Dù cơ quan chức năng khẳng định virus gây bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò không lây nhiễm và gây bệnh ở người, người dân không nên hoang mang, "tẩy chay" thịt trâu, bò. Thế nhưng, nhiều người tiêu dùng vẫn lo lắng một cách thái quá khiến việc tiêu thụ trâu bò gặp nhiều khó khăn.
 
Ế ẩm, nhiều cửa hàng bán thịt bò đóng quầy 
 
Có mặt tại chợ Vinh, phóng viên chứng kiến những gian hàng bán thịt bò, lợn "treo quầy", chỉ còn một số ít gian vẫn bán nhưng khách khá thưa vắng.
 
"Tôi bán thịt bò ở chợ Vinh cũng được hơn 10 năm nay, những ngày vừa qua là lần đầu tiên thấy thịt bò ế như vậy. Dù những con bò mà chúng tôi giết thịt không hề bị nhiễm bệnh, đã được cơ quan chức năng kiểm duyệt đảm bảo an toàn, nhưng khách hàng vẫn có vẻ "ái ngại". Cứ đà này, tôi phải đóng quày vì khó bù được chi phí", chị Nguyễn Thị Hương (phường Vinh Tân, thành phố Vinh) kinh doanh thịt bò tại chợ Vinh cho hay.
 
Trong khi đó, bà Phạm Thị Phúc, cũng là hộ kinh doanh thịt bò tại đây cho hay: "Bình thường mỗi ngày vợ chồng tôi mổ thịt 1 con bò, chia ra bán các nơi, tiêu thụ rất nhanh. Từ khi xuất hiện dịch bệnh viêm da nổi cục, thịt bò bỗng dưng biến thành "nạn nhân". Quầy bán thịt bò cũng phải đóng cửa".
 
Tương tự, tại chợ Quang Trung (TP.Vinh) trước đây có 15 quầy hàng chuyên kinh doanh thịt bò, lợn thì nay đã có 12 quầy bán thịt bò tạm nghỉ bán. Cả chợ còn 3 quầy bán cầm chừng và phải bán thêm các loại thịt khác như gà, ngan, vịt.
 
Còn tại chợ Quán Lau - một trong những nơi tập trung nhiều quầy hàng thịt bò nhất ở TP Vinh, với số lượng thịt bò bán ra hàng ngày tính theo đầu tạ thì nay cũng có nhiều tiểu thương nghỉ bán. Số tiểu thương còn lại phải giảm lượng thịt bò nhập về, thậm chí có những người chỉ lấy 3-5 kg thịt cho mỗi buổi chợ.
 
 
Nhiều tiểu thương không thể duy trì do quá vắng khách và đã phải đóng quày, nghỉ bán. Ảnh: Cảnh Thắng
 
Thủy hải sản tăng giá mạnh
 
Bà Nguyễn Ngân Giang, một tiểu thương kinh doanh thịt bò ở chợ Quán Lau cho biết: "Các trường học bán trú hiện cũng đã đưa thịt bò, me, lợn ra khỏi thực đơn của trẻ theo yêu cầu của nhiều phụ huynh. Các quán hàng cũng cắt giảm các món từ bò, me. Một số cơ sở làm xúc xích, giò chả cũng chuyển sang làm xúc xích gà, giò gà, chả gà và không ít bà nội trợ cũng đã loại thịt bò, lợn ra khỏi bữa ăn hàng ngày. 
 
Tình hình này dẫn đến việc buôn bán ế ẩm, càng buôn càng lỗ. Nhiều tiểu thương như chúng tôi phải nghỉ bán. Như tôi cố gắng lắm chỉ dám lấy 3kg thịt bò cho mỗi buổi chợ, bán để duy trì chứ không có lãi".
 
Tại quầy thịt bò của bà Nguyễn Thị Hà ở chợ Vinh, không khí mua bán không còn nhộn nhịp như trước đây. Theo bà Hà, từ khi có dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò, người dân ái ngại mua thịt bò về sử dụng.
 
Trước đây, cứ sáng sớm mở hàng, người dân tập trung tại quầy của bà mua rất nhiều, đến gần trưa chỉ còn khoảng 2 - 3 kg. Thế nhưng, hiện giờ bán cả sáng cũng chỉ được 5 kg, trưa còn tồn đến cả yến thịt bò là bình thường.
 
Được biết, giá thịt bò cũng giảm so với trước. Theo các tiểu thương, giá thịt bò loại 1 trước đây 240.000 - 250.000 đồng/kg thì nay bán từ 220.000 - 230.000 đồng/kg, giảm 20.000 đồng/kg. Trong khi đó, các mặt hàng thuỷ, hải sản lại tăng giá mạnh. 
 
 
Một số quầy bán thịt bò cố gắng duy trì hoạt động, song bán cầm chừng.Ảnh: Cảnh Thắng
 
Chị Trần Thị Thành bình thường đi chợ sẽ ghé hàng thịt bò nhưng gần đây chuyển sang mua thịt gà, tôm, cá. Chị Thành chia sẻ: "Cứ nghe tới bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, cả nhà lo lắng nên nếu tôi có mua thịt bò về chế biến, tâm lý vẫn ái ngại".
 
Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày gần đây giá các loại thủy hải sản lại tăng mạnh. Cụ thể, cá diêu hồng, trước đây giá dao động từ 40.000 đến 50.000 đồng/kg giờ tăng gấp đôi lên 80.000 đồng/kg, thậm chí có chợ bán tới 100.000 đồng/kg. Cá chép cũng tăng giá gấp đôi so với trước khi bùng phát dịch viêm da nổi cục tại Nghệ An. 
 
Trao đổi với PV, ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: "Dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và dịch tả lợn châu Phi do virus gây ra nhưng cả 2 loại virus gây bệnh này không lây nhiễm và không gây bệnh trên người. Mặt khác, hiện nay, các địa phương đang ráo riết thực hiện các biện pháp phòng, chống, khoanh vùng dịch bệnh trên địa bàn. Công tác kiểm dịch được thắt chặt, do đó, người tiêu dùng hãy cứ yên tâm khi sử dụng thịt gia súc có nguồn gốc, có dấu kiểm dịch, không nên lo lắng thái quá"./.