bna-image-2036975-662019988995-10102021-1633859311.jpg
Trụ sở UBND xã Quỳnh Châu. Ảnh tư liệu Phạm Bằng

Điểm danh các vụ việc

Thời gian gần đây, ngành chức năng tỉnh Nghệ An đã điều tra, khởi tố nhiều vụ việc liên quan đến hành vi giả mạo trong công tác của cán bộ, công chức, trong đó có đảng viên, lãnh đạo chủ chốt cấp xã.

Điển hình như ngày 16/8/2021, Công an huyện Quỳnh Lưu bắt giữ Lê Thị Hương Giang, SN 1981, trú tại xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu (nguyên công chức địa chính xã Quỳnh Châu) về hành vi “Giả mạo trong công tác”. Theo cơ quan điều tra, Giang đã nhận của 2 đối tượng Thái Thị Lý, SN 1961 và Thái Doãn Hường, SN 1965, đều trú tại xã Quỳnh Châu 200 triệu đồng để làm giả hồ sơ đất. Ngày 01/10/2021, hai đối tượng Lý, Hường cũng bị cơ quan công an khởi tố, bắt về tội đưa hối lộ.

Cũng liên quan đến vụ án này, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quỳnh Châu (nguyên Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu) và Hoàng Văn Chắt, SN 1962, trú tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành (nguyên viên chức Văn phòng Đăng ký và sử dụng đất huyện Quỳnh Lưu) bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tương tự, ngày 23/8 và 1/10/2021, Công an huyện Quỳnh Lưu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Bá Thái, SN 1979, trú tại xã Quỳnh Giang, (nguyên Trưởng Công an xã Quỳnh Giang; Nguyễn Ngọc Đức, SN 1981, trú tại xã Quỳnh Giang (Phó Chủ tịch Hội Nông dân, đại biểu Hội đồng nhân dân xã Quỳnh Giang, nhiệm kỳ 2021 - 2026) và Chu Thị Ngọc, SN 1982, trú tại xã Quỳnh Giang (Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Giang) cùng về tội “Giả mạo trong công tác”.

Giả mạo trong công tác là hành vi của một người vì động cơ cá nhân khác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu, làm, cấp giấy tờ giả, giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn. Đây cũng là 1 trong 15 hành vi tham nhũng bị nghiêm cấm do người có chức vụ, quyền hạn (cán bộ, công chức, viên chức; người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp...) trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện được quy định lại Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.

Có thể bị phạt tù lên đến 20 năm

bna-c-3633230-31020211550360-10102021-1633859339.jpg
Cơ quan chức năng tống đạt quyết định khởi tố đối với bị can Chu Thị Ngọc. Ảnh: Bình Nguyên

Hành vi giả mạo trong công tác không chỉ xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính của Nhà nước, quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân được pháp luật bảo vệ mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.  Tại Điều 359, Bộ Luật hình sự, Tội giả mạo trong công tác quy định như sau:

- Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; b) Làm, cấp giấy tờ giả; c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu; c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 05 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả; b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên; b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng./.