Bè mảng “lên bờ” tránh bão

Ảnh hưởng của cơn bão số 8, từ chiều ngày 13/10 trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã bắt đầu có mưa.

Do Nghệ An thực hiện cấm biển từ ngày 0h ngày 10/10 nên toàn bộ tàu thuyền ở huyện Diễn Châu nói riêng và các địa phương ven biển như thị xã Hoàng Mai, thị xã Cửa Lò, Quỳnh Lưu và Nghi Lộc đã vào bờ tránh bão. Theo thống kê, toàn tỉnh có 3.438 phương tiện với 17.190 lao động đã về neo đậu, tránh trú bão tại bến an toàn.

Chiều 13/10, lãnh đạo UBND xã Diễn Hải và Diễn Kim (huyện Diễn Châu) thông tin thêm, hàng trăm bè mảng đã được ngư dân đưa lên bờ và các vị trí cao ráo, được buộc néo cẩn thận để khỏi ảnh hưởng của mưa bão làm hư hỏng.

nghe-an-hang-tram-be-mang-len-bo-tranh-bao-dam-bao-an-toan-cho-hoc-sinh-giao-vien-truong-hoc-1634137350.jpg
Hàng trăm bè mảng của ngư dân xã Diễn Hải, Diễn Kim (huyện Diễn Châu) đã được kéo lên bờ.

Ngư dân Lê Văn Phượng (SN 1968, trú xã Diễn Kim) cho hay, bè mảng là tài sản duy nhất của chúng tôi để ra biển đánh bắt cá, kiếm thêm thu nhập, lo cho gia đình. Từ ngày hôm qua (12/10), chúng tôi đã cùng nhau kéo bè lên bờ, chằng néo cẩn thận để đảm bảo an toàn khi bão dự báo sẽ đổ bộ.

nghe-an-hang-tram-be-mang-len-bo-tranh-bao-dam-bao-an-toan-cho-hoc-sinh-giao-vien-truong-hoc-2-1634137386.jpg
nghe-an-hang-tram-be-mang-len-bo-tranh-bao-dam-bao-an-toan-cho-hoc-sinh-giao-vien-truong-hoc-1-1634137407.jpg

Ông Lê Thế Hiếu, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Diễn Châu cho biết, đến thời điểm này, gần 1.000 phương tiện tàu thuyền trên địa bàn để về neo đậu và tìm nơi tránh trú.

“Toàn huyện có tổng số 970 phương tiện/2.683 lao động đã về bờ và tìm nơi tránh trú ẩn an toàn. Hơn 300 hộ dân ở phía ngoài đê, UBND huyện cũng đã có phương án di dời đến nơi an toàn khi nước dâng do mưa bão”, ông Hiếu cho hay.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 8, chính quyền các địa phương ở Nghệ An đã sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân tại khu vực nguy hiểm, chuẩn bị nhu yếu phẩm cho tình huống bị chia cắt, cô lập cục bộ... 

Đồng thời, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét để chủ động chỉ đạo triển khai biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến thực tế, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra.

nghe-an-hang-tram-be-mang-len-bo-tranh-bao-dam-bao-an-toan-cho-hoc-sinh-giao-vien-truong-hoc-3-1634137441.jpg
nghe-an-hang-tram-be-mang-len-bo-tranh-bao-dam-bao-an-toan-cho-hoc-sinh-giao-vien-truong-hoc-4-1634137464.jpg
nghe-an-hang-tram-be-mang-len-bo-tranh-bao-dam-bao-an-toan-cho-hoc-sinh-giao-vien-truong-hoc-5-1634137483.jpg
Đồn Biên phòng Diễn Thành (BĐBP Nghệ An) hỗ trợ các ngư dân chằng chéo tàu thuyền ở khu vực cảng Lạch Vạn (huyện Diễn Châu).
nghe-an-hang-tram-be-mang-len-bo-tranh-bao-dam-bao-an-toan-cho-hoc-sinh-giao-vien-truong-hoc-6-1634137517.jpg
Toàn bộ tàu thuyền ở Nghệ An đã về nơi tránh trú an toàn.

Tùy tình hình mưa bão để cho học sinh nghỉ học

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có văn bản yêu cầu Trưởng phòng GD&ĐT, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc triển khai các biện pháp phòng chống cơn bão số 8.

Theo đó, Sở này yêu cầu các đơn vị cần xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, công trình trường học trong trường hợp xảy ra bão mạnh, mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, bão để có các giải pháp ứng phó kịp thời; triển khai lực lượng xung kích, cứu hộ theo phương châm “bốn tại chỗ”. Nhanh chóng di dời máy móc, thiết bị dạy học, sách vở, tài liệu, hồ sơ lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi an toàn, đặc biệt là các khu vực thấp  trũng, khu vực thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất..., hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.

nghe-an-hang-tram-be-mang-len-bo-tranh-bao-dam-bao-an-toan-cho-hoc-sinh-giao-vien-truong-hoc-7-1634137576.jpg
Sở GD&ĐT Nghệ An yêu cầu tùy tình hình mưa bão để cho học sinh nghỉ học.

Các nhà trường cũng có thể chủ động cho học sinh nghỉ học tùy theo diễn biến của bão, mưa lũ tại địa phương. Đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú, trong trường hợp có học sinh ở lại tại trường thì phải quản lý chặt chẽ học sinh, tuyệt đối không để học sinh tự ý ra khỏi khu vực trường trong mưa bão; đối với các trường thuộc hạ lưu thủy điện cần sẵn sàng các phương án ứng phó trong các trường hợp nhà máy thủy điện vận hành xả lũ, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Ngoài ra, cần tuyên truyền để phụ huynh quản lý con em khi ở nhà, không di chuyển đến nơi nguy hiểm, qua cầu tràn, sông suối vớt củi, bắt cá khi mưa lũ./ .