều tra 04 vụ việc với 07 đối tượng.
Công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, các ngành luôn quan tâm triển khai thực hiện. Việc xử lý tham nhũng đã được các cấp, các ngành xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội. Trong kỳ, các cơ quan điều tra đã phát hiện 31 vụ/64 bị can. Sự phối hợp trao đổi thông tin giữa các cơ quan liên quan trong công tác phòng chống tham nhũng được thực hiện thường xuyên và chặt chẽ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Việc xử lý số tiền tồn đọng từ năm 2020 về trước vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa có hướng giải quyết dứt điểm. Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp đã được tập trung giải quyết nhiều lần nhưng công dân vẫn không đồng ý và tiếp tục khiếu kiện (đến nay vẫn còn lại 02 vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài chưa giải quyết dứt điểm); còn nhiều đoàn giải quyết khiếu nại, tố cáo phải gia hạn, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc. Một số nhóm giải pháp phòng ngừa tham nhũng chưa mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng...
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trình bày các tham luận về: Công tác thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng trong việc chấp hành pháp luật về Tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng gắn với việc thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai; tăng cường thanh tra công tác tổ chức cán bộ...
Nâng cao hiệu quả thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu, ngành Thanh tra cần bám sát chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ, sự chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để tập trung nỗ lực thực hiện thắng lợi ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023.
Trong đó, ngành Thanh tra triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thanh tra năm 2022 chú trọng tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành; tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương hành chính. Hoạt động thanh tra cần có trọng tâm, trọng điểm, bám sát định hướng công tác thanh tra năm 2023 của Thanh tra Chính phủ và bối cảnh tình hình hiện nay của các cấp, các ngành, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan nội chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra.
Ngành Thanh tra cần chú trọng triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp với thực tế đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở. Tiếp tục kiểm tra, rà soát, tham mưu giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài; có giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung ở những địa bàn, lĩnh vực xảy ra khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, không để phát sinh “điểm nóng...
Ngành Thanh tra tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu lực, hiệu quả các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng. Tập trung thanh tra người đứng đầu các sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; phát hiện, xử lý kịp thời nghiêm minh các vụ việc tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng và chuyển điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng. Đổi mới hình thức, cách thức tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống tham nhũng; tập trung xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.../.
Theo Kim Oanh - nghean.gov.vn