Xuống cấp trầm trọng
Năm nào cũng vậy, cứ tới mùa mưa bão là hàng trăm nghìn dân của thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) lại nơm nớp với cảnh hồ thủy lợi Vực Mấu xả lũ. Vào cuối tháng 9 năm 2021, mưa lớn cộng với hồ Vực Mấu xả lũ bất ngờ, nhiều người dân ở Hoàng Mai được một phen hú vía, phải lùa gà lợn, bê đồ đạc chạy lũ trong đêm.
Năm nay, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Noru, Nghệ An là địa phương có mưa lớn kéo dài liên tục. Dù đang trong mùa mưa, song vừa qua, hồ Vực Mấu vẫn xả lũ ồ ạt tại 3 cửa xả. Trong ngày 30/9, đơn vị vận hành còn thông báo cho mở thêm cửa xả thứ 4 (tất cả các cửa xả), khiến cả thị xã Hoàng Mai và khu vực lân cận ngập trong “biển nước”.
Bà Nguyễn Thị Trúc (trú tại thôn 5, xã Quỳnh Trang, Thị xã Hoàng Mai) chia sẻ, chưa đầy vài tiếng buổi sáng hôm 30/9, mưa to cùng với việc hồ Vực Mấu xả lũ đã khiến mực nước lên nhanh, người dân không kịp trở tay. Nước lũ từ mức mấp mé ở sân đã nhanh chóng dâng cao ngập hơn nửa nhà, cả gia đình bà Trúc thu dọn đồ đạc không kịp nên tất cả bị cuốn theo lũ nổi lềnh bềnh. Còn rau màu mất trắng, gia cầm chết ngổn ngang.
“Mực nước ngoài đường cũng sâu tới cổ người, tôi không biết chạy đi đâu, chỉ biết đợi cứu hộ. Giờ người dân trong vùng cứ thấy mưa và nghe hồ Vực Mấu thông báo xả lũ là rất sợ”, bà Trúc nói.
Không chỉ nơm nớp trước sự vận hành của hồ thủy lợi, người dân ở các tỉnh miền Trung còn thường trực nỗi lo ở cạnh những hồ thuỷ lợi đang xuống cấp, hư hỏng mỗi khi mùa mưa bão về.
Theo Tổng cục Thủy lợi, hiện cả nước có 7.342 đập, hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích khoảng 14,5 tỷ m3. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 24% trong tổng số hồ chứa có phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; 23% số hồ có phương án bảo vệ; 13% số hồ được kiểm định an toàn; 16% số hồ có quy trình vận hành và chỉ 10% số hồ được lắp thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du.
Đặc biệt, cả nước còn 934 hồ (chủ yếu là hồ chứa vừa và nhỏ) đã xuống cấp, hư hỏng và thiếu khả năng xả lũ. Trong đó, ở khu vực Bắc Trung bộ có 331 hồ hư hỏng, xuống cấp (chiếm khoảng 35% số hồ hư hỏng của cả nước), Nam Trung bộ có 86 hồ (chiếm khoảng 10%). Điển hình như: Hồ Buốc, hồ Tầm, hồ Ngọc Đó, hồ Bai Cô, hồ Hón Vắt, hồ Đồng Vễn (Thanh Hóa); hồ Khe Cái, hồ Đìa Thó, hồ Khe Thị, Bản Vàng (Nghệ An); hồ Đập Trạng, Nhà Lào, Khe Dẻ, Khe Cò (Hà Tĩnh); hồ Khe Ngang, Khe Bội, A Lá, Khe Nước, Cây Mang (Thừa Thiên-Huế)…
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đăng Hà, Vụ trưởng Vụ An toàn đập (Tổng cục Thuỷ lợi) cho biết, trước mùa mưa bão mỗi năm, Bộ NN&PTNT đều có chỉ đạo yêu cầu các địa phương và đơn vị vận hành đảm bảo an toàn hồ đập. Đặc biệt, với những hồ hư hỏng, xuống cấp, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương phải quan tâm, bố trí ngân sách sửa chữa, không để xảy ra các sự cố bất ngờ ảnh hưởng đến người dân.
“Trường hợp các địa phương không bố trí được nguồn vốn phải báo cáo Chính phủ để có phương án xử lý.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, lượng vốn bố trí đầu tư sửa chữa, bảo trì hồ đập rất nhỏ giọt, gây khó khăn trong vận hành, đảm bảo an toàn hồ chứa. Còn ở góc độ Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn trung hạn 2021-2025, bộ cũng chỉ bố trí được nguồn vốn sửa chữa, nâng cấp một số hồ quan trọng, hồ liên tỉnh hư hỏng nặng với nguồn vốn khoảng 1.470 tỷ đồng”, ông Hà cho hay.
Nguy cơ vỡ rình rập
Đánh giá về tình hình an toàn hồ đập trong mùa mưa bão ở khu vực miền Trung, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, có một thực tế lo ngại ở khu vực này là hiện tại số hồ nhỏ rất nhiều.
Chẳng hạn, ở Nghệ An, theo tính toán của Bộ NN&PTNT, tổng lượng nước ở các hồ thuỷ lợi tại tỉnh này chỉ đạt 500 triệu m3 nhưng toàn tỉnh có tới 900 hồ, nhiều thứ 2 cả nước. Tại tỉnh này có nhiều hồ nhỏ được giao cho chính quyền cấp xã không có năng lực, vận hành quản lý.
Theo ông Hiệp, sau bão số 4, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực này có mưa lớn kéo dài nên 2 hồ nhỏ (khoảng 0,5 triệu m3) đã xảy ra sự cố. Lúc đó, nếu không xử lý kịp, hồ có nguy cơ vỡ, đe dọa tới tính mạng người dân và gây thiệt hại lớn cho địa phương.
“Hiện tại, tình trạng các hồ ra sao, các tỉnh đều có danh sách và nắm rất rõ. Tình hình mưa lũ đã được cơ quan dự báo thông báo trước nên các địa phương phải dứt khoát và đầu tư thỏa đáng với tinh thần không hối tiếc. Còn nếu biết trước mà để hồ bị vỡ thì không thể được”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp
“Với lượng hồ nhỏ dày đặc, cộng với tỉnh không có kinh phí sửa chữa, nguy hiểm luôn chực chờ trong mùa mưa lũ. Hiện tại, tình trạng các hồ ra sao, các tỉnh đều có danh sách và nắm rất rõ. Tình hình mưa lũ đã được cơ quan dự báo thông báo trước nên các địa phương phải dứt khoát và đầu tư thoả đáng với tinh thần không hối tiếc. Còn nếu biết trước mà để hồ bị vỡ thì không thể được”, Thứ trưởng Hiệp nói.
Cũng theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, từ nay đến cuối năm, dự báo nước ta còn đón nhiều cơn bão lớn, mưa nhiều. Do đó, chính quyền các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến việc vận hành hồ chứa, thực hiện nghiêm quy trình vận hành đã ban hành.
Đối với việc vận hành liên hồ chứa, hiện quy định đã nêu rất rõ, mực nước đến đâu mới được xả lũ, khi xả phải thông báo cho người dân trước bao nhiêu tiếng để có đủ thời gian di chuyển tài sản, sơ tán để đảm bảo an toàn, các đơn vị cần tuyệt đối tuân thủ, tránh trường hợp khi lũ về mới mở xả khiến “lũ chồng lũ”.
Rút kinh nghiệm từ vụ “lệch pha” trong vận hành liên hồ giữa tỉnh Gia Lai và Phú Yên năm ngoái dẫn tới ngập lụt bất ngờ cho vùng hạ du, ông Hiệp đề nghị lãnh đạo các địa phương nâng cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ trong vận hành liên hồ theo nguyên tắc “hồ trên thông báo cho hồ dưới” khi tiến hành xả lũ./.